Với thông điệp doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế của đất nước, người đứng đầu Chính phủ cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Thủ tướng cũng cam kết đổi mới sự lãnh đạo, bỏ cái cũ, cái lạc hậu và áp dụng cái mới theo thông lệ quốc tế để phát triển.
Tháp tùng Thủ tướng dự đến đối thoại với doanh nghiệp có các phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam cùng với lãnh đạo các bộ, ngành địa phương. Gần 1.000 đại diện các doanh nghiệp (so với dự kiến ban đầu khoảng 500) trong và ngoài nước, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp… đến tham dự hội nghị và gửi đến Chính phủ nhiều kiến nghị và bức xúc từ thực tiễn kinh doanh.
Ngay trong lời đầu tiên với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các cuộc trao đổi tại hội nghị “Phải thực chất, có ích cho tổ quốc và có ích cho doanh nghiệp, tránh bệnh hình thức, gặp không chỉ để nghe mà tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thực sự”. Sau khi nghe vướng mắc của doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ, ngành sẽ phát biểu quan điểm rõ ràng trong mục tiêu giải pháp sức sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP
Ông cho rằng thời gian qua Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nhưng thực tế vẫn còn tồn tại nhiều rào cản, nhiều trở lực lớn trong sự phát triển doanh nghiệp. Người đứng đầu chính phủ khẳng định: “Với cuộc gặp này Chính phủ mong muốn lắng nghe, trực tiếp tháo gỡ, cùng doanh nghiệp xây dựng đất nước”.
Ông khẳng định tinh thần của Chính phủ là bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, của công dân. Theo đó tìm cách tháo gỡ mọi rào cản, chống tham nhũng và tiêu cục trong bộ máy nhà nước theo tinh thần lớn nhất là “không hình sự hóa các quan hệ hành chính và kinh tế” nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập.
Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hiến kế phát triển kinh tế. Đồng thời các doanh nghiệp cũng phải sản xuất và kinh doanh trên tinh thần liêm chính, cân đối lợi ích doanh nghiệp và cộng đồng, chú trọng bảo vệ môi trường.
Ông chỉ đạo, sau khi nghe các vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ ngành phải phát biểu rõ ràng quan điểm về việc tháo gỡ khó khăn, giải phóng sức sản xuất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Các bộ, ngành sẽ lắng nghe và xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, cùng tháo gỡ cùng đồng hành với doanh nghiệp chứ không phải "quyền anh, quyền tôi" mà mục tiêu là để sản xuất phát triển, kinh doanh phát triển, giải quyết việc làm cho người lao động.
“Kết quả của hội nghị là tạo niềm tin cho doanh nghiệp vào hệ thống cơ quan nhà nước, tạo niềm tin xã hội, niềm tin thị trường mới, niềm tin một chế độ xã hội tốt đẹp để phát triển kinh tế, hội nhập vững vàng hơn”, người đứng đầu Chính phủ nói.
“Tinh thần Chính phủ là sẽ thực hiện đúng hiến pháp, đổi mới sự lãnh đạo, bỏ cái cũ, cái lạc hậu và áp dụng cái mới theo thông lệ quốc tế để phát triển”, ông nhấn mạnh và khẳng định: “Hội nghị khởi động một giai đoạn mới trong đối thoại, trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp và Chính phủ, sự thẳng thắng, sự cầu thị và chân thành sẽ là phương châm xuyên suốt, nhất quán tại cuộc đối thoại này và mở rộng mô hình đối thoại này ở khắp các địa phương để tạo điều kiện lắng nghe và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển".
Tuyết Ân
Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
- Nhà nước bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo đảm quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định pháp luật, doanh nghiệp được kinh doanh những gì không cấm.
- Tất cả doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều bình đẳng về vốn, đất, quy định kinh doanh, trừ trường hợp đặc biệt.
- Đảm bảo sự ổn định lâu dài của chính sách để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư.
- Ổn định kinh tế vĩ mô, cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành chính sách quy định rõ một nơi chịu trách nhiệm.
- Quy định về điều kiện kinh doanh sẽ được lượng hóa, minh bạch, dễ hiểu, tạo điều kiện cho đông đảo người dân và doanh nghiệp có thể hiểu được; lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.
- Xem doanh nghiệp tư nhân là động lực để phát triển kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ làm ăn, đóng góp vào sự ổn định lao động việc làm, tăng thu nhập xã hội.|
- Ngăn chặn hình sự hóa quan hệ kinh tế nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, khẳng định Nhà nước, Bộ Công an không có chủ trương hình sự hóa, trừ trường hợp vi phạm
- Có cơ chế quản lý phù hợp với các doanh nghiệp hoạt động có tính rủi ro lớn, liên quan đến an ninh quốc phòng, công ích
- Giảm và tiến tới loại bỏ các loại phí, phụ phí bất hợp lý
- Bỏ hết quy định cũ, thực hiện đúng nghị định, thông tư theo tinh thần luật đã được Quốc hội thông qua.
» HoREA kiến nghị Chính phủ ra “sắc thuế sử dụng đất ở” để tăng tính minh bạch
» Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra vụ hải sản chết bất thường tại biển miền Trung
» Phó thủ tướng yêu cầu xử nghiêm vụ Tân Đức gây khó doanh nghiệp