mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Sông trong lòng biển

 06:30 | Chủ nhật, 28/10/2018  0
Tới khi ba tôi không còn, tôi mới biết ba tôi là ai trong lòng người đi biển.

1. Ba tôi ngồi trước bàn trà. Ông gầm lên. Không đi cửa sau, không đi cửa sau!

Má tôi và tụi tôi chạy nháo nhào. Mạnh đứa nào đứa nấy giở chồng báo trên bàn, lục tìm nơi kệ sách, bàn nước... để tìm chìa khóa mở cửa. Không biết đêm qua đứa nào khóa cửa trước khi đi ngủ và chìa khóa để đâu rồi. Tiếng kèn xe trước nhà kêu ầm ĩ, tài xế đang đợi ba tôi lâu quá nên cứ bóp kèn vì thấy cửa chưa mở tưởng ba tôi chưa thức. Lúc đó tầm năm giờ sáng. Má tôi mở cửa sau nói ba tôi đi đỡ, vì sợ trễ giờ ba tôi là hoa tiêu đi dắt tàu, nhưng ba tôi đã hét lên như vậy.

May thay, một đứa tìm được chìa khóa mở cửa. Ba tôi đứng dậy, xách cặp đi ra. Mấy đứa tôi đứng nép sau cửa nhìn theo, ba tôi lên xe, cánh cửa đóng sầm. Má và tụi tôi thở phào. Dù đã biết tính khí ba tôi nhưng thỉnh thoảng vẫn bị sốc. Má tôi không quên căn dặn tụi tôi phải nhớ quy định đặt khóa nơi nào, nón nơi nào, ai cũng nghe và ai cũng quên. Đó là buổi sáng của một thời quá khứ.

Thỉnh thoảng tôi vẫn nhắc nhở mình rằng, tôi vẫn còn nợ ba tôi. Nợ những ghi chép về ông mà tôi không muốn mình sẽ quên đi cùng thời gian. Người cha mà trong lý lịch được ghi là do “đế quốc đào tạo” chẳng qua vì ông học ngành hàng hải thời Pháp thuộc. Và ông đã suốt đời đi theo những con tàu mà ông đã trao cuộc đời mình cho nó. Tôi vẫn thường nghe những lời hoa mỹ như “ngoại thương đi theo cờ tàu” hay lời cay đắng như “hàng hải là nghề dưới đáy xã hội”. Nói thế nào tôi cũng thấy đúng.

Về kinh tế, một con tàu có trọng tải cao, cước vận chuyển thấp hơn các phương tiện khác, có thể đi đến nhiều nơi trên thế giới, thì ngoại thương đi theo cờ tàu là đúng. Tôi không đủ điều kiện và cũng không thích đi tìm hiểu sâu hơn về việc đó. Tôi chỉ hay nghĩ về nghề mà một thời cho rằng dưới đáy xã hội.

Ảnh: TL

Cái thời mà tàu còn chạy bằng máy hơi nước, thủy thủ phải đốt than để vận hành máy, bây giờ đã thay đổi rất nhiều. Chỉ duy có điều không đổi là con người vẫn gắn với con tàu lênh đênh trên biển với một hành trình dài và thân phận vẫn là một chiếc lá giữa biển khơi. Người đi biển, sau một chặng đường dài, khi trở về bến cảng, có khi mộ người thân đã xanh cỏ. Hay khi chia tay bước xuống tàu, đứa con chưa chào đời, ngày về nó đã vài tháng tuổi. Cảng này nối tiếp cảng kia. Nhưng đừng bao giờ cho rằng mình đã biết nhiều nước trên thế giới do đã qua nhiều bến cảng. Bến cảng dành cho con tàu và người đi tàu bao giờ cũng là một bến cảng mà thôi. Văn hóa hay con người của một cảng biển làm sao nói hết được văn hóa, con người của một đất nước. Ngay đất mẹ của họ, họ còn chưa kịp biết năm nay con họ tựu trường ngày nào, thì đã phải theo tàu ra khơi. Không ai khen chê gì chuyện này. Tính đặc thù của nghề nghiệp là vậy.

Nhưng nếu coi hàng hải là nghề dưới đáy xã hội thì cũng buồn. Đôi khi phải buồn, vì tuy chân anh đã đặt trên nhiều đất nước, mà ngày anh nằm xuống vì một lý do nào đó, anh phải ra nghĩa trang trên một chiếc xe bò. Tôi đã đi sau chiếc xe bò đó. Tiếng bánh xe lăn lọc cọc trên đường đất, một hàng tre rực lá vàng rải trên lối mòn. Một hàng người lặng lẽ theo sau chiếc xe. Không ai kêu khóc, anh còn trẻ đến đỗi chưa kịp có vợ.

2. Tôi cũng từng ngồi xe hơn 300 cây số để thay mặt công ty của một anh khác, về thắp nhang cho ba anh, vì tàu không thể nào về kịp để anh chịu tang cha. Tiếng nhạc ngũ âm réo rắt buồn trong buổi trưa rực nắng, đưa tôi theo một con đường nhỏ ven sông, đến cuối một cù lao nhỏ, nơi tuổi thơ của anh đã đi qua. Nơi anh đã bỏ lại, để trao đời mình cho biển khơi. Nhưng tôi tin rằng rồi một ngày, cuối đời, anh cũng sẽ trở về, về nơi cha anh nằm xuống.

Tôi cũng đã ngập tràn cảm giác cô đơn bên cạnh những người thân của các anh, trên một bến cảng, chờ đợi những người còn sống sót sau một vụ tàu chìm. Cô đơn bởi không thể có một lời an ủi nào thốt ra trong tình cảnh đó. Một bà mẹ, một người chị, một người vợ hay một người tình, không ai khóc than một lời. Họ là người thân của những người đã nằm lại mãi mãi trong lòng biển. Tất cả nỗi đau như nuốt vào căm lặng. Trên chuyến xe khuya, tôi thấy những đôi mắt khô khốc, căng thẳng, đau đớn tận cùng, đến nỗi không có một giọt nước mắt nào ứa ra. Đó là “dưới đáy xã hội” chăng? Mặc dù ai mà chẳng một lần thấy mình dưới đáy xã hội. Một thất bại. Một đổ vỡ. Một tuyệt vọng. Một mất mát. Cảm giác của chính mình dưới đáy xã hội, chẳng cần ai quăng hay ném.

Tôi cũng đã đứng bên một quan tài kẽm, đưa một người qua đời ở bên kia, về đất nước. Cái chết đột ngột của một người thường kèm theo nhiều bất trắc và dư luận. Dẫu sao thì họ cũng xong một kiếp người, chỉ phiền cho người vợ trẻ và đứa con thơ phải tiếp tục tìm cách sống khác.

Tôi thường không vui trong những tiệc tùng của ngành hàng hải. Giữa những rượu và hoa và nhiều thứ khác, tôi thường thấy nỗi cô đơn của chiếc lá nhỏ mong manh giữa biển khơi. Một đêm đen vô tận, mênh mông, không thấy bến bờ, con tàu bé nhỏ mải miết đi, để về một cảng đến theo hải trình đã định, nhưng trong phút giây lênh đênh, ai chẳng có lần cảm nhận, biết trôi về đâu, cuộc đời.

Những chiếc tàu nhỏ bé giữa biển khơi, thì cha tôi, khi làm thuyền trưởng của một chiếc tàu nào đấy, cũng bé nhỏ giữa biển đời vậy thôi. Ba tôi không hay kể về mình. Một lần, bất chợt ông trầm ngâm. Ba chỉ làm nghề. Ba không biết mình có làm gì tốt hơn không. Nhưng ba nhớ những ngày đầu tiên đưa tàu ra cảng HP. Những ngày còn trong hiệp định đình chiến có giám sát của nhiều thành phần, ba được lệnh chở phái đoàn ra một đảo nhỏ còn giấu nhiều vũ khí. Cấp trên muốn làm sao giữ số vũ khí đó mà không bị phái đoàn phát hiện.

Phái đoàn đi có một số phu nhân đi theo, ba đã bằng cách cho tàu chạy sóng ngang, để sóng làm tàu lắc lư dữ dội, các phu nhân ói mửa, các ngài giám sát yêu cầu ba mau cho tàu quay về đất liền nhanh... Vậy nên tàu không ra tới đảo, và số vũ khí còn nguyên. Ba nghĩ là đã làm được điều cần thiết. Đó là lần tự sự duy nhất tôi nghe ba kể. Còn lại thì thường là những chuyện ba tôi hơi gàn dở. Vài chục năm trước, lúc chị tôi đau yếu cần nằm viện, bệnh viện yêu cầu ba tôi làm giấy xác nhận “người có công với cách mạng” để chị tôi được hưởng vài chế độ. Thì ba tôi nói, làm cách mạng ai kể công làm gì...

Huyền thoại về lão thuyền trưởng trên đất cảng Hải Phòng thì còn nhiều. Chẳng hạn những năm về hưu, ba tôi xin về một nông trường chăn bò. Nên ông có cơ hội có một chiếc xe bò, ông đánh xe ngang phố, trên chân con bò có đeo một chiếc đồng hồ Viller hồi ấy. Hay ông có nghề giỏi, nên nhiều người sợ ông vượt tuyến bằng thuyền thúng... Đã là huyền thoại thì vô số điều hư cấu. Tốt cũng có mà xấu cũng nhiều. Tôi không quan tâm lắm.

3. Đối với tôi, người đàn ông nhăn nheo, che mặt khóc, trước má tôi và các con, trong lần gặp lại một đêm năm nào cách đây vài mươi năm, vẫn không khác gì ông già, trong một căn chòi nhỏ trên sông, cạnh khu vườn của một người cháu bên dòng sông Hậu. Sau khi làm cố vấn mở luồng cảng Hòn Chông, ba tôi ở lại bên dòng sông ấy. Má nói ba tôi muốn ở lại đấy ít lâu. Má nói nơi ấy có một ngôi chùa, ba tôi thích vào trò chuyện với sư thầy. Rồi một ngày, má nói, ba con bệnh, con đi rước ba về đi.

Nhờ vậy, tôi mới biết ba tôi sống trong một nhà sàn nhỏ ven sông. Ngôi nhà bé xíu, đi qua cây cầu vài bước chân, sàn nhà được ghép bằng những miếng ván cũ, chắc gỡ ở đâu ra. Nhà vừa vặn để một ghế bố xếp và một chiếc bàn uống trà thấp, cạnh một chiếc võng cói treo hai đầu cột tre. Tôi nói, má sai con rước ba về. Ba tôi cười khụt khịt, ờ thì về. Ba tôi xếp vài bộ quần áo bỏ vào túi xách nhỏ. Hỏi tôi có chỗ cất vài quyển sách cho ba không. Tôi cầm cuốn Nguồn gốc đạo Phật, giấy úa vàng, cho vào ba lô. Lúc trở lên bờ, tôi thấy một chậu hoa quỳnh nở đầy bông cạnh đường đi. Tôi hỏi làm sao mà ba trồng được chậu bông như vậy. Ba tôi nói, lấy cá con của mấy đứa cháu đi lưới cá về, bỏ vào hũ, ủ cho tới khi rã mục thì bón hoa quỳnh...

Buổi trưa, mấy người cháu của ba tôi làm bữa cơm chia tay ông và đãi tôi. Một bữa ăn toàn cá, có những loại tôi chưa biết tên. Sau nhiều lời chúc tụng của các người cháu, tôi và ba ra xe. Đi ngang một cây hoa sứ, tiện tay ba tôi vói bẻ một cành, đưa cho tôi và nói, con đem về trồng trước nhà đi. Không biết ý ba tôi, nhưng tôi cũng mang cành sứ về trồng trước nhà. Chẳng chăm sóc gì, chỉ tiện tay cắm vào một nơi trước rào. Sau này, nó cao lớn và đẹp. Mỗi khi nhớ ba, tôi thường nhớ cây sứ trắng. Cũng như tôi nhớ hai gốc cây bằng lăng núi, tôi mua sau ngày ba tôi mất.

Trưa đó, tôi thất thểu trở về nhà sau buổi quỳ tụng siêu thoát cho ba ở chùa, có người đẩy một xe ba gác đầy những gốc bằng lăng núi. Tôi mua vội hai gốc cây và trồng. Trồng. Rồi chuyển đi nơi khác. Trồng và trồng. Dù nó chỉ vài lần nở vài cái hoa tím biếc, nhưng tôi vẫn giữ. Nó như cái gì đó gắn với ba tôi. Hay cũng như ba tôi bẻ vội cành sứ ngày nào, bảo tôi đem về trồng, như cái gì đó ba tôi muốn gắn vào ký ức con cái.

Ba tôi chết đột ngột trong lần phát bệnh. Buổi trưa đưa ba vào bệnh viện thì khuya đó ông ra đi. Ba tôi cũng có vào viện vài lần, nhưng hầu hết chỉ để kiểm tra sức khỏe. Khi ba nằm một giường thì hai chị em tôi nằm giường bên kia. Tôi thuê luôn hai giường vì không có bệnh nhân. Đến ngày thứ ba thì ông đòi về. Tôi nói chừng nào bác sĩ cho về mới về. Ngày sau ba tôi lại nói, xin cho ba về. Tôi hỏi ba khỏe chưa mà về. Ba tôi so vai cười, ba nói nhớ thuốc lá. À ra vậy, tôi hét lên, vậy mà ba giấu

Hình ảnh sinh thời của thuyền trưởng Nguyễn Y Nết, cha tác giả và là nhân vật trong bài.
 Ảnh: TLGĐ

Còn lần này ba không có thì giờ đòi thuốc lá. Vô nước biển, vô máu và xét nghiệm đủ thứ. Con cháu gọi nhờ vả bác sĩ khắp nơi. Nửa đêm yên tĩnh, sau khi con cháu ra về, chỉ còn tôi và cô em. Tôi thấy chân ba lạnh dần. Ba tôi vẫn thở máy. Một y tá bảo tôi đi mua cho ông ly sữa. Tôi không biết mua ở đâu, y tá bảo, qua đường, mua ở chợ đêm BT. Tôi băng qua đường, hỏi mua môt ly sữa nóng, nhưng hàng này không có, họ chỉ tôi sang hàng khác. Tôi đi hai ba nơi mới mua được một ly sữa. Khu chợ đêm yên vắng. Đó là lần duy nhất tôi đi chợ đêm. Mãi về sau, không bao giờ tôi bước tới một chợ đêm nào nữa. Cảm giác bơ vơ, tuyệt vọng thấm đẫm trong lòng tôi hoang vắng... 

Những người trong ngành hàng hải thương tiếc ba tôi. 

Những vòng hoa, và những vòng hoa, khắp nơi gửi về viếng ba tôi. Tới khi ba không còn, tôi mới biết ba tôi là ai trong lòng người đi biển. Là người đồng nghiệp hậu sinh của ba, tôi thật sự không thích những từ đao to búa lớn. Như “thủy thủ viễn dương”, “sĩ quan hàng hải”, mặc dù các từ này được sách vở hay các chính sách của ngành công nhận. Tôi chỉ muốn gọi họ là những người đi biển. Ba tôi chỉ có duy nhất một nghề, nên tôi nói ông đã hiến thân cho những con tàu ương ngạnh mà ông đã thử thách, cho những luồng lạch quanh co của nghề hoa tiêu mà ông đã dẫn dắt, cho những cảng mới thành lập mà ông phải đo đạc cố vấn tư duy. Thậm chí, khi ông đã là cố vấn, tức đã già, ông vẫn cứ lên tàu bằng những thang dây lủng lẳng bên hông tàu, để đong đưa lên tàu hoặc rời tàu, dù sóng gió. Đó là sự tận hiến cho nghề, ít người có được. 

Cuối đời, ba tôi chấp nhận rời tàu, rời cảng. Nhưng ông lại không muốn rời sông khi dặn các con thủy táng mình. Tôi nhớ trên bia mộ của ông nội nơi quê nhà, khi ba tôi làm mộ, ông chỉ khắc vào bia dòng chữ “Mộ cha. Do con lập mộ”. Ông nội sinh năm nào, mất năm nào, thậm chí ông nội tên gì, tôi về hỏi má mới biết. Thủy táng có nghĩa là các con không có một mộ bia để ghi tên cha mình sao? Từ lo lắng đó sau này ba tôi có một mộ gió. Với bia và tên tuổi, nghề nghiệp. Má tôi rất quý ông nội và luôn nhắc, chính ông nội ủi áo dài cho má, và nói, tàu nó sắp về rồi, tía ủi áo dài cho con đây. Một đứa con học Lasan Tabert, một đứa dâu học trường Áo tím. Với ông nội, vậy là đủ.

Ba không muốn lìa sông. Trời mưa như thác đổ khi ca nô rời bến. Con sông mênh mông nước trắng xóa dưới mưa. Rồi trời chợt tạnh ráo. Như những cánh hoa nước vui mừng chào đón ba tôi. Như những giọt nước mưa hòa vào nước sông, chờ đợi, để ôm lấy ba tôi. Một chút tro tàn còn đây của người cha bé nhỏ, đã trải qua trọn một kiếp làm người. Môt lão hoa tiêu, bạn của ba, vừa ra lệnh cho ca nô kéo mấy hồi còi, báo cho thủy thần đón tiếp ba tôi, cũng là hồi còi chào vĩnh biệt. Rồi ông lại lệnh cho người điều khiển ca nô lạng xoáy ba vòng giữa cửa sông, nơi tiếp nối giữa sông và biển, nơi ba tôi đã bao lần làm hoa tiêu dẫn dắt bao con tàu ra vào cảng nội địa. Đó cũng là lời chào của người thuyền trưởng này với người thuyền trưởng già kia, người sẽ đi vào lòng đại dương mãi mãi. 

Từ đó, ba tôi hòa vào sông nước như mong muốn cuối đời. Con người, con tàu và biển khơi, với ba tôi, chắc chỉ là một. 

Phạm Thượng Ghi
 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.