Theo FFI, con số này gần bằng gấp đôi quần thể hiện được biết đến trên thế giới.
Chà vá chân xám là một trong những quần thể quí hiếm nhất Việt Nam, nằm trong 11 loài của Việt Nam được xếp ở mức Cực kỳ nguy cấp toàn cầu.
Đây là loài linh trưởng đẹp và được ít người biết đến.
“Đây thực sự là loài linh trưởng của Việt Nam, và không thể tìm thấy ở nơi nào khác”, TS Benjamin Rawson, giám đốc FFI Việt Nam cho biết.
Sống khu trú tại các cánh rừng ở miền Trung, Tây Nguyên Việt Nam, mối đe dọa chính với loài Chà vá chân xám là nạn phá rừng, săn bắn và phá vỡ sinh cảnh. Đây là loài thường bị bắt để lấy thịt, làm thuốc và làm vật nuôi.
Ông Trịnh Đình Hoàng cho biết, trưởng đoàn khảo sát FFI, trước khi thực hiện khảo sát này, qua nhiều phương pháp thì ước tính có khoảng 800-1.000 cá thể Chà vá chân xám còn sót lại. Tuy nhiên do còn nhiều hạn chế về kinh phí và nhân lực, nên cho đến nay chỉ mới ghi nhận được khoảng hơn 500 cá thể.
Theo ông Benjamin, FFI đang bắt đầu tiến tới việc xây dựng kế hoạch để bảo vệ quần thể này bền vững về lâu dài bằng nhiều hình thức khác nha. Cụ thể, FFI đang đánh giá khả thi của việc phát triển một dự án du lịch sinh thái dựa vào công đồng, tất cả số tiền thu được sẽ phục vụ cho cộng đồng địa phương; Xây dựng dự án phối hợp với cộng đồng địa phương để thực hiện các hoạt động bảo vệ rừng.
“Sẽ cần có sự nỗ lực từ nhiều phía trong đó có chính phủ, cộng đồng địa phương, tổ chức xã hội dân sự, các nhà khoa học, các nhà tài trợ để đảm bảo sự tồn tại lâu dài của loài này”, TS Benjamin Rawson nói.
Được thành lập vào năm 1903, FFI là một trong những tổ chức bảo tồn lâu đời nhất trên thế giới. Hoạt động tại Việt Nam từ năm 1997, theo báo cáo của FFI, tổ chức này đã phát hiện ra loài Vượn Cao Vít (tại Cao Bằng) – loài được xem đã tuyệt chủng – sau 10 năm bảo vệ, đến nay loài này đã phát triển lên 130 cá thể. Tổ chức này cũng tìm kiếm được khoảng 90 cá thể Voọc mũi hếch tại Hà Giang – cũng sau 10 năm bảo tồn đã phát triển lên khoảng dưới 200 cá thể (trong tổng khoảng 250 cá thể trên thế giới)
Lê Quỳnh
Việt Nam có 3 loài trong 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất toàn cầu
Trong danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất toàn cầu do các chuyên gia linh trưởng trên thế giới vừa công bố mới đây, có ba loài ở Việt Nam, gồm:
1. Voọc Cát Bà (Voọc đầu vàng): 60 cá thể
2. Voọc mông trắng (Voọc quần đùi trắng): 234-275 cá thể
3. Voọc mũi hếch: dưới 250 cá thể
Kết quả thảo luận mới đây của các chuyên gia linh trưởng trên thế giới cho thấy: linh trưởng ở Việt Nam đang ở tình trạng đặc biệt nghiêm trọng. Số loài được xếp ở mức Cực kỳ nguy cấp toàn cầu đã tăng từ 7 loài năm 2008 lên 11 loài năm 2015.
Việc có nhiều loài nguy cấp đã làm cho Việt Nam trở thành tâm điểm về đa dạng linh trưởng, cũng như các mối đe dọa mà các loài này đang gặp phải chủ yếu là săn bắn và mất sinh cảnh.
Tiến sỹ Ben Rawson, giám đốc FFI Việt Nam, đồng trưởng nhóm IUCN SSC cho khu vực Nam và Đông Nam Á cho biết thêm: “Các đánh giá cũng nhấn mạnh Việt Nam đang có nguy cơ là quốc gia đầu tiên có linh trưởng bị tuyệt chủng.” Cho tới nay chưa có ghi nhận về linh trưởng bị tuyệt chủng trong thế kỷ 20 và thế kỷ 21.