mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Sức mạnh của im lặng

 20:39 | Thứ ba, 16/01/2018  0
Im lặng ở đây được hiểu là một sự ngắt đoạn lâm thời trong một cuộc đối thoại thông thường chứ không phải là một sự im lặng “bất hợp tác”. Vì ai cũng “im như thóc” cả thì còn gì là giao tiếp nữa?

Ảnh: internet

Luân phiên lượt lời là một trong những đặc điểm cơ bản của bất kì một cuộc hội thoại nào. Song có lúc, người ta phải biết dừng lại để lắng nghe, để ngẫm nghĩ và để chuẩn bị cho những phát ngôn thích hợp. Chứ cứ một mình “độc chiếm diễn đàn” hoặc nhanh nhảu ngắt lời, thậm chí cướp lời người khác thì thật bất nhã vì thiếu tôn trọng người nói (và thiếu tôn trọng chính mình).

Im lặng nhiều khi còn thể hiện một thái độ. Khi không đồng tình hay còn đang cân nhắc điều gì được cho là chưa thoả đáng, chưa kín kẽ thì người ta có thể chọn giải pháp tạm im lặng không đáp lời. Và khi người nói đột nhiên ngừng lại giữa chừng sẽ làm cho “đối tác” lúng túng vì chưa nắm bắt được dụng ý của hành vi này. Lúc đó sự im lặng mang một hàm ý và có một hiệu quả giao tiếp rất cao. Chính điều này đã đem lại những điều bất ngờ rất thú vị trong các cuộc trao đổi, chẳng hạn sự im lặng của các “nàng” trước sự bày tỏ tình cảm của các"chàng" trong vai người chinh phục. Im lặng nhiều lúc quả "đúng là vàng" vì sự im lặng đúng lúc đúng chỗ chính là một “thông điệp không lời” có giá trị vượt ra ngoài phạm vi diễn đạt hiển ngôn.

Nhưng cũng có lúc người ta lại có một sự im lặng vô lí, im lặng đáng sợ (!). Một đứa trẻ im lặng “đánh bài lì” khi mẹ mắng; một học sinh câm như hến phớt lờ lời cô hỏi; một nhân viên ngậm tăm, cậy răng không nói một lời trước sự góp ý của anh em đồng nghiệp (mặc dù mọi “sự tình” đã rõ mười mươi)... là một thái độ im lặng “khó hiểu”, mang tính tiêu cực.

Gần đây, rất nhiều tổ chức, cơ quan, cá nhân bị báo chí, dư luận chất vấn về việc làm được cho là “có vấn đề” của họ nhưng họ đều tránh không đáp lời. Thậm chí, có cơ quan được đưa vào Đường dây nóng trên báo hai ba lần vẫn cứ tảng lờ không nghe (!). Tất nhiên, không ai nghĩ rằng báo chí nói cái gì cũng đúng. Đấy cũng chỉ là một “kênh” thông tin quan trọng trong xu hướng xã hội hoá các cuộc trao đổi.

Qua báo chí, người dân có quyền lên tiếng để bày tỏ sự bức xúc của mình về một loạt vấn đề. Và muốn tường tỏ sự đúng sai, rất cần có ý kiến hồi đáp của các “đương sự”. Biết đâu sự thắc mắc kia chưa đúng và chính lúc đó người được chất vấn lại có cơ hội bộc bạch sự nghiêm chỉnh của mình. Đằng này, tên tuổi, sự việc, địa chỉ nói rõ ràng nhưng đương sự vẫn bất cần. Ai nói mặc ai, việc ta ta cứ làm!

Nhà thơ R. Gamzatov (Nga) đã từng nói “Con người chỉ cần 2 năm học nói nhưng cần tới 60 năm để học cách im lặng”. Đó không chỉ là một câu nói hay mà còn là một bài học cực kì chí lí về cách thể hiện hành vi im lặng trong các bối cảnh giao tiếp cần thiết.

PGS-TS. Phạm Văn Tình

(Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.