“Thưa thầy, em có quen nhiều chị đi du học nước ngoài. Các chị học rất giỏi, giành được học bổng cao nhưng chính các chị ấy nói rằng khi học, làm việc với người nước ngoài thì thấy mình tuy có nhiều kiến thức hơn họ, nhưng lại không có sức bền, sự tập trung và có khả năng sáng tạo được như họ? Như vậy, thầy có nghĩ là việc đọc nhiều sách có phải là thiệt thòi cho những người đọc nhiều (như các chị ấy) không?”.
Một câu hỏi vô cùng thú vị và rất đáng suy ngẫm.
Với đối tượng là các bạn sinh viên từ năm 1 đến năm 3 tôi trả lời đại ý thế này.
Thứ nhất, câu chuyện nói trên là một thực tế rất nhiều cảm nhận được khi tiếp xúc, du học, làm việc với người nước ngoài hoặc làm việc trong công ty, tổ chức nước ngoài. Nếu ai làm ở nước ngoài, học ở nước ngoài thì càng rõ.
Thứ hai, trong câu hỏi của người hỏi có một chút nhầm lẫn hay đúng hơn là một sự khái quát không hợp lý lắm. Đó là đồng nhất những người có học bổng cao, học giỏi – có “nhiều kiến thức” và những người đọc nhiều sách. Thực tế không hẳn là như vậy.
Với cung cách học, triết lý giáo dục và quan niệm về giáo dục của phụ huynh, học sinh Việt Nam và bầu không khí hiện tại, rất nhiều bạn giành học bổng cao, có tiếng học giỏi thậm chí là thành công sớm không hề là người chăm đọc sách, ham mê đọc và say mê kiếm tìm chân lý. Nhiều bạn trong số đó học theo chiến lược học gạo và học để thi.
Giành học bổng hay điểm số để học giỏi thực chất là thực thi chiến lược “học để thi” trừ phi các học bổng cấp thuần túy dựa trên kết quả nghiên cứu hay sản phẩm cụ thể nào đó. Vì thế kiến thức mà nhiều người tự hào nghĩ rằng mình có nhiều hơn học sinh, sinh viên nước ngoài thực chất là sự “biết”- kết quả của chủ nghĩa nhồi nhét nơi trường học và việc dạy thêm, học thêm.
Ở đó người ta tìm mọi cách cho học sinh học trước, biết trước và làm sao biết càng nhiều càng tốt, nghĩa là coi trọng sự “bác học” thay cho sự hiểu sâu, say mê và sáng tạo. Vì vậy, chuyện học sinh chúng ta học năm 1, năm 2 đại học hay sau khi tốt nghiệp đại học có hiểu biết nhiều hơn (biết nhiều hơn) sinh viên nước ngoài là dễ hiểu. Tuy nhiên chính đây là điểm yếu tiếp theo tôi sẽ phân tích.
Thứ ba, người Việt tuy biết nhiều hơn nhưng không hay rất khó sáng tạo vì các kiến thức đó được thu nhận theo phương thức “truyền đạt-tiếp thu”. Trong quá trình dạy học (không hẳn là giáo dục), người thầy Việt Nam chỉ quan tâm làm sao truyền đạt một lượng kiến thức được quy định trong chương trình, trong sách giáo khoa cho học sinh hiểu, ghi nhớ và sau đó áp dụng cho bài tập, làm tốt bài kiểm tra là ổn.
Cách học đó rất chú trọng tìm đúng đáp án được định sẵn bởi sách giáo khoa hay thầy/cô. Vì vậy học sinh ít khi có cơ hội được lựa chọn, suy xét, phán đoán, cân nhắc, phê phán và đề xuất một phương án khác. Cả giáo viên, phụ huynh, học sinh đều coi trọng kết quả (đa phần được hiểu là điểm số) của quá trình đó thay vì chính quá trình đó. Vì vậy tất yếu sự say mê, hứng thú, mối quan tâm, sự đắn đo, cân nhắc, sự dò dẫm tìm đường và sự thất bại cần thiết để trưởng thành của học sinh không được để tâm và coi trọng.
Sáng tạo chỉ có thể nảy sinh dựa trên sự tự do lựa chọn và phê phán lựa chọn. Cho nên suốt 12 năm rồi có thể là 4 năm tiếp theo, bản chất sáng tạo thiên bẩm của loài người đã dần dần bị phá hủy và người ta đi theo lối mòn tìm đáp án đúng định sẵn trong công việc ngay cả khi rời trường học mà cuộc đời không như trang sách giáo khoa nên khi không có khả năng sáng tạo, người ta khó có thể thành công lớn thậm chí luôn luôn thất bại.
Thứ tư, người nước ngoài nói chung (đặc biệt ở các nước tiên tiến - đã công nghiệp hóa) tập trung tốt hơn, có sức bền tốt hơn vì họ có thể chất tốt hơn, được rèn luyện tốt hơn. Cung cách giáo dục của ta và môi trường nhà trường, xã hội, gia đình không coi trọng sức khỏe thể chất và tâm thần. Tất cả chỉ chăm chăm vào nhớ, hiểu, bài tập, thi và điểm số. Vì thế giáo dục thể chất bị đẩy xuống thứ yếu và học như đùa.
Chế độ dinh dưỡng phi khoa học và sự thiếu quan tâm tới nhịp điệu sinh hoạt đời thường hợp lý làm cho thanh thiếu niên có thể trạng yếu đuối (môn thể chất là môn ác mộng đối với đa số nữ sinh trường đại học sư phạm). Sự tập trung và sức bệnh còn liên quan đến sức khỏe và sự ổn định của tâm lý - tinh thần. Muốn có nó từ nhỏ trẻ phải được rèn luyện qua trải nghiệm, thể dục, đọc sách, nghệ thuật, văn học. Nhưng ở ta phụ huynh, giáo viên chỉ thích cho con học toán để giải toán, học chữ để biết đọc…sách giáo khoa! Vì vậy khi trưởng thành, thanh niên có sức bền, sự tập trung kém. Khi không có hai thứ này, dù thông minh anh cũng khó có thể thành công trong việc sáng tạo vì sáng tạo chỉ có thể sinh ra trong sự bền bỉ và tập trung trong thời gian dài.
Cuối cùng, chúng ta sẽ phải làm gì?
“Đắc đạo xưa nay không đường tắt”.
Tôi từng viết thơ như thế khi leo Yên Tử và chứng kiến đoàn hành hương đi cáp treo lên vái Phật cầu tài lộc. Mọi thứ không tự nhiên có. Khi ý thức ra vấn đề chúng ta phải cùng nhau hợp tác và nỗ lực tự thân để dần dần giải quyết.
Hình thành năng lực, thói quen đọc sách cho mỗi cá nhân và thúc đẩy văn hóa đọc cho cả dân tộc là một cách để tạo ra nền tảng. Từ nền tảng cơ bản đó sẽ nâng tầm dần để có đỉnh cao. Những đỉnh cao về văn hóa, khoa học trên thế giới đều là các hạt mầm được gieo cấy ở những nền văn hóa có nền tảng cao ấy, hiếm khi có ngoại lệ.
Rất có thể chúng ta - những người đọc những dòng này sẽ không được chứng kiến điều đó vì dân tộc có lẽ còn phải trải qua rất nhiều thời gian để khắc phục những vết thương, những ẩn ức của quá khứ để tiến lên từ từ. Nhưng sự nỗ lực của mỗi người ở hiện tại hẳn sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với tương lai.
Đại khái, nói một cách nói nôm na, cho dẫu mọi nỗ lực của chúng ta chỉ là tạo ra được một hạt phù sa bé nhỏ đi nữa thì dần dần qua vài thế hệ người Việt sẽ có một đồng bằng tốt để đến một lúc nào đó sẽ có những hạt mầm tốt nảy lên thành cây cao bóng cả.
Và tất nhiên, tôi tin những cái cây mọc trên một nền tảng văn hóa cao, vững chắc đó sẽ không phải chỉ là cái cây lấp lánh trong các cuộc thi, trong các game show truyền hình hay nhờ vào số tiền học bổng hoặc điểm số.
Ngày đó xa hay gần, tùy thuộc vào sự nỗ lực của chúng ta.
Nguyễn Quốc Vương