Các tỉnh Tây Nguyên vẫn tiếp tục bị khô hạn khốc liệt. Thống kê của các cơ quan chức năng, toàn khu vực hiện có có 25.000 hộ dân với 123.000 người bị thiếu nước sinh hoạt; đặc biệt, 319.000 người đang lâm vào cảnh thiếu ăn do giáp hạt và hạn hán.
Hiện mực nước trên các ao hồ, sông suối ở Tây Nguyên tiếp tục giảm dần. Dòng chảy trên các sông suối đều nhỏ hơn trung bình cùng kỳ 20-30%, có nơi 40-50%.
Một số hồ nước đã thấp hơn mực nước chết như Ia Rung (Gia Lai), Krông Búc Hạ, Ea Súp Hạ, Núi Lửa (Đăk Lăk), Đăk Sa Nen, Đăk Brông, Hồ Chè, Ia Bang Thượng (Kon Tum).
Hồ thủy lợi Ea Kring, xã Ea Sin, huyện Krông Búk, Daklak cạn trơ đáy gần 3 tháng nay.
Trong đó, Đaklak là tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất do hạn hán. 250.000 hộ dân ở đây đang lâm vào cảnh đói và rất cần sự hỗ trợ.
62.000 hộ khác đang ngóng trời cầu mưa vì hơn 2 tháng nay họ phải đi vài cây số mới lấy được một hai bình nước.
Tính đến giữa tháng 4.2016, toàn tỉnh Daklak có 42.365 héc ta cây trồng bị hạn, trong đó có 6.148 héc ta bị mất trắng (chủ yếu là diện tích cà phê với gần 33.000 héc ta bị hạn và hơn 4.400 héc ta bị mất trắng). Thiệt hại về cây trồng ước tính 1.312 tỷ đồng...
Người dân đào giếng gần 10m ngay giữa lòng hồ cũng không có nước
Theo đó, Bộ NN&PTNT vừa đề nghị Chính phủ hỗ trợ một phần kinh phí chống hạn, khôi phục sản xuất và phòng chống đói giáp hạt trong thời gian tới; bổ sung kinh phí để sớm hoàn thành các công trình thuỷ lợi đang xây dựng.
Về nông nghiệp, ở Tây Nguyên cần ưu tiên tưới tiêu cho các loại cây giống, lúa đã và đang trổ bông, cần lập kế hoạch phục hồi sản xuất, đẩy mạnh trồng cây lương thực ngắn như ngô, khoai, sắn, các loại rau màu để có thêm lương thực chống đói trong những ngày giáp hạt.
Cây cafe bị cháy khô do thiếu nước tưới
Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn, Tây Nguyên thời gian tới ngày nắng nóng và khô, nhiệt độ có ngày lên tới 36 độ C, có mưa rào và dông vài nơi.
Lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, phổ biến ở mức 25-30 mm. Tình trạng khô hạn vẫn tiếp tục xảy ra.
Theo dự báo, tình hình hạn hán còn tiếp tục kéo dài đến tháng 5. Riêng ở Đak Lak, hạn hán sẽ còn làm ảnh hưởng đến khoảng 80.000 ha cây trồng và khoảng 30.000 người bị thiếu nước sinh hoạt.
Người dân đang tận dụng những vũng nước cuối cùng ở sông Krông Năng để tưới cho cây cafe
Sông Krông Năng, Dak Lak – dòng sông cung cấp nước tưới cho hơn 50% diện tích cà phê ở huyện Krông Năng cạn trơ đáy
Tin & ảnh: Trần Cường
» Miền Tây trong cơn khát - Kỳ 1: Thượng điền tích thủy hạ điền khan?
» Miền Tây trong cơn khát - kỳ 2: Pháp lý cho nguồn nước và giải pháp sống chung hạn, mặn