mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Nhớ ông cụ trăm tuổi và sự nghiệp ‘cởi trói’

 10:40 | Thứ hai, 06/06/2022  0
Hôm nay, theo âm lịch là ngày giỗ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông đã ra đi gần tròn 15 năm. Đến ngày 23 tháng 11 tới là kỷ niệm sanh nhựt 100 năm của "ông Sáu Dân” – bí danh và là tên gọi thân mật mọi người dành cho ông.

Đời nhà báo ngày ấy cho chúng tôi có một số dịp phỏng vấn và gặp “ông Sáu Dân ” khi ông là Thủ tướng những năm 1990 và rồi ngay cả khi ông về hưu đầu những năm 2000. Trong đó, lần ấn tượng nhất là được theo "cận cảnh" Thủ tướng trong những ngày ông dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng 12.1995, khi Việt Nam vừa gia nhập tổ chức này. Gặp ông trong những ngày đó, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả nhọc nhằn của một nguyên thủ quốc gia phải xử lý cả chuyện đối nội và đối ngoại cùng lúc - vào thời điểm đất nước vừa mở cửa hội nhập quốc tế.

Lần đó, cánh phóng viên có một cuộc "họp báo trên không" bất ngờ với Thủ tướng trên chuyên cơ từ Bangkok về Hà Nội. Ông Sáu lúc ấy rất mệt nhưng vẫn vui vẻ trò chuyện với phóng viên, trả lời những câu hỏi khá “hóc búa” về sự kiện Việt Nam gia nhập ASEAN và ảnh hưởng của nó.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời phỏng vấn của phóng viên Phúc Tiến (giữa) và Ngọc Trân (trái) năm 1992. Ảnh của phóng viên Duy Anh.


Qua nhiều cuộc gặp gỡ báo chí trong và ngoài nước, có lẽ hình ảnh ông Sáu được mọi người nhớ nhất là mái tóc bạc dãi dầu sương gió và nụ cười rộng mở, chân thành. Những năm 1990, hình ảnh của ông thực sự trở thành một icon - biểu tượng cho Việt Nam đổi mới. Sau này, chắc chắn các sử gia sẽ còn dành nhiều trang sách để tìm hiểu và "giải mả" cặn kẽ cuộc đời phong ba và những đóng góp lớn lao của vị Thủ Tướng độc đáo này.

Xin đăng bức ảnh kỷ niệm với ông Sáu tại sân bay Tân Sơn Nhất vào đầu thập niên 1990 khi ông vừa công du Malaysia. Không ngần ngại, Thủ tướng Kiệt đã dành 10 phút ưu ái trả lời phỏng vấn "mai phục" của phóng viên, trước khi ra máy bay để trở lại Hà Nội. Lần ấy, ông Sáu nhận xét có đi mới thấy Đông Nam Á rất gần gũi, từ Việt Nam qua những nước này chỉ trong 1-2 giờ bay. Thời buổi giao thương toàn cầu, người ta đi lại làm ăn rần rần, do vậy - ông Sáu nhấn mạnh các cơ quan nhà nước mình phải bớt thủ tục giấy tờ, làm sao tạo mọi điều kiện cho người dân, đặc biệt là doanh nhân đi ra nước ngoài dễ dàng !

Quả thật, đó cũng là một cách “cởi trói” thoát khỏi cơ chế bao cấp, quan liêu cố hữu đã kìm hãm cơ hội phát triển của đất nước mà ông Sáu là một trong những người tiên phong cùng người dân kiên trì đấu tranh cho mục tiêu đó từ khi còn là người lãnh đạo thành phố. Sự nghiệp “cởi trói” trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, quản trị đến văn hóa và tư tưởng do thế hệ ông Sáu đã xây thành đường vẫn đang cần được tiếp nối mạnh mẽ hơn, toàn diện và sâu sắc hơn.

Phúc Tiến

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.