Lý giải của Bộ Tài chính về việc này, đây là một giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, trước tình trạng gia tăng ô nhiễm không khí của phương tiện giao thông đã ở mức báo động. Tuy nhiên, đây thực sự có phải là một giải pháp cần thiết và hiệu quả trong bối cảnh hiện nay?
Một công bố từ các chuyên gia chính phủ Đức vừa qua qua khảo sát tình trạng ô nhiễm môi trường tại TP.HCM cho biết, bụi mịn có kích thước nhỏ như PM 10, PM 2,5 (các hạt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 và 10 micron) tăng cao, nhiều hơn gấp 23 lần so với các thành phố tại Đức. Điều này xuất phát từ số lượng phương tiện giao thông, nhất là phương tiện cá nhân tăng cao. Trong khi đó, khoa học thế giới đã có rất nhiều cảnh báo về việc ô nhiễm không khí gây ung thư. Ảnh: TL
Thực tế, nhằm kiểm soát nguồn khí thải do hoạt động của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây ra, và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm không khí nói chung, môi trường không khí các đô thị nói riêng, năm 2005 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy định 249 về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải với ô tô, xe máy.
Tuy nhiên, sau 10 năm áp dụng quy chuẩn khí thải ở mức thấp nhất theo Quyết định nói trên, theo Cục Đăng kiểm, tính đến tháng 5.2018, số lượng ôtô tham gia giao thông đã tăng 3,22 lần so với năm 2008 (3.050.794 xe so với 946.601 xe) và tiếp tục gia tăng với tốc độ khoảng 15%/năm; lượng khí phát thải ra môi trường tăng khoảng 2,5 lần, thì tiêu chuẩn khí thải này đã không còn phù hợp.
Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng nhận định, ô nhiễm môi trường không khí gây ra những tác động trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Tại các đô thị, khí thải từ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đóng góp nhiều nhất trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí. Các báo cáo đánh giá chất lượng không khí cho thấy, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, các chỉ số NOx, CO đã vượt mức cho phép từ 1,2 - 1,5 lần…
Vì vậy hiện nay, Bộ GTVT đang trình Chính phủ dự thảo Quyết định nâng tiêu chuẩn khí thải với xe ô tô đang lưu hành (ô tô tham gia giao thông và đã qua sử dụng nhập khẩu). Theo Cục Đăng kiểm trên báo Thanh Niên, việc kiểm tra khí thải theo tiêu chuẩn mới không phát sinh chi phí vì quy trình kiểm tra gắn với kiểm định an toàn kỹ thuật. Nếu đạt kết quả, xe sẽ được cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định như hiện hành.
Đánh giá của giới chuyên gia, biện pháp nâng tiêu chuẩn khí thải với ô tô nói trên đáng lý ra phải được áp dụng từ lâu. Trong khi các nước đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải tới EURO 5, Việt Nam mới bắt đầu yêu cầu xe mới nhập phải đủ tiêu chuẩn EURO 4, còn các xe hiện hành thì áp tiêu chuẩn mức thấp nhất (theo Quyết định 249 nói trên). Tuy nhiên, muộn còn hơn không.
Đồng thời các chuyên gia cũng cho rằng, không chỉ ô tô mà cả đối với xe máy cũng cần gấp rút đưa ra quy định về khí thải. Việc nâng tiêu chuẩn khí thải không chỉ có tác động tốt về chất lượng môi trường mà còn liên quan đến độ an toàn và chất lượng xe; là bước lọc giúp loại bỏ dần các phương tiện cũ lưu thông gây mất an toàn giao thông.
Thực tế cho thấy, một đề án kiểm soát khí thải xe máy, dù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 8 năm qua (năm 2010) nhưng đến nay vẫn chưa thể áp dụng. Nguyên nhân vì mức tiêu chuẩn khí thải với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (theo Thông tư 70/2015/TT-BGTVT) là rất thấp và chỉ áp dụng được với ôtô đang lưu hành, còn tiêu chuẩn đối với xe máy thì chưa có.
Trong khi đó, mức tiêu chuẩn khí thải đã được nâng (theo Quyết định số 49 của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2011) lại chỉ áp dụng đối với ô tô, xe máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, chứ không phải đối với xe đang lưu thông.
Như vậy có thể thấy, cho tới nay, Nhà nước đã đang có những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông - thông qua các dự thảo nâng cao tiêu chuẩn khí thải gần hơn với thế giới và qua việc đăng kiểm (nhằm loại bỏ xe cũ kém an toàn, gây ô nhiễm môi trường).
Đây là giải pháp cơ bản nhất cần phải được áp dụng trước tiên trong mục tiêu giảm ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông, trước khi nghĩ đến phương án thu phí khí thải như Bộ Tài chính đề xuất hiện nay. Việc thu thêm phí này chỉ làm cuộc sống người dân thêm khó khăn trước thực tế thu nhập của người dân không tăng mà đang phải gánh đủ các loại phí, thuế, đặc biệt đầu năm 2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ tăng kịch trần.
Vì vậy vấn đề hiện nay là cần nghiên cứu ban hành và thực hiện tốt các quy định liên quan đến tiêu chuẩn khí thải cho các phương tiện giao thông; và quan trọng là thực thi nghiêm, thì chắc chắn nỗi lo về vấn nạn ô nhiễm môi trường từ những nguồn thải này sẽ giảm và hiệu quả. Chứ đừng nghĩ thêm loại phí vắt kiệt sức dân.
Lê Quỳnh