Hiện nay có nhiều dự án khu đô thị mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông... Ảnh minh họa.
Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.Hà Nội vừa có Báo cáo Kết quả giám sát việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đối với các trường công lập và việc xây dựng trường học tại các khu đô thị trên địa bàn thành phố từ năm 2016 đến nay gửi đến kỳ họp thứ 9 HĐND TP.Hà Nội.
Theo đó, từ năm 2016 đến hết tháng 3.2019, trên địa bàn thành phố có 147 dự án nhà ở thương mại được quyết định chủ trương đầu tư với diện tích khoảng 14.196.567m2 đất, tổng vốn đầu tư khoảng 390.788tỷ đồng; 13 dự án nhà ở xã hội với diện tích khoảng 526.645m2 đất, tổng vốn đầu tư khoảng 36.041 tỷ đồng; 11 dự án nhà tái định cư với diện tích khoảng 219.169m2 đất, tổng vốn đầu tư khoảng 19.523 tỷ đồng.
Đối với việc xây dựng các trường học tại các khu đô thị, qua các báo cáo số 267/BC- KH&ĐT ngày 23.4.2019, số 2640/KH&ĐT-NNS ngày 20.5.2019 của Sở Kế hoạch và Đầu tư và các báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã cho thấy, các báo cáo chưa cung cấp được số liệu cụ thể về tình hình đầu tư xây dựng trường học tại các khu đô thị trên địa bàn thành phố từ năm 2016 đến nay.
Trong khi đó, theo khảo sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.Hà Nội, hiện nay có nhiều dự án khu đô thị mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông, nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đảm bảo đồng bộ, chậm xây dựng công trình trường học, nhà trẻ so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.
Điển hình như Khu đô thị mới Phùng Khoang; Khu nhà ở Đài phát thanh phát sóng Mễ Trì; Khu đô thị Xuân Phương – Viglacera; Khu đô thị Thành phố giao lưu; Khu đô thị Đoàn Ngoại giao; Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh; Dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại xã Cổ Nhuế; Khu nhà ở để bán nhà ở Vĩnh Hoàng; Khu chức năng đô thị Ao Sào; Khu đô thị mới Cầu Bươu; Khu nhà ở Thạch Bàn; Khu đô thị Đặng Xá; Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp; Khu đô thị mới Việt Hưng...
Một số dự án đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị mới, đặc biệt là khu vực các quận trung tâm đã được chủ đầu tư chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư thứ cấp, các nhà đầu tư thứ cấp này chậm triển khai nhưng các chủ dự án không đôn đốc kịp thời theo tiến độ.
Đơn cử, như: Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp quy hoạch 6 lô đất xây dựng trường học, gồm 3 lô đất xây dựng trường mầm non, 1 lô đất trường tiểu học, 1 lô đất trường THCS, 1 lô đất trường THPT; trong đó có 1 lô đất đã hoàn thành xây dựng trường mầm non, 1 lô đất đang thực hiện chuẩn bị đầu tư xây dựng trường tiểu học. Lô đất xây dựng trường THPT vướng nghĩa trang thôn Văn Điển.
Còn tại quận Hoàng Mai, Khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm được quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 1 công trình trường tiểu học hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng. Còn 5 ô đất quy hoạch xây dựng trường học, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Xây dựng (HUD) đã chuyển nhượng hạ tầng 2 ô đất (NT1 và TH1) cho nhà đầu tư thứ phát nhưng chưa xây dựng công trình; 2 ô đất (NT2, HT2) đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 1 ô đất (TH4) đang vướng mắc, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Tại quận Long Biên, Khu đô thị mới Việt Hưng, HUD đã chuyển giao 5 lô đất trường học cho các nhà đầu tư cấp 2 nhưng đến nay chỉ có 1 công trình trường học đã hoàn thành xây dựng…
Đoàn giám sát đánh giá, công tác giám sát, đánh giá chủ đầu tư chưa được thực hiện nghiêm túc, công tác kiểm tra, giám sát của các sở, ngành và địa phương có nơi, có lúc chỉ đạo thực thiện chưa tập trung quyết liệt. Các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã có khu đô thị chưa thường xuyên cập nhật số liệu, tình hình đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ quản lý được giao.
Trước những khó khăn hạn chế, Ban Văn hóa-Xã hội kiến nghị UBND Thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo, rà soát việc thực hiện các dự án xây dựng trường học trong các khu đô thị mới, các khu di dân tái định cư nhằm đảm bảo chỗ học cho học sinh các cấp; ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học khi di chuyển các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô.
Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét, có phương án giải quyết theo quy định để đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, mua sắm nhỏ lẻ, không để xảy ra tình trạng xuống cấp kéo dài ở các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn thành phố; hỗ trợ kinh phí để giải phóng mặt bằng, thu gom điểm lẻ đối với các trường mầm non, mở rộng đối với các trường còn thiếu diện tích; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; đầu tư kinh phí xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
Chỉ đạo thu hồi các dự án xây dựng trường học trong các khu đô thị đối với nhà đầu tư cố tình trì hoãn, chậm trễ thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng và bàn giao cho UBND quận, huyện để thực hiện các phương án xây dựng trường mầm non, tiểu học, THCS công lập; cân đối hợp lý việc xây dựng trường công và trường tư thục tại các dự án khu đô thị, đặc biệt tại các quận đang thiếu trường, lớp học.
Theo báo cáo, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 2.711 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT với 65.818 phòng học, 57.837 nhóm lớp, 1.955.038 học sinh, bình quân 34 học sinh/lớp; trong đó, công lập có 2.183 trường với 43.214 nhóm lớp, 1.694.461 học sinh, bình quân 39 học sinh/lớp.
Từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố đã xây mới được 194 trường và cải tạo 436 trường (cải tạo, sửa chữa và xây mới 11.211 phòng học). Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố hiện nay đạt 55,1%.
Vân Phong