Một không khí rộn ràng, nhiều màu sắc trên nền những chiếc áo dài mở đầu bộ phim đã cuốn hút khán giả bước vào một bộ phim điện ảnh có chủ đề về thời trang, lấy bối cảnh Sài Gòn thập niên 60- 70 và thời hiện đại.
Poster chính thức của phim.
Câu chuyện bắt đầu từ khi cô tiểu thư đài các Như Ý của nhà may Thanh Nữ nổi loạn, không muốn theo đuổi việc may áo dài mà muốn trở thành một nhà thiết kế Âu phục lừng danh. Mâu thuẫn giữa hai mẹ con đã đẩy đến một tình huống bất ngờ là Như Ý nhờ miếng ngọc quý đã vô tình xuyên qua không gian, thời gian để du ngoạn đến tương lai 48 năm sau.
Ở tương lai đó, một bối cảnh khác hoàn toàn mà Như Ý đài các ngày nào trở thành một bà cô già nghiện rượu, thất bại, bệ rạc, đánh mất gia phong của gia đình. Và rồi cô phải cứu lấy chính tương lai của mình khi gặp lại người chị em năm xưa…
Tình tiết lật thời gian, xuyên qua không gian – thời gian đến tương lai hoặc trở về quá khứ để từ đó thay đổi câu chuyện là một kiểu xử lý kịch bản thường thấy trong phim Hollywood. Việt Nam từng có Fan Cuồng của Charlie Nguyễn làm theo kiểu này nhưng không thành công còn với Cô Ba Sài Gòn, tình huống đó vừa rất bất ngờ nhưng cũng khiến khán giả thấy dễ chịu, hợp lý dù rõ ràng đó là yếu tố giả tưởng.
Ê kíp đã giữ bí mật hoàn toàn yếu tố “xuyên không” này trước ngày phim công chiếu nên khán giả hoàn toàn bất ngờ khi yếu tố “retro” kết hợp với hiện đại được kết hợp nhuần nhuyễn trong phim.
Có rất nhiều điều để khen về Cô Ba Sài Gòn. Đầu tiên là cái đẹp. Đoàn phim đã thực hiện hơn 200 bộ trang phục cho phim; khi các diễn viên nữ xuất hiện trong tà áo dài, chiếc nào cũng đẹp. Dù chỉ giới hạn trong những chiếc áo dài truyền thống cổ cao, tà dài, chít ben…, tinh thần của phụ nữ Việt vẫn rất rạng rỡ.
Các diễn viên diễn xuất rất đều, một Ninh Dương Lan Ngọc cá tính, trẻ trung; một Diễm My (trẻ) vào vai Helen sành điệu, thời thượng… Hồng Vân tham gia một vai quá ấn tượng. Đặc biệt, Ngô Thanh Vân dù bận rộn với vai trò nhà sản xuất – "đầu tàu" của bộ phim cũng tham gia diễn xuất thành công trong vai người mẹ - chủ thương hiệu Thanh Nữ.
Ngô Thanh Vân và Oanh Kiều trong phim.
Dù phim thành công nhưng vẫn có điều chưa được "đã" lắm. Đó là một kịch bản quá chắc chắn, an toàn trên nền một câu chuyện đơn giản. Biên kịch Kay Nguyễn am hiểu về thời trang nên Cô Ba Sài Gòn cuốn hút ngay cả những người làm nghề may lâu đời; nhưng giá như ê kíp chịu bứt phá hơn một chút. Ngoài câu chuyện về thời trang, về mâu thuẫn mẹ con, về hành trình chuộc lỗi, người xem cần thêm một chút hài hước, lãng mạn và cả kịch tính để ấn tượng về phim trở nên sâu đậm hơn.
Vẫn biết, ở thị trường điện ảnh Việt Nam hiện nay, có được một bộ phim tròn trịa như Cô Ba Sài Gòn là một điều đáng khen nhưng người xem vẫn có quyền hy vọng nhiều hơn vào ê kíp của Ngô Thanh Vân.
Cũng phải nhắc đến việc tính đến thời điểm này, Cô Ba Sài Gòn là một bộ phim có chiến dịch marketing khá thú vị. Chẳng những gây ấn tượng về đề tài, phim còn thu hút khán giả từ những tấm poster, font chữ, bố cục hay những bưu phẩm, tờ báo văn nghệ, thiệp mời… Tất cả hoà chung một phong cách và màu sắc retro khiến người hâm mộ vô cùng ấn tượng và trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho những sản phẩm “chế” của cư dân mạng.
Ba diễn viên Thủy Hương, Ngô Thanh Vân, Diễm My trong ngày ra mắt phim.
Nhà thiết kế Thủy Nguyễn, đồng sản xuất bộ phim trong lễ ra mắt phim.
Thư mời sự kiện được thiết kế dưới dàng một chiếc hộp kim chỉ có phấn may, thước đo, kim chỉ… cũng đã chinh phục được những khán giả đầu tiên thưởng thức bộ phim.
Trâm Anh
Ảnh: đoàn phim