Đầu năm 2016, khu ứng dụng sản xuất công nghệ cao Phước Thành tại khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) do Công ty Minh Nguyên đầu tư 1.600 tỉ đồng chính thức đi vào hoạt động cùng lúc với tổ hợp điện tử gia dụng tại SHTP (SEHC) do Samsung đầu tư 2 tỉ USD. Họ là doanh nghiệp nội địa đầu tiên đầu tư lớn để trực tiếp cung ứng cho Samsung tại đây. Khu sản xuất có công suất tối thiểu 20 triệu sản phẩm/năm, cung cấp các linh kiện điện tử, khuôn mẫu nhựa, dập kim loại..., dự kiến sẽ tăng theo các giai đoạn sản xuất mở rộng của Samsung.
Tăng năng lực sản xuất
Là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với ba khu phức hợp trên cả nước, Samsung kéo theo hàng trăm nhà cung cấp toàn cầu vào Việt Nam, nhưng việc tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước là không dễ. Sau nhiều năm nỗ lực, con số nhà cung ứng nội địa mới tăng nhanh vài năm gần đây. Trong tổng số 63 nhà cung cấp Việt Nam hiện nay, có 11 doanh nghiệp đạt năng lực nhà cung ứng cấp 1, và 52 nhà cung ứng cấp 2.
Một doanh nghiệp khác ở phía Bắc, Công ty in và bao bì Goldsun, hiện cũng là nhà cung ứng cấp 1 và đã có 8 năm cung cấp cho Samsung. Doanh thu cung cấp cho Samsung năm 2015 đạt 36 triệu USD, chiếm 45% tổng doanh thu của Goldsun. Công ty này hàng năm đầu tư khoảng 10 triệu USD cho máy móc thiết bị mới để mở rộng sản xuất. Theo ông Phạm Cao Vinh, Chủ tịch Goldsun, Samsung đã chọn nhà cung ứng nhắm vào quy mô và tính chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm: “Quan điểm của chúng tôi chất lượng là số 1, được sự hỗ trợ của nhà sản xuất nhưng cũng sẽ rủi ro khi phải đầu tư lớn, liên tục, nếu không theo kịp sẽ bị tụt hạng”.
Minh Nguyên và Goldsun nằm trong số ít doanh nghiệp phụ trợ trong nước có năng lực đầu tư lớn để tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng cho Samsung. Thực tế họ còn nhờ kinh nghiệm hơn 20 năm cung cấp sản phẩm ra thị trường trước khi tham gia các chuỗi cung ứng lớn. Ông Châu Phước, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty nhựa Phước Thành, cho biết nhà máy Phước Thành nằm đối diện SEHC để luôn sẵn sàng cung ứng cho khu tổ hợp này. “Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của Samsung nên đã mạnh dạn đầu tư nhà máy mới, chú trọng vào việc cải thiện quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng đầu ra hiệu quả để đồng hành với nhà sản xuất lớn như Samsung tại Việt Nam”, ông Phước nói.
Công ty Phước Thành, nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung
Những rào cản đối với ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam lâu nay được đề cập nhiều, do đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ lẻ nên khó cạnh tranh về chi phí, trong khi chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng, tính đồng bộ, số lượng, thời gian giao hàng... nên đa phần không thể mạnh dạn thay đổi mô hình. Trong khi đó các ngành công nghiệp mới hình thành, cần thời gian để tiếp cận phương thức cung ứng và trang bị năng lực phù hợp. Theo Samsung, thực tế nhiều doanh nghiệp có năng lực nhưng không thể giao dịch với nhà sản xuất vì không có công nghệ lõi liên quan đến ngành sản xuất đó.
Rút ngắn chuỗi kết nối
Đa số những công ty sản xuất phụ trợ đi lên từ nỗ lực riêng lẻ hoặc từ sự hỗ trợ và kết nối của chính nhà sản xuất nước ngoài vào Việt Nam. Họ chủ yếu thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ nên yếu về tài chính, kinh nghiệm quản lý và khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại, trong khi các chính sách vĩ mô về thuế, hỗ trợ tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực nhiều năm qua chưa tạo ra những bước đột phá đủ động lực cho khối doanh nghiệp này mạnh dạn đầu tư. Theo ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành JETRO TP.HCM: “Sự mở rộng liên kết kinh tế và đầu tư của các nhà sản xuất toàn cầu, môi trường kinh tế và các ngành công nghiệp Việt Nam đang biến đổi mạnh nhưng khối doanh nghiệp nhỏ nội địa vẫn chưa có phương tiện và kế sách hỗ trợ để phát triển, buộc họ đứng trước nguy cơ cạnh tranh rất lớn”.
Báo cáo của Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật (JETRO) đánh giá các chính sách của chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp làm công nghệ phụ trợ còn kém hiệu quả, khiến họ xoay trở chậm chạp và mất nhiều cơ hội. Tỷ lệ nội địa hóa trong khối chế tạo của các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam năm 2015 là 32,1%, thấp hơn Thái Lan với 55,5%, Indonesia là 40,5%, hoặc Malaysia - 36%. Tỷ lệ nội địa hóa 32% đã nhảy vọt so với năm 2011 mới chỉ 22%, tuy nhiên sự cải thiện này chủ yếu nhờ vào nỗ lực các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đóng góp của khối doanh nghiệp thuần Việt ở miền Nam mới khoảng 17% và ở miền Bắc chỉ 9%.
Tỷ lệ phí nhân công trong chi phí sản xuất của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam chỉ 19% nhưng tỷ lệ nguyên vật liệu chiếm tới 58%. Nếu tăng được nguồn cung ứng tại địa phương sẽ giúp họ giảm chi phí để cạnh tranh. Chương trình hỗ trợ và kết nối nhà cung ứng nội địa được JETRO thực hiện 10 năm qua dù đạt bước tiến đáng kể, nhưng theo ông Hirotaka, vẫn chưa có nhiều gương mặt mới: “Chúng tôi phải đổi mới phương thức xúc tiến giữa người mua hàng và nhà cung cấp, ưu tiên doanh nghiệp mới chưa từng biết đến liên minh các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đồng thời mở rộng đến các tỉnh thành”.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Ngân Hà, một trong 63 nhà cung cấp phụ trợ cho Samsung
Là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam tính đến nay, Samsung cũng không ngừng tìm kiếm nhà cung ứng nội địa và tạo ra cách thức mới. Tháng 9.2015, lần đầu tiên một chương trình khảo sát, đánh giá năng lực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa nâng cao năng lực và hoàn thiện quy trình chất lượng được Samsung tiến hành tại Việt Nam. Trong vòng 9 tháng, các chuyên gia Samsung từ Hàn Quốc hỗ trợ 9 đánh giá kỹ lưỡng quy trình, đưa ra các tư vấn cải thiện sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn như môi trường, an toàn lao động...
Theo ông Chu Mạnh Cường, Giám đốc Công ty in bao bì Ngân Hà, các chuyên gia đã giúp họ đẩy nhanh việc cải tiến quy trình sản xuất. Theo đó Ngân Hà xây dựng quy trình đánh giá chất lượng và năng lực dựa trên những chỉ số tính theo tuần, nếu không đạt sẽ phải thay đổi kịp thời. Ông Vũ Quang Khánh, Chủ tịch Công ty dây và cáp điện Ngọc Khánh, cho biết với sự hỗ trợ tư vấn của các chuyên gia Samsung về cải tiến toàn diện quy trình, năng suất của nhà máy họ tăng lên 30% và đang tiếp tục thay đổi để đạt mức tăng 50% như kỳ vọng của Samsung. “Chúng tôi tự tin có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn Samsung đề ra để cung ứng linh kiện cho tập đoàn này”, ông Khánh cho biết.
Cam kết của Samsung về tỷ lệ nội địa hóa tại khu phức hợp SEHC sẽ đạt đến 35%. Ông Lee Sang Su, Tổng giám đốc SEHC cho biết chương trình hỗ trợ chuyên gia nhằm tạo đà thuận lợi ban đầu cho doanh nghiệp trong nước, bởi việc tìm kiếm các nhà cung cấp trực tiếp 100% vốn Việt Nam là rất khó khăn: “Chúng tôi hiểu rằng nếu buộc các nhà máy Việt Nam phải thay đổi hoàn toàn để đúng với quy trình sản xuất như của Hàn Quốc là điều khó, tuy nhiên tôi kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực để cải tiến”.
“Các doanh nghiệp cần duy trì và cải tiến liên tục vì cải tiến thì khó nhưng giữ vững hoạt động này càng khó hơn”, ông Han Myoung Sup, Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam, khuyến cáo. Số lượng các nhà cung ứng Việt Nam đang hợp tác với Samsung đã tăng lên đáng kể so với năm trước và Samsung vẫn tiếp tục tìm kiếm khả năng hợp tác với nhiều doanh nghiệp tiềm năng khác, đặc biệt là tiếp tục gắn bó với các doanh nghiệp mà Samsung đã tư vấn cải tiến quy trình sản xuất. “Chúng tôi tiếp tục duy trì mối quan hệ đối tác cùng phát triển trên cơ sở hợp tác chặt chẽ và tin tưởng lẫn nhau với các doanh nghiệp Việt. Đó cũng là cách đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp qua các hoạt động hỗ trợ nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt”, ông Han cho biết.
Bài và ảnh Tuyết Ân