mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Ông Trương Đình Tuyển: “FDI Trung Quốc là vấn đề lớn chúng ta phải đối mặt”

 23:20 | Thứ hai, 10/04/2017  0

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại

Tại cuộc tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1.2017 do Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức chiều 10.4, nhiều chuyên gia đề cập đến mối lo không nhỏ từ vốn đầu tư FDI của Trung Quốc vào Việt Nam đã có chiều hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, sự suy giảm của FDI ở Việt Nam diễn ra từ tháng 11 năm ngoái bởi khả năng TPP không được thông qua. Thay thế vào đó là dòng vốn Trung Quốc tăng cao. Bởi vì hiện nay giá lao động của Trung Quốc tăng rất nhanh, nhu cầu đầu tư ra khỏi Trung Quốc không chỉ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài mà ngay cả các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tăng khá cao. 

Theo ông Thành, về mặt thu hút đầu tư thì Trung Quốc cũng bình đẳng như các nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, rủi ro từ họ là không có công nghệ cao, cách thức làm ăn cũng không minh bạch khiến chúng ta lo ngại.

“Trung Quốc dường như không đề cao các nguyên tắc đạo đức khi xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Ở một số quốc gia khác, các nhà đầu tư sẽ chống lại việc tham nhũng, điều này sẽ giúp chúng ta tạo môi trường đầu tư tốt đẹp hơn, còn nhà đầu tư Trung Quốc thì không như vậy. Do đó, các nhà đầu tư Trung Quốc tràn lan thì đó cũng là mối nguy về lâu dài”, ông Thành nhận định.

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hàng hóa Trung Quốc trên thế giới cũng có nhiều điều tiếng, do đó, để tránh cái tiếng đó thì họ dịch chuyển sản phẩm sang nước ngoài. Hàng hóa xuất sang Việt Nam để lấy Made in Việt Nam rồi xuất khẩu sang các nước khác. Như vậy, Việt Nam vẫn đang là thị trường tiêu thụ, trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc. Hưởng lợi chính vẫn là Trung Quốc, còn tai tiếng thì Việt Nam gánh.

“Tôi vừa ở Châu Phi, họ cũng có chung niềm trăn trở như chúng ta về những hàng hóa Trung Quốc làm ở Châu Phi. Họ mạnh dạn hơn chúng ta, dám gọi Trung Quốc là thực dân mới. Các nước khác tăng đầu tư thì mình mừng, còn Trung Quốc thì đáng lo”, bà Lan nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, chuẩn môi trường ở Việt Nam rất thấp. Đối với những nhà máy ở Trung Quốc không đạt chuẩn về môi trường nước họ, họ sẽ chuyển sang nước ta. Các nhà đầu tư nghiêm túc nước khác có thể sẽ nghĩ đến việc rút khỏi nước ta vì họ không muốn bị đánh đồng.

“Vụ Formosa nhiều người lo ngại các nhà đầu tư khác sẽ chạy khỏi Việt Nam, tôi nghĩ không lo bởi việc tháo chạy có xảy ra thì chỉ xảy ra đối với những nhà đầu tư làm ô nhiễm như Trung Quốc, còn những nhà đầu tư nghiêm chỉnh họ sẽ hoan nghênh những động thái cứng rắn của Việt Nam”, bà Lan chia sẻ.

Theo đó, bà Lan cũng nhấn mạnh, việc xử lý các vấn đề kinh tế cũng cần phải chú ý đến các vấn đề xã hội. Tình trạng này đã gây nên những bức xúc rất lớn trong xã hội, nhưng dường như các Bộ, ngành liên quan vẫn không có phản ứng gì đáng kể để thay đổi.

Đồng tình với ý kiến của bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, Trung Quốc vẫn là mắt xích quan trọng của chuỗi giá trị toàn cầu. Bài toán với Trung Quốc là bài toán rộng hơn nhiều so với quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, là câu chuyện song phương nhưng rộng hơn song phương rất nhiều. Đằng sau đồng tiền của Trung Quốc là chính chúng ta. 

“Nếu nói về tiêu chuẩn môi trường thì cơ bản Việt Nam không thấp, nhưng bằng cách nào đấy mà công nghệ đem lại hậu quả xấu về môi trường vẫn vào được Việt Nam”, ông Thành nói.

Về điện than và nguy cơ ô nhiễm, ông Thành cho rằng nhiều người vẫn lập luận rằng, từ nay đến 2020, Việt Nam chưa thể có thay đổi về điện gió, điện sạch nên vẫn phải phụ thuộc điện than.

Do đó, câu hỏi nên đặt ra lúc này là Việt Nam có cách nào vẫn dùng nhiệt điện than mà ô nhiễm ít nhất không? Làm thế nào để Việt Nam có thể thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, bền vững?

Cùng góc nhìn, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng cho rằng, đầu tư Trung Quốc là vấn đề lớn mà chúng ta phải đối mặt. Trung Quốc có nhiều công nghệ hàng đầu thế giới, ví dụ như sản xuất robot chứ không phải công nghệ họ thấp, tuy nhiên, khi cải tiến công nghệ, họ sẽ tống công nghệ thấp sang Việt Nam. Do đó, chúng ta phải hết sức đề phòng.

“Lãnh đạo chúng ta có tư duy nhiệm kỳ và thành tích rất cao. Miễn sao trong nhiệm kỳ của mình kinh tế tăng trưởng mạnh còn hậu quả không tính đến. Nếu không thay đổi thì chúng ta sẽ phải nhận rất nhiều hệ lụy từ công nghệ thấp của Trung Quốc. Việt Nam không kiểm soát thì sẽ rất nguy hiểm”, ông Tuyển nói.

Hoài Phong 

Theo Một Thế Giới

» Chuyên gia ADB: “Kể cả khi không còn TPP, FDI vào Việt Nam vẫn tăng”

» 'Made in China 2025’ có thể biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ

» Thế giới đã ngừng phát triển nhiệt điện than như thế nào?

» Nở rộ xin đầu tư dự án nhiệt điện than tỷ “đô”

» Vượt Hàn Quốc, vốn Trung Quốc tăng tốc vào Việt Nam

» DN Trung Quốc sẵn sàng lại quả tối thiểu 30% bằng 'tiền tươi'

» Vốn FDI từ Trung Quốc rót mạnh vào Việt Nam tháng đầu năm

» Kinh tế Việt Nam 2017: Ngành sản xuất tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng

» Kinh tế thị trường, tiền và... chúng ta

» Xuất siêu vào Mỹ 29 tỉ USD, nhập siêu từ Trung Quốc 28 tỉ USD

» Cả năm 2016, Việt Nam đón duy nhất một dự án FDI có quy mô tỷ USD

» Siêu dự án 100 tỉ USD của Trung Quốc khiến dân Singapore, Malaysia “kinh hoàng”

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.