mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Phong thủy nhà phố nhiều tầng

 11:19 | Thứ ba, 28/04/2020  0
"Tôi làm một ngôi nhà phố nhiều tầng vừa cho thuê vừa để ở. Các tầng dưới cho thuê kinh doanh, dạng căn hộ dịch vụ, còn gia đình ở tầng trên cùng, có thang máy. Tôi tham khảo một số ý kiến người quen nói rằng phải xem và bố trí phong thủy toàn nhà theo tuổi chủ nhà, nhưng cũng có ý cho rằng chỉ làm vậy với phần ở của chủ nhà thôi, còn phần kinh doanh, cho thuê thì tùy người thuê. Xin hỏi quý báo các vấn đề này nên hiểu thế nào? vì tôi đọc sách phong thủy xưa nay ít thấy nói đến. Xin cảm ơn" - Phạm Lan Hương (quận 9, TP.HCM).

Ta biết thuật phong thủy trong chọn đất cất nhà đã lưu truyền từ xưa. Nhưng do những quy định về tôn giáo, tập quán hay giới hạn của kỹ thuật xây dựng chưa phát triển nên thời trước thường có ít công trình làm nhiều tầng, chỉ một số đền đài, cung điện hay tháp chùa mới có lầu, mà cũng không cao lắm, và thường không dùng để ở. Điều này khiến các kiến thức về tổ chức không gian sống theo triết lý Đông phương, quen gọi ngắn gọn là thuật phong thủy, đều ít đề cập đến nhà nhiều tầng, cầu thang hay các cách thức bài trí tầng lầu.

Tuy nhiên, bản thân Dịch học và kinh nghiệm dân gian về phong thủy thường tổng hợp từ thực tế và có tính khái quát cao, cho nên khi dựa vào nền tảng là triết lý âm dương, ngũ hành... để vận dụng vào thời hiện đại vẫn không có gì trái ngược, như kiến trúc các nước Singapore, Hongkong đã làm. Với nhà phố nhiều tầng vừa ở vừa kinh doanh, việc bài trí phong thủy nhằm đạt được các hợp lý về cấu trúc và sử dụng tương tự các nguyên tắc truyền thống.

Phân vùng theo quan hệ 

Mọi ngôi nhà vẫn luôn là một thể thống nhất với 3 phần cơ bản: nền, thân nhà và mái nhà, ba phần này quan hệ với nhau tương tự mối quan hệ thiên - địa - nhân bổ sung, hỗ trợ cho nhau, không thể xem nhẹ phần nào. Khi nhà càng nhiều lầu thì tác động đến phần nền (địa) càng gia tăng, như tải trọng truyền xuống móng, hệ thống cấp và thoát nước, cầu thang, sự thông thoáng… càng nhiều và phức tạp hơn nhà biệt thự hoặc nhà vườn.  

Giếng trời luôn là “lá phổi” quan trọng với cấu trúc nhà nhiều tầng. Ảnh minh hoạ

Do đó việc phân vùng trường khí trong nhà lầu cần căn cứ theo các mối quan hệ như trên - dưới, trong - ngoài, đối nội - đối ngoại… theo nguyên tắc càng lên lầu cao càng nên giảm bớt áp lực tập trung người, giảm tải trọng và chống gió ngang. Cụ thể là những chỗ đông đúc, mua bán giao dịch, mang tính động, đối ngoại nhiều nên dành ở tầng dưới (khu kinh doanh, sảnh tiếp đón) để tiện sử dụng và thoát hiểm khi có sự cố. Các nhu cầu đối nội và tĩnh lặng hơn thì đặt trên lầu sẽ phù hợp.

Cũng có phòng tập trung người khi có dịp, nhưng hàng ngày ít dùng, như phòng thờ hay karaoke thì có thể đặt trên lầu, thậm chí tầng áp mái, nhưng cần lưu ý vị trí thang thoát hiểm, cũng như tránh lối đi xuyên qua các không gian khác. Nếu đặt kho trên các tầng cao thì chỉ thuận lợi khi nhà có thang nâng hàng, nếu không sẽ bất lợi so với kho đặt dưới tầng thấp (tại hầm hay bán hầm, kết hợp kho với nhà xe là hợp cách).

Như vậy, cách tổ chức không gian nhà nhiều tầng có kinh doanh bên dưới, cho thuê căn hộ và chủ nhân ở tầng trên cùng, về phong thủy cũng như sử dụng là hợp lý, giảm thiểu các xáo trộn của “người ngoài” vào sinh hoạt của gia chủ, tiện về quản lý. Dạng ở kiểu “penthouse” này có thể kết hợp với sân vườn trên cao vừa thoáng đãng vừa tiện nghi, khi có sinh hoạt quây quần gia tộc như giỗ, tết vẫn tiện sử dụng, không bị xen lẫn vào các tầng khác. 

Định vị rõ ràng, phần ai nấy hưởng

Trong phong thủy bát trạch, vấn đề tính theo mệnh tuổi ai để chọn hướng làm nhà khá rõ ràng. Dù sở hữu pháp lý toàn nhà nhưng chủ nhà chỉ cần tính toán phong thủy theo mệnh của mình cho phần mình ở, còn phần cho thuê nên làm đơn giản, để không gian linh hoạt giúp người vào thuê dễ xoay xở hơn. 

Về mặt phong thủy hình thế, nhà nào cũng có chính và phụ, nhưng phụ không phải là làm kém đi, mà đó là cách để phân vùng cho đúng với vai trò. Do đó phần của chủ nhà sử dụng thì tính cho tiện sinh hoạt của mình, phần căn hộ cho thuê hay cửa hàng kinh doanh thì tùy theo người thuê mà sắp xếp hợp hợp với họ, công bằng và rõ ràng. Điều này giống như mua chung cư chỉ xem hướng cách bố trí căn hộ của mình thôi, còn hướng toàn chung cư thì không ai tính, nhưng người mua căn hộ cũng cần chủ đầu tư phải cung cấp tốt các tiện ích công cộng như cửa hàng, phòng tập, hồ bơi, cây xanh chung...

Còn xét theo phong thủy Huyền Không thì mỗi năm, mỗi vận đều có sự hưng vượng hay suy tử nhất định, chứ không phải chi xếp đúng hướng hoặc dùng vật khí trấn yểm là tốt đẹp dài lâu. Điều này rất khoa học và hợp quy luật “sông có khúc người có lúc”, cũng là nguyên tắc giúp bố trí nhà cửa chớ nên gượng ép gò bó, mà cần co giãn thức thời, phần nào mình dùng, phần nào chia sẻ để không gian được khai thác và sử dụng hợp lý, tránh các áp đặt chủ quan và mê tín theo kiểu “đặt tượng, chưng cây, sơn màu, trấn yếm...” lâu nay hay nghe đồn đại.

Xét âm dương, ngũ hành để bố trí hợp lý

Với nhà nhiều lầu thì tính dương tăng và âm giảm khi lên lầu cao, ánh sáng và gió mạnh hơn nên cách bố trí mở cửa các lầu và ban công, mái che, tỷ lệ mảng đặc - rỗng… sẽ khác với tầng thấp. Việc mở cửa to hay nhỏ, nhiều hay ít phụ thuộc vào hướng nhà, mặt tiếp xúc và sử dụng bên trong. Ta hay thấy nhiều ngôi nhà phố lầu có hàng loạt các ban công và cửa trên lầu giống nhau (trong khi nội dung sử dụng phòng bên trong không giống nhau)  thì sẽ xảy ra tình trạng sử dụng thiếu hiệu quả ban công và luôn phải kéo rèm che kín các cửa lầu do thừa nắng.

Nói chung nhà càng nhiều lầu thì càng nên điều tiết trường khí bằng các giải pháp kế thừa truyền thống, ví dụ như mặt đứng nhiều lớp (lam, tường chắn) để giảm bức xạ và mưa tạt, hoặc trổ giếng trời để đưa ánh sáng và không khí xuống sâu các tầng bên dưới, đồng thời có thể mở cửa cho các phòng ở giữa vốn thiếu khí được quay vào giếng trời.

Những không gian dùng nước nhiều như phòng tắm, vệ sinh, phòng giặt… và các hộp kỹ thuật điện nước, điện lạnh... nên bố trí thẳng hàng nhau, vì chúng cùng một loại trường khí, cần đi hệ thống sao cho tránh các va chạm và đổi hướng phức tạp, dễ dàng sửa chữa và kiểm soát kỹ thuật trong nhà được gọn ghẽ. Thủy đi xuống, hỏa đi lên, thủy hỏa tránh xung nhau, nên bếp của căn hộ tránh đặt dưới phòng vệ sinh, tốt nhất là bếp có phần thông và hút khí trực tiếp ra ngoài và lên cao.

KTS Hà Anh Tuấn

Nguồn Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống, số 117
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.