mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Tăng giá điện: tăng thu nhập lao động ngành và lợi nhuận trước thuế?

 10:57 | Thứ năm, 09/05/2019  0
Trao đổi với Người Đô Thị về vấn đề tăng giá điện hiện nay, chuyên gia kinh tế - tiến sỹ Bùi Trinh cho biết, phân tích số liệu thống kê chính thức của Tổng cục Thống kê cho thấy: năng suất lao động của hai ngành khai thác khoáng sản và ngành sản xuất phân phối điện cao bất thường so với năng suất chung của nền kinh tế, và xu hướng này theo chiều hướng đi lên. Điều này đặt ra câu hỏi: hoặc số liệu thống kê có vấn đề, hay mỗi lần tăng giá điện lại làm tăng giá trị tăng thêm của ngành điện, tức là tăng thu nhập của người lao động, hoặc thặng dư sản xuất (lợi nhuận trước thuế là cơ bản), hoặc cả hai?

Thưa ông, Bộ Công thương đưa ra lý do của việc tăng giá điện là ngành điện lỗ do chi phí đầu vào và lỗ do chênh lệch tỷ giá còn treo lại từ những năm trước. Được biết qua phân tích của ông từ số liệu về năng suất lao động của Tổng cục Thống kê cho thấy, năng suất lao động ngành khai thác khoáng sản và ngành sản xuất phân phối điện cao hơn gấp gần 20 lần năng suất chung của nền kinh tế. Điều này cho thấy vấn đề gì trong sự tăng giá điện hiện nay?

Chuyên gia kinh tế - TS. Bùi Trinh

Số liệu thống kê chính thức từ Tổng cục Thống kê cho thấy, ngành điện năm 2010 có năng suất lao động cao gấp 11,5 lần năng suất chung, đến năm 2017 năng suất lao động của ngành này tăng cao gấp 15,1 lần năng suất lao động bình quân của nền kinh tế; ngành khai khoáng năng suất cao gấp hơn 19 lần năng suất bình quân chung của nền kinh tế.

Để ý rằng, năng suất lao động bằng giá trị tăng thêm theo giá cơ bản so với lao động; mà giá trị tăng thêm theo giá cơ bản bao gồm 2 nhân tố chính, là: thu nhập của người lao động (lương và các khoản thu nhập khác), và thặng dư sản xuất (lợi nhuận trước thuế là cơ bản). Như vậy câu hỏi cần đặt ra là: hoặc số liệu thống kê có vấn đề, hay mỗi lần tăng giá điện lại làm tăng giá trị tăng thêm của ngành điện, tức là tăng thu nhập của người lao động hoặc thặng dư, hoặc cả hai?

Năng suất lao động của hai ngành khai thác khoáng sản và ngành sản xuất phân phối điện luôn cao bất thường so với năng suất lao động bình quân chung, cho thấy: giá trị gia tăng của hai ngành này rất lớn. Điều này cũng có nghĩa là, một trong hai yếu tố (thu nhập người lao động và thặng dư), hoặc cả hai yếu tố này đều rất cao so với mặt bằng chung của nền kinh tế. Đây là vấn đề cực kỳ vô lý.

Tại sao vô lý? Bao trùm lên hai ngành khai thác khoáng sản và ngành sản xuất và phân phối điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV). Hai tập đoàn này đều là các tập đoàn nhà nước thuộc Bộ Công thương. Khoáng sản, tài nguyên là tài sản của Nhà nước, của nhân dân, giao cho TKV khai thác nhưng anh luôn kêu lỗ. Sản phẩm của TKV (than) lại là đầu vào của EVN, TKV nâng giá do “lỗ”, EVN nâng giá cũng do “lỗ”.

Tôi cho rằng, cách làm này về bản chất giống với hành động chuyển giá, mà đây là sự chuyển giá trắng trợn nhất, người dân thiệt từ khâu đầu đến khâu cuối; và cuối cùng tất cả lại đổ lên đầu người tiêu dùng (người dân). Phải chăng người dân vừa mất của (tài nguyên), vừa mất thêm tiền do quản lý kém, lãng phí và các thứ khác?

Vấn đề thứ hai là về tỷ giá, còn vô lý hơn nữa. Về nguyên tắc, EVN phải có quỹ dự phòng rủi ro, trong đó có rủi ro về tài chính như lỗ do tỷ giá. Đáng lẽ khi lãi, anh phải lấy ra một khoản để cân bằng tỷ giá. Hay EVN đã tận chi hết cả lợi nhuận mà không để dự phòng? Và cuối cùng lại là người dân phải gánh chịu.

Vấn đề thứ 3, việc tăng giá điện và giá xăng dầu vừa rồi rất mạnh, dồn dập, lại tăng vào thời điểm nhạy cảm nhất, từ xuân sang hè, ai cũng phải dùng điện nhiều. Điều này cho thấy trong điều hành Nhà nước có vấn đề.

Phân tích từ số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê cho thấy, năng suất lao động của hai ngành khai thác khoáng sản và ngành sản xuất phân phối điện luôn cao bất thường so với năng suất lao động bình quân chung. Vậy liệu, mỗi lần tăng giá điện là lại làm tăng giá trị tăng thêm của ngành điện, tức là tăng thu nhập của người lao động hoặc thặng dư, hoặc cả hai?. Ảnh: TL


Có nhiều yếu tố hình thành nên giá điện. Vậy số liệu thống kê cho thấy năng suất lao động hai ngành như ông đã phân tích trên có mang tính quyết định đến giá điện không?

Như phân tích ở trên, theo số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động hai ngành khai thác khoáng sản và ngành sản xuất phân phối điện đều cao bất thường so với năng suất lao động bình quân. Điều này tức là thu nhập của lao động hai ngành này quá cao, hoặc là lãi quá nhiều, hoặc là cả thu nhập lao động và lãi của hai ngành này cùng quá nhiều so với mặt bằng chung.

Trong đó cần hiểu, lương là một yếu tố cấu thành giá điện, giá điện được hình thành gồm khâu sản xuất, khâu truyền dẫn và khâu phân phối. Giá thành sản phẩm của một doanh nghiệp gồm các chi phí quản lý, chi phí sản xuất, chi phí bán hàng. Sản phẩm điện là một sản phẩm đặc thù, nó có bắt đầu từ khâu sản xuất, đến khâu truyền dẫn rồi sang phân phối, từng khâu một đều phải hạch toán, thì cuối cùng mới ra lợi nhuận trước thuế. Nếu lỗ thì không phải đóng thuế, nhưng lãi thì phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Như vậy bản chất của tăng giá hiện nay có thể được nhìn nhận như thế nào, cần xem xét lại những vấn đề gì?

Bản chất tăng giá điện hiện nay không phải là xem xét lại biểu giá điện, nếu như thế thì mang tính chất hơi “lừa đảo” dân.

Bản chất là cần xem xét lại cách tính giá điện bình quân hiện nay, có đúng ngành điện bị lỗ không, lương của anh là bao nhiêu? Khâu nào lỗ, lỗ ra sao? Nói thẳng ra là minh bạch lương của lao động ngành. Người dân không thể nào gánh mức lương trên trời của các ông bà ngành điện lực; và cần phải xem xét lại cả ở ngành than nữa.

Theo TS. Bùi Trinh, tính toán sơ bộ thực trạng tăng giá xăng dầu và giá điện (8,36%) cho thấy chỉ số giá CPI trên dưới 2%. Đây là con số rất cao, dù chưa tính tới tăng giá y tế và chưa có ảnh hưởng của chính sách tiền tệ. Điều này khiến sang năm khó tránh được lạm phát. Ảnh: TL


Cần minh bạch tất cả yếu tố hình thành nên giá thành. Khi lỗ do tài chính, thì về nguyên tắc anh phải có một quỹ dự phòng để phân bổ lãi. Nhưng nếu lãi chia nhau hết rồi bắt dân phải chịu là không được. Dư luận đã đặt ra câu hỏi có hay không vấn đề này? Nhưng người dân, nhà báo, các chuyên gia,… đều không được minh bạch thông tin gì để thẩm định đúng hay sai. EVN phải chứng minh được tại sao anh tạo ra đơn giá bình quân. Cốt lõi vấn đề là minh bạch giá điện bình quân dựa trên cơ sở nào, và tại sao tăng giá điện và giá xăng dầu rất nhiều, lại vào thời điểm nhạy cảm nhất.

Nếu trong trường hợp EVN lỗ thật thì thế nào, thưa ông?

Nếu đúng là lỗ thật thì cần phải có lộ trình tăng giá của nó, không thể làm một cách đột ngột và gây sốc cho người dân và cho nền kinh tế. Còn nếu thông tin tù mù, rồi bịa đặt số liệu đối phó thì rất nguy hiểm.

Tính toán của ông, việc giá điện tăng như hiện nay có gây ảnh hưởng gì đến nền kinh tế không?

Giá cả phụ thuộc vào hai yếu tố chính: chi chí đẩy (là xăng, điện, dịch vụ y tế,…) và cung tiền (cung ứng tiền tệ - chỉ lượng cung cấp tiền tệ trong nền kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu mua hàng hóa, dịch vụ, tài sản,... của các cá nhân/hộ gia đình và doanh nghiệp). Cung tiền hiện nay so với GDP cũng đã tương đối cao. Năm 2009 khi xảy ra lạm phát, cung tiền chỉ khoảng 140%.

Tôi vừa tính toán sơ bộ thực trạng tăng giá xăng dầu và giá điện (8,36%) thì nó làm chỉ số giá CPI trên dưới 2%. CPI những năm gần đây chỉ 4 - 5% thôi, vì vậy ảnh hưởng của tăng giá điện, xăng 2% là con số rất cao, đó là chưa tính tới tăng giá y tế và chưa có ảnh hưởng của chính sách tiền tệ. Nếu như thế này thì sang năm khó tránh được lạm phát; rất có khả năng nó sẽ gây ra tăng giá mạnh đối với nền kinh tế vào những chu kỳ sản xuất tiếp theo.

Tôi cho rằng việc tăng giá như hiện nay đang rất nghiêm trọng, nhưng không hiểu tại sao Bộ Công thương lại thách thức tất cả như thế.  

Theo ông, đã có chỉ đạo hình thành thị trường phát điện cạnh tranh, tại sao gắn điều kiện này với điều kiện tăng giá điện? Nó có hợp lý?

Tôi không thấy có cạnh tranh gì hiện nay cả. Cạnh tranh là trăm người bán, vạn người mua. Đây chỉ có một người mua thôi (EVN), và mua ai, cũng lại là quyền của EVN!

Lê Quỳnh (thực hiện)

Ngày đầu kiểm tra của Bộ Công thương: “trả tiền nhiều vì sản lượng điện tiêu dùng tăng gấp đôi”

Liên quan đến những phản ánh của người dân về giá điện tăng cao bất thường gây bức xúc dư luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định 1114 về việc kiểm tra tình hình thực hiện điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.

Theo đó, 3 đoàn kiểm tra do lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực làm Trưởng đoàn. Các thành viên trong đoàn kiểm tra có đại diện Bộ Tài chính, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Bên cạnh kiểm tra tình hình thực hiện quyết định về tăng giá điện bình quân và quy định giá bán điện của Bộ trưởng Bộ Công thương, đoàn sẽ kiểm tra công tác kinh doanh dịch vụ, giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện thời gian qua, tình hình thực hiện công tác tuyên truyền về giá điện và sử dụng điện cho khách hàng. Đồng thời kiểm tra tình hình sử dụng điện của một số khách hàng lớn tại từng khu vực, qua đó đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện tới chi phí mua điện và giá thành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Các đoàn kiểm tra sẽ thực hiện kiểm tra tại 3 miền Bắc Trung Nam. Thời gian kiểm tra bắt đầu từ ngày 8.5 – 10.5.

Trên báo Công thương điện tử, cơ quan ngôn luận của Bộ Công thương, tại buổi làm việc đầu tiên với đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công thương chủ trì vào ngày 8.5, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) báo cáo nêu rõ, sản lượng điện tiêu dùng tháng 4 tăng gần gấp đôi so với Quý I dẫn đến khách hàng phải trả nhiều tiền hơn. 

Cụ thể, theo EVNNPC, có 3 nguyên nhân chính làm tăng sản lượng điện tiêu dùng, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng cao như thời tiết nắng nóng, nhu cầu điện tăng cao đột biến; thời gian ghi chỉ số tháng 4 dài hơn tháng 3.2019 là 3 ngày; và ảnh hưởng của quyết định điều chỉnh điện tăng giá điện ngày 20.3.2019.

PV

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.