Bệnh lý tuyến giáp chia thành hai nhóm lớn: Nhóm về hình thể và nhóm về chức năng. Hai nhóm này không tách biệt mà có mối liên quan mật thiết với nhau. Nhóm về hình thể có những bệnh lý như nhân tuyến giáp, bướu giáp đa nhân, bướu giáp đơn nhân, ung thư tuyến giáp, phình tuyến giáp lan tỏa.
Khi bình thường, tuyến giáp tiết ra hormone như sinh lý. Các bệnh lý về nhóm chức năng như suy giáp, nghĩa là tuyến giáp tiết ra hormone ít hơn, làm giảm tỷ lệ trao đổi chất của cơ thể từ 40 - 50%. Cường giáp là bệnh khi tuyến giáp tiết ra hormone nhiều hơn, làm tăng tỷ lệ trao đổi chất từ 60 - 80%. Viêm tuyến giáp là tình trạng đặc biệt khi tuyến giáp của bệnh nhân bị viêm, trải qua các giai đoạn cường giáp, bình giáp, suy giáp tùy vào ngoại nhân. Khi kết hợp hai nhóm này lại, có rất nhiều bệnh lý khác nhau. Nhìn chung lại, có hai hội chứng thường gặp nhất là cường giáp và suy giáp.
Ảnh minh hoạ: TL
Cường giáp và suy giáp là hai hội chứng thường gặp nhất nên nguyên nhân cũng xoay quanh hai hội chứng này. Có ba nguyên nhân chính gây bệnh cường giáp:
Thứ nhất là cường giáp nguyên phát: Đây là bệnh lý tại tuyến giáp, thường gặp nhất là Basedow. Đây là một bệnh lý tự miễn ở tuyến giáp, chiếm tỷ lệ từ 60 - 80%. Ngoài ra còn các bướu giáp đa nhân hóa độc, u độc tuyến giáp hoặc ung thư tuyến giáp.
Thứ hai là cường giáp thứ phát: Ở ngoài tuyến giáp có các u tiết TSH từ trên não hay các u nguyên bào nuôi để tiết ra hCG giống như TSH, các hội chứng đề kháng hormone tuyến giáp, cường giáp trên những bệnh nhân có thai.
Một số nguyên nhân khác như viêm tuyến giáp, chấn thương, xạ trị vùng cổ...
Suy tuyến giáp có những nguyên nhân hàng đầu là các bệnh lý tự miễn như bệnh viêm giáp Hashimoto hay do quá trình điều trị như phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp, sử dụng i-ốt phóng xạ, xạ trị vùng cổ.
Ngoài ra, các bệnh lý viêm giáp như viêm giáp bán cấp thoáng qua có thể gây suy giáp. Tình trạng bẩm sinh (bệnh nhân không có tuyến giáp bẩm sinh hoặc bệnh nhân không tự tổng hợp hormone tuyến giáp bẩm sinh) cũng là một trong các nguyên nhân.
Một số thói quen ăn uống, lối sống sinh hoạt hiện đại có thể ảnh hưởng lên các bệnh lý tuyến giáp:
Uống cà phê: Trong cà phê có nhiều chất kích thích làm cơ thể tăng tiết hormone căng thẳng như Cortisol hay Epinephrine, làm cơ thể lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng, tăng tỷ lệ trao đổi chất và có thể ảnh hưởng đến bệnh lý tuyến giáp.
Ăn uống không lành mạnh, giảm cân cấp tốc: Ăn uống không lành mạnh, ăn quá nhiều chất đường bột, ăn thức ăn nhanh hoặc giảm cân cấp tốc làm tình trạng dinh dưỡng không hợp lý, ảnh hưởng đến trao đổi chất và ảnh hưởng đến các bệnh lý tuyến giáp.
Thiếu i-ốt: Nhà nước đã phát động phong trào ăn muối i-ốt toàn dân, tuy nhiên ở những vùng sâu vùng xa vẫn còn thiếu muối i-ốt. Muối i-ốt là nguyên liệu để tạo ra hormone tuyến giáp. Chính vì vậy, thiếu i-ốt sẽ có nguy cơ bị bướu tuyến giâp và suy tuyến giáp.
Hút thuốc lá: Trong thuốc lá có rất nhiều chất kích thích có thể gây viêm tuyến giáp mạn tính, cản trở sự hấp thu i-ốt để tạo ra hormone tuyến giáp.
Căng thẳng, stress: Thời đại ngày nay, nhiều người thường bị stress, căng thẳng khi làm việc quá mức, khiến tăng các hormone căng thẳng như khi uống cà phê, từ đó làm tăng tỷ lệ bệnh lý tuyến giáp.
Ít vận động: Khi ít vận động, tỷ lệ trao đổi chất của cơ thể sẽ giảm xuống, có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh lý tuyến giáp.
ThS-BS-CK1. Cao Mạnh Tuấn
(Khoa Nội tiết - Thận, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM)