Qua đánh giá tình hình dịch bệnh tại phường An Lạc (quận Bình Tân), các lực lượng chức năng TP.HCM đã quyết định tổ chức lấy mẫu xét nghiệm khẩn trên diện rộng tại phường An Lạc với số mẫu dự kiến là 15.000 mẫu. Ảnh: HCDC
Theo Bộ Y tế, từ 18h ngày 19.6 đến 6h ngày 20.6, Việt Nam có thêm 78 ca mắc COVID-19 trong nước tại 5 tỉnh/thành phố, trong đó có 76 ca ghi nhận trong nước (71 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả) và 2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
76 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (46), Bắc Giang (20), Bắc Ninh (7), Nghệ An (3):
- CA BỆNH BN12901-BN12903 ghi nhận tại tỉnh Nghệ An trong khu phong tỏa. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
- CA BỆNH BN12904-BN12910 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: 5 ca là các trường hợp F1, 1 ca liên quan đến ổ dịch Vân Dương, 1 ca liên quan đến ổ dịch Đại Phúc. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
- CA BỆNH BN12911-BN12914, BN12917-BN12932 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các Khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
- CA BỆNH BN12933-BN12978 ghi nhận tại TP.HCM: 41 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 5 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại An Giang:
CA BỆNH BN12915-BN12916, ngày 19.6.2021, từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam qua Cửa khẩu Long Bình, tỉnh An Giang và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh An Giang. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 19.6.2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Tính đến 6h ngày 20.6 Việt Nam có tổng cộng 11.289 ca ghi nhận trong nước và 1.689 ca nhập cảnh. Trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27.4 đến nay: 9.719 ca, trong đó có 2.280 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 22 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh, Thái Bình, Vĩnh Phúc) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.
Số lượng xét nghiệm từ 29.4.2021 đến nay đã thực hiện 2.445.591 xét nghiệm cho 5.418.646 lượt người.
Điểm tin phòng, chống COVID-19:
* TP.HCM có chỉ thị khẩn yêu cầu dân không tụ tập quá 3 người, giải tán chợ tự phát, dừng xe buýt: Vào tối 19.6, Chủ tịch UBND TP.HCM vừa ban hành Chỉ thị khẩn về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM. Theo Chỉ thị yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện siết chặt và tăng cường các biện pháp trọng tâm, gồm không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tuân thủ triệt để quy tắc 5K của Bộ Y tế; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5m giữa người với người tại các địa điểm công cộng; tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các cá nhân, tổ chức.
UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các chợ truyền thống trên địa bàn; tạm dừng hoạt động đối với các chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Chỉ thị cũng nêu rõ nội dung yêu cầu Sở Giao thông vận tải thành phố triển khai việc tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng (đường bộ, đường thủy nội địa), hạn chế tối đa việc di chuyển của người dân...
* TP.HCM nâng năng lực xét nghiệm COVID-19 lên 500.000 mẫu/ngày: Tại cuộc họp báo về diễn biến tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết thành phố sẽ nâng năng lực xét nghiệm lên 500.000 mẫu/ngày để quét thật nhanh những khu vực nguy hiểm. Tập trung quét những khu vực được đánh giá là có nguy cơ tiềm ẩn, có F0 cao. Với tốc độ này, thành phố kỳ vọng sau một tuần, sẽ nhìn thật rõ và xác định đầy đủ những mối nguy cơ còn tiềm ẩn, chưa phát hiện ra, chưa xét nghiệm tới. Và có điều kiện để quay lại xét nghiệm những nơi đã tầm soát trước đó, vì hôm nay xét nghiệm âm tính không có nghĩa rằng ngày sau sẽ không có nguy cơ dương tính...
Người dân khối Phúc Thịnh, phường Vinh Tân, Thành phố Vinh test nhanh phát hiện COVID-19. Ảnh: TTXVN
* Nghệ An phát hiện 8 ca mắc mới qua test nhanh trong cộng đồng: Sáng 20.6, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An Nguyễn Văn Định cho biết trong chiến dịch xét nghiệm cộng đồng dân cư tại thành phố Vinh (test nhanh) đã phát hiện 8 trường hợp 2 lần dương tính với SARS-CoV-2. Hiện cả 8 trường hợp này đang được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An tiếp tục cho làm xét nghiệm PCR để khẳng định.
Chiến dịch xét nghiệm cộng đồng dân cư được ngành y tế Nghệ An thực hiện từ 22 giờ ngày 19.6 đến 5 giờ sáng 20.6. Trong chiến dịch này có 630 cán bộ y tế đến từ 11 đơn vị y tế trong ngành y tế Nghệ An tham gia, lấy mẫu cho người dân 25 xã, phường trên địa bàn thành phố Vinh theo danh sách đã đăng ký.
* Hơn 1.700 tỉ đồng và 2,5 triệu liều vắc-xin ủng hộ chương trình tiêm vắc-xin của Hà Nội: Hà Nội tối 19.6 tổ chức chương trình "Hà Nội chung tay hành động đẩy lùi dịch COVID-19" với mục đích trong thời gian sớm nhất đông đảo người dân thủ đô được tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Kết thúc chương trình, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.700 tỉ đồng và 2,5 triệu liều vắc-xin từ sự đóng góp, chung tay của các đơn vị quận, huyện, thị xã, các tập đoàn, doanh nghiệp và người dân.
* Rộ chiêu lừa tiêm vắc xin COVID-19 để chiếm đoạt tiền qua tài khoản: Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều ngân hàng gần đây liên tục cảnh báo các thủ loạn đừa đảo dùng vắc xin COVID-19 để chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, dựa vào tâm lý chung về việc hạn chế đi lại do giãn cách xã hội trong thời kỳ COVID-19, đối tượng lừa đảo có thể giả vờ là nhân viên ngân hàng hoặc tổ chức uy tín để tiếp cận khách hàng và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.
Đối tượng lừa đảo có thể sẽ gọi điện thoại hoặc gửi thư điện tử cho khách hàng với mục đích đăng ký vắc xin COVID-19 và yêu cầu cung cấp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản, mã OTP hoặc yêu cầu khách hàng chuyển trước một khoản tiền để được đăng ký. Hoặc những đối tượng này cũng có thể gửi một đường link cho khách hàng để đăng ký tiêm vắc xin COVID-19 nhưng thực chất là link chứa phần mềm độc hại tấn công máy tính của khách hàng và ăn cắp dữ liệu cá nhân...
Trước tình trạng trên, các ngân hàng lần lượt cảnh báo khách hàng cần tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân, không chia sẻ cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào qua các đường dẫn chưa được xác nhận. Khi nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, khách hàng nên khóa dịch vụ trên các kênh trực tuyến, ngân hàng điện tử, đổi mật khẩu của dịch vụ đang bị kẻ gian tìm cách đánh cắp, gọi điện ngay cho tổng đài chính thức của ngân hàng.
T.V.X