Ảnh: TL
Đây là sáng kiến (có thể nói là một phát minh) của một vị trọng tài người Anh tên là K. Aston.
Bắt đầu từ một bức xúc khi ông chứng kiến trận tứ kết nhớ đời giữa đội Anh và đội Argentina tại World Cup 1966 (London, Anh). Khi cầu thủ P. Ratin của Argentina bị đuổi, cả đội của anh đã quây lại phản đối. Và anh chàng Ratin “rắn mặt” cũng nhất quyết không chịu rời sân. Khán giả ngồi xem ngơ ngác chẳng hiểu mô tê gì. Vì lúc đó, FIFA chưa áp dụng thẻ. Thường khi cầu thủ phạm lỗi nhẹ, trong tài liền thổi còi, gọi cầu thủ đó lại và nói: “Tôi cảnh cáo anh vì...”. Sau đó, cầu thủ này vẫn được chơi tiếp. Nhưng nếu lỗi nặng, trọng tài sẽ nói: “Tôi không cho anh được đá nữa vì...” đồng thời chỉ tay mời cầu thủ đó ra khỏi sân.
Đa số cách điều hành như vậy gây ra nhiều rắc rối. Vì mất thời gian giải thích mà các cầu thủ cứ chống lại không nghe. Hơn nữa, khán giả và các bình luận viên truyền thanh, truyền hình (ngồi ở xa) cũng rất khó xác định nguyên do sự tình. Trận đấu Anh - Argentina hôm ấy phải gián đoạn tới 11 phút (gần bằng thời gian giải lao giữa 2 hiệp). Căng thẳng quyết liệt đến nỗi khi tan trận, HLV đội Anh (lúc đó là A. Ramsey) nổi đoá, tức tốc chạy đến giật chiếc áo trên tay cầu thủ B. Chalton, không cho anh đổi áo với cầu thủ đội Argentina, những người mà ông cho là “chơi xấu nhất” vùng Nam Mỹ.
Lúc ấy, K. Aston chợt nghĩ tới tín hiệu quy ước giao thông đang áp dụng trên đường phố. Đèn xanh: tiếp tục đi; đèn vàng: chú ý; đèn đỏ: dừng lại. Ông liền đề xuất trọng tài nên được trang bị hai loại thẻ. Một loại màu vàng (yellow card: thẻ vàng) một loại màu đỏ (red card: thẻ đỏ), để dùng khi cầu thủ phạm lỗi. Khi trọng tài rút thẻ vàng tức cầu thủ đó bị cảnh cáo, nhắc nhở; rút thẻ đỏ tức cầu thủ bị đuổi. Sáng kiến này nhanh chóng được FIFA tán thưởng và lần đầu tiên được áp dụng tại World Cup Mexico 1970.
Sau này, cùng với thời gian, luật FIFA cũng hoàn thiện dần về các loại lỗi cụ thể. Chẳng hạn, các cầu thủ thi đấu có hành vi phi thể thao, phạm lỗi thô bạo, nhổ nước bọt, có lời lẽ, cử chỉ khiếm nhã đối với cầu thủ đối phương (hay với khán giả, trọng tài...) sẽ tùy trường hợp mà rút thẻ. Các tấm thẻ cũng ngày càng hoàn thiện về kích thước, màu sắc, quy cách ghi (tên số áo và số lần phạm lỗi), chất liệu (trước kia làm bằng bìa carton, hiện nay bằng nhựa plastic, có thể dùng trong mọi thời tiết)...
Hai tấm thẻ bé nhỏ, khác màu hoá ra lại có vai trò rất quan trọng, giúp cho trọng tài điều hành trận đấu một cách đơn giản, tiện lợi và văn minh. Tấm thẻ đó cũng là một thước đo tư cách cầu thủ. Chả thế mà ta thường thấy, cầu thủ nào hay phạm lỗi, phải “ăn” nhiều thẻ, chắc chắn sẽ không bao giờ được ban tổ chức đưa vào danh sách bình chọn để trao giải Fair Play.
Và thế rồi dần dần trong cuộc sống, người ta lại mang thẻ vàng thẻ đỏ vào dùng trong nhiều hoàn cảnh khác, hoàn toàn không liên quan gì đến thể thao. Chẳng hạn, chúng ta thường nghe nói:
- Buồn quá, mình làm thế cứ tưởng sếp khen. Ai ngờ được xơi ngay một cái “thẻ vàng”. Cắt luôn suất thưởng cả quý này mới đau chứ;
- Thằng Tuấn “lò gạch” vừa rồi bị phen hú vía. Không hiểu “xạo” thế nào mà suýt nữa bị nàng Bích Nhung “giơ thẻ đỏ” cho “nghỉ khoẻ”. May chỉ bị nàng “rút thẻ vàng” cảnh cáo...
Thú vị thật! Cuộc sống bây giờ, đúng là ngoài chuyện ăn bóng đá, ngủ bóng đá, còn có cả... thẻ bóng đá.
PGS-TS. Phạm Văn Tình