Luôn chấp nhận đối diện với những thách thức để làm mới mình, Đức Tuấn đã hát nhạc trữ tình – tiền chiến, gắn bó với âm nhạc mang âm hưởng nhạc kịch…, mới nhất là một sản phẩm âm nhạc độc đáo, đưa tiếng hát Đức Tuấn đến với những tình khúc vang bóng và đã là tiếng lòng, là tâm hồn của bao người yêu nhạc: những nhạc phẩm của Trần Thiện Thanh.
Bên cạnh phát hành đĩa CD, online, Đức Tuấn còn phát hàng phiên bản băng cassette
Trần Thiện Thanh có một sự nghiệp song hành. Bên cạnh là một nhạc sĩ với những bản tình ca mà ở thời điểm vàng son nhất trong sự nghiệp sáng tác, đó là những “big hit” cho nhiều ca sĩ đương thời, ông còn là một ca sĩ nổi tiếng, một trong “tứ trụ nhạc vàng”. Nhật Trường – Trần Thiện Thanh có con đường sáng tác rực rỡ, là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất, ăn khách nhất trong thập niên 60, kỷ nguyên vàng của dòng nhạc bolero và nhạc tình đô thị lãng mạn.
Những bài hát của Trần Thiện Thanh, dù được viết theo tiết điệu nào, bolero thời trang hay slow rock cầu kỳ hoặc ballad êm ái nhẹ nhàng, thì đều có điểm đặc trưng là giai điệu tuyệt đẹp và lời ca chau chuốt. Vì thế, sau này để phân loại các phong cách âm nhạc trước năm 75, người ta thường xếp nhiều bài hát của ông vào dòng “nhạc sang” và một số ca khúc thịnh hành khác thì là “sến sang” với hàm ý là cho dù sáng tác theo trào lưu, chẳng hạn với bolero, thì nhạc của Trần Thiện Thanh vẫn có vị trí rất riêng nhờ ở tài viết giai điệu cầu kỳ và lời ca tinh tế.
Vì thế, mà nhạc của Trần Thiện Thanh được nhiều ca sĩ thể hiện, từ các tượng đài bolero như Phương Dung, Thanh Tuyền, Hương Lan, Chế Linh, Duy Khánh… đến các giọng ca của dòng thính phòng, tiền chiến như Lệ Thu, Khánh Ly, Sĩ Phú… tới cả các thần tượng nhạc trẻ như Elvis Phương, Thanh Lan, Khánh Hà… chọn biểu diễn, và trở thành những phiên bản chuẩn mực.
Điều đặc biệt là nhạc Trần Thiện Thanh, thoạt nhìn vào tính đại chúng của những bài ca ông viết, cho cảm tưởng là dễ tiếp cận, dễ hát, dễ được thích, nhưng thực sự rất khó, bởi cái bóng của các thế hệ đi trước quá lớn, nếu chỉ đi theo những chuẩn mực mọi người đã xác lập, thì cũng chỉ là những bản sao mờ nhạt. Vì thế rất hiếm các ca sĩ thế hệ sau này dám làm nguyên một album nhạc Trần Thiện Thanh. Thường chỉ là các tuyển tập được các trung tâm băng nhạc hải ngoại gom lại từ nhiều bản thu âm đơn lẻ để đáp ứng nhu cầu công chúng, bởi cái tên Trần Thiện Thanh qua thời gian vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn.
Và đó là bài toán khó cho Đức Tuấn khi chọn nhạc Trần Thiện Thanh cho một album tác giả - tác phẩm mới của mình, sau các album thành công với nhạc Phạm Duy, Phạm Đình Chương và Từ Công Phụng. Album mang tên: Một ngày ta được yêu.
Bìa album "Một ngày ta được yêu".
Đức Tuấn và các cộng sự đã mất nhiều thời gian để tìm ra một lối đi khác vào không gian âm nhạc của Trần Thiện Thanh, vừa giữ được vẻ đẹp vốn có của những bài hát ấy, giữ được cái chất hào hoa mà Trần Thiện Thanh đã đưa vào những bài hát tưởng như rất bình dân của mình; lại vừa đưa được những bài hát ấy đến được với khán giả của ngày hôm nay, nhất là những người trẻ, trong khi lại không được bỏ quên lớp khán giả trưởng thành vốn rất yêu những bài ca ấy.
Nhạc sĩ Lê Thanh Tâm, người sản xuất âm nhạc cho album này, đã cùng Đức Tuấn làm ra một album, đưa vào âm hưởng Soul/Jazz, hoà cùng những chất liệu âm nhạc đã rất quen thuộc, người nghe sẽ thấy rất lạ khi mới bắt đầu nghe, nhưng ngay sau đó sẽ lại thấy những gì mình đã quen xuất hiện thấp thoáng trong những bản hòa âm được soạn rất cầu kỳ theo các phong cách Orchestral, Soul, Acoustic, Jazz, World... tất nhiên làm cho các bài hát này đều lạ hơn hẳn so với tất cả các phiên bản trước đây, nhưng lại không khó nghe, thậm chí có những bài rất “nịnh tai” với phần dàn dây (String Section) được soạn rất đẹp, du dương, gợi nhớ tới những album Easy listening/Jazzy kết hợp dàn nhạc giao hưởng kinh điển của Natalie Cole hay Diana Krall.
Nhạc sĩ Lê Thanh Tâm cho biết trước khi bắt tay vào làm dự án này, Đức Tuấn đã tìm đến anh và chia sẻ mong muốn thực hiện một album nhạc Trần Thiện Thanh với một nửa theo phong cách pop, một nửa theo phong cách bolero: "Nhưng thuần pop thì tôi nghĩ sẽ không có gì ấn tượng, còn theo bolero thì lại quá quen và nếu như thế thì có khi các khán giả của bolero cũng sẽ không chọn mình. Nên tôi quyết định "phá" hết để làm nên những bản phối phù hợp nhất với giọng hát, tính cách, tâm tình của Đức Tuấn. Quan điểm làm nhạc của tôi lâu nay cũng không câu nệ thể loại nhạc gì mà là bản phối đó, bản ghi đó, album đó có hay hay không. Tôi chỉ cố gắng làm một album mà người nghe phải say sưa nghe từ đầu đến cuối, không dừng hay tắt giữa chừng".
Lê Thanh Tâm cũng cho hay âm nhạc cũng như những ngành nghề khác đều có sự phát triển với sự hỗ trợ, phát triển của khoa học công nghệ. Vậy nên sự khác biệt là phải có. "Không thể học bao nhiêu năm, tiếp thu, thụ hưởng bao nhiêu sự tiến bộ của công nghệ, kỹ thuật mà vẫn làm ra một sản phẩm như những năm 60, 70, 80... thì rất kỳ. Khi mình chọn nghề nhạc thì mình phải đem lại những gì tốt nhất trong khả năng của mình, chứ không phải copy hay dùng lại cái cũ".
Album gồm những bài hát hay nhất và phổ biến nhất của Trần Thiện Thanh như Mùa đông của anh, Trên đỉnh mùa đông, Khi người yêu tôi khóc, Hàn Mạc Tử, Hoa trinh nữ, Lâu đài tình ái, Chuyện hẹn hò, Tình đầu tình cuối… đến những bài ít phổ biến hơn như Yêu, Yêu người như thế đó. Bài hát Chiếc áo bà ba, ca khúc hiếm hoi âm hưởng dân ca của Trần Thiện Thanh được cho vào phần bonus như một thử nghiệm thú vị khác lạ.
Với album này, Đức Tuấn đã mời được một thần tượng trong nghề ca hát của mình cùng song ca, đó là danh ca Hương Lan, với 2 ca khúc: Trên đỉnh mùa đông và Chiếc áo bà ba, một sự kết hợp cũng rất bất ngờ với 2 tiếng hát trước nay vẫn được coi là thuộc về 2 trường phái khác hẳn nhau.
Ca sĩ Đức Tuấn.
Cũng trong buổi giới thiệu album, về những lùm xùm Đức Tuấn hát sai lời và vợ nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phản ứng. Đức Tuấn khẳng định mình không sửa lời bài hát Hoa trinh nữ - ca khúc được chọn làm đĩa đơn, được phát hành vào ngày 8.3 vừa qua. Ca sĩ Đức Tuấn nói: "Trước khi ghi âm bất kỳ ca khúc nào, tôi cũng tìm hiểu rất kỹ về hoàn cảnh sáng, từng lời ca. Với nhạc xưa, tôi lại càng cẩn trọng hơn và luôn tham khảo qua rất nhiều tài liệu tham chiếu, các bản ghi cũ... Trong trường hợp ca khúc Hoa trinh nữ, tôi không tự ý sửa lời bài hát "lính xa nhà", "lính phong trần" thành "khách phong trần". Tôi nghĩ, ca khúc này cũng như nhiều ca khúc nhạc xưa khác có những dị bản. Ca sĩ Nhật Trường cũng chính là nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cũng đã có bản ghi ca khúc Hoa trinh nữ trong album Mười năm tình cũ với lời hát "khách phong trần" đã được phát hành rộng rãi, chính thức cách đây nhiều năm. Vấn đề ở đây là tôi đã chọn hát theo phiên bản nào?
Tôi đã chọn hát "khách phong trần" vì tôi nhận thấy ca từ này phù hợp với tâm tình của cá nhân tôi và những người yêu nhạc có hoàn cảnh giống tôi".
Trâm Anh