Tuần rồi, tôi chụp loạt ảnh con gái mình trong những động tác ballet ngay phía trước nhà mà background xa xa là cái nhà máy điện. Chừng hơn năm nữa thôi, một nhà máy điện mới hình lớp sóng màu xanh lục sẽ mọc lên, nhà máy điện cũ sẽ bị phá bỏ nay mai. Nên tôi muốn những bức ảnh này không chỉ giữ lại hình dáng con gái mình năm 11 tuổi mà còn giữ lại một khung cảnh quen thuộc với ngôi nhà mình bao năm nay - từ khi con bé chào đời rồi lớn lên, ở đây.
Bé Khánh Như đang múa trên con đường nhỏ trước nhà - phía xa là nhà máy điện AES Huntington Beach
Khi con gái Khánh Như lên 4 và đang học mẫu giáo ở Community center (kiểu "Nhà văn hóa" của thành phố) cạnh nhà, thấy ở đó có mở lớp ballet trẻ con, tôi cho bé tham gia. Sau khóa học 3 tháng, con bé có vẻ thích còn cô giáo ballet nhận xét: "Cháu có khả năng, chị nên cho cháu học tiếp ở các trường múa..." Thế là hành trình ballet của con bắt đầu song song với việc học phổ thông, đã 7 năm liên tiếp. Bây giờ, ở trình độ "ballet 5" con bé đến trường múa mỗi ngày 2 tiếng, trừ Chủ nhật.
Việc học ballet hầu như không ảnh hưởng gì đến việc học văn hóa của con vì các lớp ballet luôn được tổ chức vào buổi chiều sau giờ học ở trường phổ thông. Tôi không mong con mình theo nghề ballet chuyên nghiệp mà chỉ muốn con theo đuổi nó như chơi một môn thể thao rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai và cảm nhận được niềm vui của một môn nghệ thuật đòi hỏi đam mê và khổ luyện. "Chỉ sợ con hết thích thôi - tôi thường nói với nó - chứ hễ con còn thích là mẹ sẵn sàng đưa đón con đến lớp ballet!"
Bé Khánh Như múa ở bờ biển Huntington Beach
Bởi tôi cũng như đa phần phụ huynh ở đây, khi nói chuyện về con cái thường hỏi nhau: thằng bé/con bé nhà bạn đang chơi môn gì đấy? vui không? Tan học, bọn trẻ con gần như dành cả buổi chiều cho việc chơi/học/tham dự các lớp, đội, nhóm thể thao, nghệ thuật như bóng chày, bóng bầu dục, đá banh, múa, hát, đàn, võ thuật, hướng đạo (Boy scout, Girl scout)... nên việc con gái tôi dành 2 giờ mỗi ngày cho ballet cũng là chuyện bình thường.
Lớp của bé Như có 28 học sinh thì trong đó 3 đứa đang theo học ballet, thành phố Huntington Beach có 200.000 dân (tương đương dân số một quận ở Sài Gòn) có khoảng 15 chỗ dạy ballet và các môn múa... Không biết những con số tình cờ đó có nói lên được điều gì về việc học ballet ở thành phố này không nhưng rõ ràng ballet giờ đây không còn là một môn học hàn lâm kén chọn.
Ngoài những bạn trẻ có năng khiếu theo đuổi ballet lâu dài thì việc tham gia các lớp ballet "phổ cập cho mọi lứa tuổi" là rất dễ dàng với mức học phí cũng bình dân. Ở trường Southland Ballet Academy mà Như đang theo học có lớp "ballet for adult" mà học viên có những phụ nữ đã ngoài 60!
Với bé Như, ngoại trừ 2 đợt biểu diễn nhạc kịch định kỳ mỗi năm, "nghề" múa của con còn áp dụng cho những bài múa tự biên tự diễn cùng bạn bè trong các đợt văn nghệ của trường hoặc học khu... hay thỉnh thoảng tình nguyện giúp vui cho các hội cao niên, nhà dưỡng lão...
Bé Khánh Như múa ở công viên trung tâm thành phố
Các cuộc thi tài năng trên truyền hình trong đó 2 gameshow nổi tiếng nhất về nhảy múa là "So you think you can dance" và "Dancing with the Stars" (phiên bản tại Việt Nam là "Thử thách cùng bước nhảy" và "Bước nhảy hoàn vũ") đã đưa nghệ thuật múa - trong đó có ballet - ngày càng gần gũi, khuyến khích sự tham gia thể hiện của mọi người. Cuối năm ngoái trong vở nhạc kịch "Nutcracker" tại nhà hát Barclay- Irvine, bé Như và các bạn đã được biểu diễn cùng Lex Ishimoto - người đoạt giải nhất cuộc thi "So you think you can Dance" 2017 của Mỹ. Chàng trai trẻ ấy cũng học ballet từ 7 tuổi tại Irvine – thành phố sát cạnh Huntington Beach này.
Rồi nghệ thuật nhiếp ảnh hiện nay cũng đưa ballet đến với công chúng một cách gần gũi với phong cách chụp ảnh "ballet đường phố" mà tên tuổi được biết đến nhiều nhất là nhiếp ảnh gia Omar Z Robles (New York). Những con thiên nga lộng lẫy trên sân khấu giờ đây đã tự do tung người thể hiện xúc cảm ở mọi khung cảnh đời sống thường nhật, dân dã.
Bé Khánh Như trong lớp múa vỡ lòng năm 4 tuổi ở nhà văn hóa thành phố
Và tôi cũng theo phong cách ấy, đã nhiều lần chụp con gái mình trong khung cảnh quen thuộc: con đường nhỏ trước nhà, bờ biển, công viên, thư viện... là những bức ảnh lưu giữ ký ức về thành phố, và cả sự tự hào. Chẳng hạn tôi từng chụp con gái ở khu bảo tồn thiên nhiên "Huntington Beach Wetlands" là niềm tự hào của người dân thành phố này vì ở cái thời đất ven biển là "tấc đất tấc vàng" họ vẫn "khư khư" giữ được hơn 70 hecta đất ngập mặn với hệ sinh thái cây cỏ chim muông hoang dã cho con cháu đến tận hưởng, học hỏi và giữ gìn đến mai sau.
Hay sắp tới tôi định sẽ chụp hình con mình múa ballet ở sân cỏ xanh mướt của trường cấp 2 (middle school) nó đang học, nơi anh trai nó cũng từng học... Ngôi trường này trong những ngày này đang rất tự hào với một cựu học sinh gốc Việt ưu tú- Matt Nguyễn - gương mặt trẻ nổi bật trong số những ứng cử viên gốc Việt ở mùa bầu cử năm nay.
Matt Nguyễn từ khi học ở trường này đã tham gia Hướng đạo thuộc OC Boy Scout và đạt tới đẳng cấp Đại Bàng, tốt nghiệp á khoa đại học UC Berkeley và đang chuẩn bị tốt nghiệp đại học Yale, là biên tập viên gốc Việt duy nhất của Tạp chí Luật Yale, từng làm việc cho Samantha Power - đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, từng là phụ tá Jerry Brown - Thống đốc California, từng làm trong Uỷ ban vận động tái tranh cử của Tổng thống Barack Obama hồi 2012... Chưa đầy 30 tuổi, Matt đang ứng cử vào chức vụ ủy viên Hội đồng giáo dục quận hạt Orange County (gồm 34 thành phố trong đó có Huntington Beach) mà nếu đắc cử Matt sẽ là người gốc Á duy nhất trong Hội đồng này.
Mới đây, trong bài phỏng vấn nhà văn Kim Thúy (một trong 4 người vào chung khảo giải thưởng thay thế Nobel văn học 2018) trên tờ Montreal Gazette 14.9.2018 khi nói về thành phố Montreal đang sống, cô đã nhắc đến đứa con trai nhỏ là một tác động nhất định đến cái nhìn của cô: “Tôi đánh giá thành phố với tư cách một phụ huynh... "
Tác giả chụp hình con trong lớp ballet một ngày xuân
Tôi cũng vậy, cũng muốn nhìn thành phố mình đang sống với cái nhìn của một người mẹ - cụ thể hơn một chút - một người mẹ có con học ballet.
Tôi thích những bức ảnh ballet của con có "sự tích" thành phố như bức ảnh tuần rồi, khi con tung người lên không trung với hậu cảnh có nhà máy điện phía xa xa. Rồi đây con có thể nhìn lại bức ảnh mà giải thích với ai đó rằng: cái nhà máy điện cũ đó đã không còn nữa vì lỗi thời, vì sử dụng quá nhiều nhiên liệu, nước biển... đã được thay bằng một nhà máy mới dùng khí đốt tự nhiên thấp hơn, hiệu quả hơn, giúp cho thành phố đạt được mục tiêu năng lượng sạch, là cái nhà máy điện hình sóng biển kia kìa...
Điều đó chẳng phải là sự thú vị với một bức ảnh ballet của một cô gái nhỏ hay sao?
Bài và ảnh: Thuý Hà