Sáng 13.6, 22 nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã được Bộ Y tế công bố là bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: Zing
Cụ thể, theo Bộ Y tế tính từ 18h ngày 12.6 đến 6h ngày 13.6 có 96 ca mắc mới (BN10242-10337), gồm 01 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam và 95 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Ninh (34), Bắc Giang (32), TP. Hồ Chí Minh (25), Lạng Sơn (2), Phú Thọ (1), Hà Nội (1). Trong số đó 73 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
95 ca mắc mới ghi nhận trong nước
- CA BỆNH BN10242-BN10243 ghi nhận tại tỉnh Lạng Sơn: liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quang Châu, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 12.6.2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
- CA BỆNH BN10245-BN10252, BN10254-BN10262, BN10264-BN10267, BN10269, BN10272-BN10273, BN10277, BN10279, BN10283, BN10286, BN10288, BN10292, BN10302, BN10304 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
- CA BỆNH BN10253 ghi nhận tại tỉnh Phú Thọ: nữ, 76 tuổi, địa chỉ tại TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; liên quan đến chợ Cửa hàng mới - Đông Anh - Hà Nội, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 12.6.2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến tỉnh Phú Thọ.
- CA BỆNH BN10263 ghi nhận tại Hà Nội: nam, 65 tuổi, địa chỉ tại huyện Đông Anh, TP. Hà Nội; là F1 của BN9521, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 11.6.2021 dương tính với SARS-CoV-2.
- CA BỆNH BN10268, BN10270-BN10271, BN10274-BN10276, BN10278, BN10280-BN10282, BN10284-BN10285, BN10287, BN10289-BN10291, BN10293-BN10301, BN10303, BN10330-BN10337 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: 33 liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Khắc Niệm, 1 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 11.6.2021 dương tính với SARS-CoV-2.
- CA BỆNH BN10305-BN10329 ghi nhận tại TP.HCM: 3 ca là các trường hợp F1, 22 ca đang điều tra dịch tễ, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
01 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh
- CA BỆNH BN10244 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Quảng Nam: nữ, 23 tuổi, địa chỉ tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ngày 29.5.2021, từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VJ8859 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Quảng Nam.
Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 12.6.2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang được cách ly, điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Điện Nam - Điện Ngọc - Điện Bàn.
Như vậy, tính đến 6h ngày 13.6 Việt Nam có tổng cộng 8.704 ca ghi nhận trong nước và 1.633 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27.4 đến nay: 7.134 ca.
Có 20 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Số lượng xét nghiệm từ 29.4.2021 đến nay đã thực hiện 2.029.946 mẫu cho 4.464.774 lượt người.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 192.350.
Thông tin tiêm chủng: Tính đến 16 giờ ngày 12.6.2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 3 đợt tại các tỉnh/TP với 1.454.221 liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 54.385 người.
* Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã nhận được 4.845 tỷ đồng: Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19, tính đến 17h ngày 12.6, số dư Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 là 4.845 tỷ VND (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi) của 283.169 tổ chức, đơn vị, cá nhân đã đóng góp.
* Hà Nội ra mắt Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19: Sở TT-TT Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã chính thức ra mắt Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 Hà Nội phục vụ công tác phòng, chống dịch có tại địa chỉ: https://covidmaps.hanoi.gov.vn.
Theo Giám đốc Sở TT-TT TP.Hà Nội, nguồn dữ liệu, số liệu chuyên môn về dịch tễ COVID-19 được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, Sở Y tế Hà Nội cung cấp và được cập nhật liên tục ngay sau khi có thông báo chính thức của CDC.
* TP.HCM ghi nhận thêm 25 ca nhiễm mới: Tính từ 18 giờ ngày 12.6 đến 6 giờ ngày 13.6, thành phố ghi nhận thêm 25 trường hợp nhiễm mới (BN10305-BN10329). 25 trường hợp nhiễm mới bao gồm: 02 trường hợp liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng đã được cách ly và xét nghiệm lần thứ 3 mới có kết quả dương tính, 01 trường hợp là F1 của bệnh nhân đã được phát hiện trước đó, 22 trường hợp là nhân viên y tế bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Vì sao nhân viên bệnh viện tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn mắc COVID-19?
Khuya 12.6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM có tổng cộng 22 nhân viên dương tính với SARS-CoV-2. Đây là đơn vị tuyến đầu chống dịch ở phía Nam, được Bộ Y tế ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca (Anh) cho khoảng 900 nhân viên. Đến nay, tất cả nhân viên đều đã hoàn thành xong mũi 2 vắc xin. Được biết, đợt tiêm lần 1 diễn ra vào ngày 8.3 và đợt 2 hoàn thành từ giữa đến cuối tháng 4.
Chia sẻ về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 rồi vẫn mắc bệnh, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết sau khi tiêm đủ 2 mũi, tác dụng của vắc xin chưa thể phát huy ngay mà cần có thời gian để cơ thể sản sinh lượng kháng thể đủ chống lại vi rút (thời gian tùy theo mỗi loại vắc xin).
Những người được tiêm vắc xin đủ mũi, đủ thời gian vẫn có thể bị mắc COVID-19 bình thường. Lợi ích lớn nhất của việc tiêm vắc xin là giúp người bệnh (nếu mắc) tránh được diễn tiến trở nặng và hạn chế được khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh.
“Vắc xin cũng như bất kỳ loại thuốc nào, đều có hiệu quả bảo vệ dao động từ 75% đến 90% hoặc 95%. Ví dụ 100 người tiêm thì chỉ có khoảng từ 75 đến 95 người phòng ngừa được nguy cơ nhiễm bệnh. Một số người mặc dù tiêm ngừa rồi vẫn nhiễm bệnh là do không tạo ra kháng thể đủ chống lại vi rút sau khi tiêm. Ngay cả những người đã từng mắc COVID-19 rồi cũng có thể bị mắc lại, do vậy không có gì là tuyệt đối cả. Chính vì vậy, việc phòng chống bệnh sau khi tiêm vắc xin phụ thuộc vào việc tạo ra lượng kháng thể đủ để chống lại bệnh của mỗi người”, ông Hùng phân tích.
Theo bác sĩ Hùng, trong một cộng đồng nếu tỉ lệ tiêm vắc xin hàng loạt lên 70-80% thì người dân sẽ được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, ở đây là vi rút gây dịch COVID-19.
“Do đó, người dân không nên chủ quan, để bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh, bên cạnh tiêm vắc xin phải kết hợp với các biện pháp khác. Kể cả những người không có kháng thể hoặc tiêm ngừa rồi không có đủ kháng thể phòng ngừa bệnh thì 5K sẽ giúp phòng chống nhiễm bệnh”, bác sĩ Hùng nói.
Với vắc xin AstraZeneca Việt Nam đang chích ngừa, báo cáo mới nhất của hãng cho thấy, hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi đầu tiên 22 ngày đạt trung bình 76% và tiếp tục duy trì. Hiệu quả cao nhất tăng lên 81% sau khi tiêm mũi 2 cách mũi đầu tiên 12 tuần.
Dù vậy, vắc xin này giúp ngăn ngừa 100% các trường hợp tiến triển nặng, nếu mắc bệnh sẽ bị nhẹ, nếu nhập viện không có nguy cơ tử vong. Các phân tích cũng cho thấy, vắc xin có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền vi rút không triệu chứng. AstraZeneca khuyên khoảng cách giữa 2 mũi tiêm từ 4-12 tuần, còn WHO khuyến cáo nên từ 8-12 tuần.
L.H (Theo Một Thế Giới)
T.V.X