mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Nhà văn Thuận: “Vấn đề của tôi chỉ là viết!”

 14:01 | Chủ nhật, 15/04/2018  0
Thư gửi Mina là tiểu thuyết thứ tám nhà văn Thuận vừa hoàn tất. Nhân dịp này, cộng tác viên của Người Đô Thị đã có cuộc trò chuyện với chị tại Paris. 

Chào Thuận! Tôi được biết là chị vừa kết thúc một bản thảo và đó sẽ là tiểu thuyết thứ tám của chị. Chưa được đọc, nhưng cái tựa Thư gửi Mina khiến tôi có cảm giác đó sẽ là một tác phẩm rất khác với những gì chị viết trước đây nơi cấu trúc thường liền mạch, nhất là Made in Vietnam hay Chinatown thậm chí còn không phân chia chương, đoạn? 

Gần 30 lá thư cùng được viết cho một Mina, trong khoảng thời gian hai tuần. Nếu muốn thì ta có thể coi mỗi thư là một chương và người viết chúng là nhân vật chính. Ngoài ra tôi vẫn làm công việc của tiểu thuyết gia là xây dựng một mạng lưới dính kết các chương, các nhân vật, các chi tiết với nhau.

Theo tôi, mạng lưới này càng chặt thì tính tiểu thuyết của tác phẩm càng cao. Nó có thể được hình thành bằng nhiều cách: gợi nhớ, tạo liên tưởng, so sánh hay lặp lại (một từ, một câu, thậm chí một đoạn)... Làm thế nào để mọi thứ quyện lấy nhau thành một tổng thể có cấu trúc rõ ràng chứ không phải là các đoạn ngắn rời rạc. Chính nhờ được không ngừng dính kết mà câu chữ trở nên sinh động để không trở thành những viên sỏi bị vô tình ném ra mà dù có khiến mặt nước lay động đôi chút thì kết cục vẫn là rơi tõm xuống đáy hồ.

Người ta hay nghĩ rằng sáng tác chỉ cần có hứng và cảm xúc. Theo tôi, cũng giống nhiều ngành khoa học, nghề viết cũng cần trí nhớ tốt, óc tổng hợp, khả năng phân tích và phê bình.

Chị dường như rất chú ý đến kỹ thuật viết? Đó có phải là cách làm việc mà các đồng nghiệp Pháp của chị theo đuổi? Chị tự thấy mình giống hay khác họ ở những điểm gì?

Nước Pháp hàng năm có hai mùa văn chương gọi là saison littéraire, mỗi mùa có chừng một nghìn đầu sách ra đời. Thật khó có thể đặt tất cả các tác giả của một nền văn học lớn như vậy vào một cái khuôn. Với những ai quan tâm đến kỹ thuật viết, lý thuyết là cái mà họ tự thu được trong khi thực hành, chứ không có một công thức chung nào để cứ thế áp dụng là xong.

Lý thuyết ấy mang tính cá nhân, rút ra từ các trải nghiệm cá nhân, được kiểm chứng bởi những thách thức mà từng tác giả đặt ra cho cá nhân mình. Nói vậy để thấy kỹ thuật viết mà tôi chia sẻ ở trên có thể chỉ hợp với tạng viết của tôi, nhằm phần nào giải quyết những thiếu sót của tôi, chứ nhiều khả năng là vô bổ với những người viết khác.

Nhà văn Thuận

Tôi còn có nhiều điểm không giống các đồng nghiệp Pháp, nguyên việc viết bằng ngôn ngữ Việt đã là khác lắm rồi. Chưa kể tôi còn có một quê hương khác, lớn lên cho đến năm 18 tuổi trong một nền văn hóa khác, có những trải nghiệm với một thể chế chính trị khác. Vâng, tôi đọc được Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, Trần Dần, Lê Đạt, Nguyễn Huy Thiệp...

Tôi biết thế nào là chiến tranh, hộ khẩu, lý lịch, tem phiếu, mậu dịch, bao cấp, công an khu vực, kiểm duyệt và tự kiểm duyệt... Tôi cũng hiểu không có sự khác nhau lắm giữa học tập và cải tạo, cải cách và đấu tố, tịch thu và quốc hữu hóa...

Tôi cũng được học ở trường phổ thông để sử dụng thành thạo cụm từ “xã hội chủ nghĩa”. Các đồng nghiệp Pháp của tôi làm sao có được các khái niệm “con người mới xã hội chủ nghĩa”, “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”... Giờ mà hỏi “làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa” là gì thì họ chịu cứng!

Tôi hình dung, chị cũng khác các đồng nghiệp Việt chẳng kém gì việc chị khác các đồng nghiệp Pháp. Chị đã khai thác thế mạnh ấy như thế nào?

Tôi không cố tình khai thác. Mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên. Những gì tôi viết là những gì tôi cảm nhận. Có lẽ bản tính tôi luôn thích sự khác biệt. Tôi cũng được làm quen với văn học Pháp từ lúc còn nhỏ, nên đặt chân tới Paris mà cảm giác như về nơi đã biết. Nhìn lại những khó khăn mà tôi đã trải qua, tôi hầu như cảm thấy biết ơn: đó chính là chất liệu để tôi viết, giúp tôi hiểu được những người nhập cư khác và sẽ còn mở ra những chân trời khác trước mắt tôi.

Tôi tin là độc giả Pháp sẽ không thấy nhàm chán khi được quan sát xã hội mà họ đang sống qua con mắt của các kiều dân. Người giàu đến Paris chỉ để tiêu tiền, thế mà cũng có bi kịch, ví dụ không biết chọn Louis Vuitton hay Hermes, ở khu La tinh hay quận 16. Ngược lại, dân nghèo hay kẻ sa cơ lỡ vận, đặt chân được đến Paris, thường không có gì trong tay nhưng mỗi người mang theo một câu chuyện ly kỳ đáng một cuốn tiểu thuyết.

Tôi khác các đồng nghiệp Việt ở chỗ nào ư? Tôi không hàng ngày phóng xe máy đến làm việc cho một công sở nào đó, nhận lương tháng như một công chức, chấp hành ý kiến lãnh đạo, thỉnh thoảng viết báo để kiếm thêm, thỉnh thoảng chém gió ở vài nơi, quan tâm ít nhiều đến các hội nhà văn và các giải thưởng... Tôi không như thế. Đơn giản là vì tôi không sống ở Việt Nam.

Đó cũng là lý do mà tôi phải cố gắng để theo kịp hiện thực trong nước mà không chắc là luôn đủ rung động, luôn đủ bức xúc để ngồi vào bàn viết. Nhưng dù thế nào thì tôi cũng cương quyết không nhìn Việt Nam như một thực thể bất biến, bị đóng băng vào ngày tôi ra đi. Hoài niệm không có trong tâm thức của tôi.

Chị có thể chia sẻ với độc giả Việt Nam đôi chút về cuộc sống trong tư cách là một nhà văn?

Tôi sống một cuộc sống bình thường. Un avril bien tranquille à Saigon (Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư) là tiểu thuyết thứ năm của tôi được xuất bản ở Pháp. Mỗi khi có sách mới ra tôi cũng hơi bận, đi chỗ này chỗ kia gặp gỡ độc giả, đôi khi cả các nhà báo hay nhà chuyên môn, đôi khi ở các thành phố khác, thậm chí ở các nước Pháp ngữ khác...

Hiện nay tôi là tác giả thuộc Nhà xuất bản Riveneuve, trong tủ sách “Văn chương Việt Nam đương đại” do Đoàn Cầm Thi thành lập. Nói chung tôi không thấy có gì phải phàn nàn. Vấn đề của tôi vẫn chỉ là viết.

Kế hoạch sắp tới của chị?

Tôi tự cho phép mình nghỉ ngơi đôi chút sau khi hoàn thành Thư gửi Mina. Dự định là sẽ dịch một cái gì đó, đọc sách và chơi đùa với một môn nghệ thuật mới. Hy vọng là tôi sẽ quay trở lại với việc viết trong một tinh thần và thể lực khác hiện nay. 

Chris Nguyen thực hiện

Nhà văn Thuận tên đầy đủ là Đoàn Ánh Thuận, sinh năm 1967 tại Hà Nội. Tốt nghiệp khoa Anh ngữ Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Pyatigorsk (Liên bang Nga) năm 1991, làm cao học văn học Anh cổ điển tại Đại học Paris 7 (1991-1992) và cao học văn học Nga đương đại tại Đại học Sorbonne (1992-1993). Hiện định cư ở Pháp.

Là tác giả của các tiểu thuyết Made in Vietnam, Chinatown, Paris 11 tháng 8, T mất tích, Vân Vy, Thang máy Sài Gòn, Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư. Thuận còn dịch văn học Pháp sang tiếng Việt. 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.