mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Người Việt đã mua tranh Việt

 13:29 | Chủ nhật, 05/02/2023  0
Đôi ba năm trở lại đây, hàng loạt tác phẩm hội họa của các tác giả Việt Nam thời mỹ thuật Đông Dương được bán với giá cao tại các nhà đấu giá quốc tế ở Hồng Kông, Paris, Singapore, khá nhiều trong số đó được cho là đã thuộc về các nhà sưu tập người Việt; trong khi một thị trường thứ cấp trong nước đang manh nha. Đời sống mỹ thuật Việt đương đại đang sang một chương mới.

Giá tranh của Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm và vài họa sĩ lớp kế cận đã cán mốc triệu USD những năm gần đây, thế nhưng hơn mười năm trước trên thị trường đấu giá quốc tế tranh của họ đã bắt đầu có giá - dù còn khiêm tốn so với mặt bằng giá tranh các tác giả khu vực Đông Nam Á cùng thời kỳ.

Tại cuộc đấu giá ở nhà Sotheby’s Hong Kong tháng 4.2008, bức Thánh mẫu và hài đồng của Lê Phổ đã đạt mức giá 309.000 USD, trong khi một tác phẩm của Vũ Cao Đàm đạt mức giá 263.000 USD. Theo lời cô Ruoh-Ling Keong, người từng phụ trách lĩnh vực mỹ thuật hiện đại và đương đại Đông Nam Á của nhà Sotheby’s ở Singapore, đó chính là nhờ nỗ lực của “một nhóm nhà sưu tập tranh Việt Nam hiện đại đáng tin cậy”, có nhiều người Việt trong số đó. 

Đưa tranh Việt “về nhà”

Các nguồn thạo tin cho biết, chủ nhân mới của bức tranh Chân dung cô Phương của Mai Trung Thứ, kỷ lục giá tranh Việt Nam hiện nay (3,1 triệu USD) là một nhà sưu tập ở Hà Nội. Còn tại cuộc triển lãm Hồn xưa bến lạ do nhà đấu giá Sotheby’s tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam (tháng 7.2022 tại khách sạn Park Hyatt Saigon - TP.HCM), 56 tác phẩm của bộ tứ Đông Dương - Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu - tại triển lãm được tuyển chọn từ 200 tranh của gần 10 nhà sưu tập trong nước.

Chân dung cô Phương - kỷ lục giá tranh Việt hiện nay.


Trong số các nhà sưu tập người Việt mua tranh các họa sĩ thời Đông Dương tại các nhà đấu giá lớn rồi đưa trở về Việt Nam có ông Nguyễn Minh (biệt danh Minh Hàng Chỉ) ở Hà Nội. Ông Minh đã nhờ nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng thực hiện quyển sách Hội họa Việt Nam, một diện mạo khác nhằm giới thiệu tác phẩm ông mua được ở các kỳ đấu giá, nhưng sẵn lòng nhượng lại các bức tranh quý đã sưu tập cho người khác.

Những giao dịch như vậy sẽ giúp thị trường tranh trong nước sôi động hẳn lên. Ông Minh cùng các nhà sưu tập đương thời đã, đang và sẽ góp phần quan trọng để nâng cao hơn nữa mặt bằng giá tranh Việt Nam trên các sàn đấu giá quốc tế cũng như đóng vai trò không nhỏ để thị trường thứ cấp nội địa phát triển. 

Đã qua thời phải giấu giếm các tài sản nghệ thuật có giá trị rất lớn về chất lượng nghệ thuật, giá trị lịch sử cũng như giá trị kinh tế. Điển hình là sưu tập của ông Nguyễn Thiều Quang, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng Techcombank.

Bình hoa tulipe - tranh Lê Phổ thuộc sưu tập của ông Nguyễn Thiều Quang.


Ông Quang hiện sở hữu một tài sản nghệ thuật có thể coi là hàng đầu tại Việt Nam, khó có thể định giá chính xác. Sưu tập tranh của ông không thiếu tranh “bộ tứ Đông Dương” và nhiều cây cổ thụ khác của hội họa Việt Nam như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Lê Văn Đệ…, cùng tranh của bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái và nhiều họa sĩ đương đại. Hiện ông đã xây dựng một bảo tàng tư nhân trên khu đất rộng 2.000m2 bên bờ sông Sài Gòn (quận 2) để trưng bày và bảo quản hàng ngàn tác phẩm quý giá.

Không chỉ tranh của các tác giả thế hệ mỹ thuật Đông Dương đang trên đường tìm về quê nhà sau nhiều năm ở nước ngoài mà tranh của các họa sĩ miền Nam, nhất là các tên tuổi thuộc Hội Họa sĩ trẻ Sài Gòn trước 1975 cũng đang được đưa về từ nước ngoài.

Một nhà sưu tập, chủ nhân một gallery khá bề thế tại TP.HCM đã “khoe” với người viết bài này ông vừa mua được từ Mỹ một bức tranh Nguyễn Phước. Cùng với tranh Nguyễn Phước, tác phẩm của họa sĩ Nguyên Khai hiện định cư tại Mỹ đang được các nhà sưu tập trong nước nồng nhiệt chào đón. 

Không thể thiếu một thị trường nội địa 

Thời kỳ Đổi mới và mở cửa bắt đầu vào giữa thập niên 1980 đã là cơ hội thuận lợi cho sự ra đời của hàng loạt gallery tại Hà Nội và TP.HCM, giới thiệu tác phẩm của nhiều họa sĩ Việt ra thế giới. Tuần báo Asiaweek trong số phát hành ngày 26.11.2000, nhân kỷ niệm 25 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên (1975 - 2000) đã coi giai đoạn đó là thời hoàng kim của hội họa Việt Nam.

Khi điểm lại những thành tựu ở châu Á trên nhiều lĩnh vực trong 1/4 thế kỷ, về mặt văn học nghệ thuật, theo Asiaweek có ba sự trội bật rõ nét nhất diễn ra ở Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Ở Trung Quốc là điện ảnh với các nhà làm phim như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca; ở Ấn Độ là văn học với một thế hệ nhà văn đoạt nhiều giải thưởng ở nước ngoài; còn ở Việt Nam là hội họa với các họa sĩ được giới sưu tập nước ngoài săn đón.

Nhiều tác giả mỹ thuật Việt Nam đương đại ngày ấy đã sánh vai với các đồng nghiệp châu Á tại các triển lãm, hội chợ nghệ thuật và cả trong các cuộc đấu giá tranh - điều mà một số nước lân cận chưa tạo được.

Thời hoàng kim đó mau chóng lụi tàn khi tranh Việt Nam mất giá trầm trọng tại nhiều cuộc đấu giá, thậm chí không bán được trong khi người ta chứng kiến một sự nhảy vọt về giá tranh của các họa sĩ thế hệ “làn sóng mới” ở Trung Quốc cũng như các tác giả Indonesia hiện đại và đương đại. Có nhiều lý do dẫn tới sự tàn lụi đó nhưng quan trọng nhất vẫn là sự thiếu vắng một thị trường bản địa, điều mà các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và nhiều quốc gia châu Á, cả Đông Nam Á đã làm được. 

Theo các chuyên gia về hội họa Việt Nam như Nora Taylor, giáo sư chuyên về mỹ thuật Nam Á và Đông Nam Á tại Trường Mỹ thuật Chicago và bà Judith Hughes Day, người đồng sáng lập gallery Lã Vọng chuyên kinh doanh tranh Việt Nam một thời lừng lẫy ở Hồng Kông, cho dù các nghệ sĩ đương đại Trung Quốc và Ấn Độ thu hút các nhà sưu tập đủ cỡ và thuộc nhiều quốc tịch, nhưng điều tối cần thiết là phải có một nền tảng hỗ trợ bản địa thì mới tạo được một thị trường thịnh vượng.

Thanh thản sau khi tắm (Le repos après le bain) - tranh Vũ Cao Đàm đã bán với giá kỷ lục: khoảng 630.000 USD tại nhà Sotheby’s Hong Kong ngày 31.3.2018; đây là bức tranh khỏa thân hiếm hoi của ông.


Ngược lại, không chỉ những người giàu có ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Mumbai và Bangalore giúp nâng giá tác phẩm đương đại Trung Quốc và Ấn Độ mà cần có cả sự hỗ trợ của các cộng đồng người Hoa và người Ấn ở Bắc Mỹ, châu Âu, Nam Á hay Trung Đông. Nora Taylor lý giải: “Thị trường (tác phẩm nghệ thuật) Ấn Độ hầu như do người Ấn quyết định. Thị trường nghệ thuật Trung Quốc đầu tiên do người Hoa ở hải ngoại, sau đó tới người Hoa bản địa xây dựng”. Ngay cả Indonesia cũng đã có một thị trường nghệ thuật phát triển và có một nền móng vững chắc là các nhà sưu tập bản địa.

Điều đó được phản ánh ngày càng rõ trong các kỳ đấu giá tranh. Tại cuộc đấu giá tranh Đông Nam Á ở nhà Christie’s tại Singapore tháng 5.2008, bốn tác phẩm giễu nhại xã hội của họa sĩ trẻ I Nyoman Masriadi, 35 tuổi, đã được bán với giá hơn 250.000 USD/bức trong khi một năm rưỡi trước đó giá tranh của anh vào khoảng 30.000 - 50.000 USD. Đến tháng 10.2008, tại nhà Sotheby’s ở Hong Kong, một bức tranh của Masriadi đã vượt qua mức 1 triệu USD! 

Những năm đó chưa hề có thị trường nghệ thuật bản địa tại Việt Nam và tranh pháo vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà buôn và du khách nước ngoài, những người tạo nên thứ mà Nora Taylor gọi là “tourism art” (mỹ thuật của dân du lịch).

Khoảng mươi năm trước, khi gallery Tự Do (trên đường Hồ Tùng Mậu, quận 1, TP.HCM) còn hoạt động, người viết bài này đã hỏi chuyện ông Đặng Hải Sơn, giám đốc gallery, về người mua tranh và câu trả lời thật đáng buồn: “Hầu hết là khách du lịch nước ngoài, chưa đến 10% là khách trong nước”. Tất nhiên với người mua như thế, giá tranh cũng “bèo”. Thật ra cũng có khách bản xứ mua tranh tại nhiều cuộc triển lãm nhưng hầu hết cũng mới chỉ là những người yêu thích hội họa, chưa có các nhà sưu tập đúng nghĩa hay các nhà đầu tư vào tác phẩm mỹ thuật.

Khung cảnh mới của mỹ thuật Việt - các nhà sưu tập hôm nay 

Trong giới doanh nhân Sài Gòn hôm nay, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phúc Sinh là một nhà sưu tập “có máu mặt” và cũng là một nhà đầu tư - kinh doanh tác phẩm mỹ thuật nhạy bén, đặc biệt hướng đến tranh đương đại. Yêu thích tranh Trần Lưu Hậu, ông Thông có một bộ tranh vài chục bức của Trần Lưu Hậu, hiện được trưng bày trong gallery của ông tại Phú Mỹ Hưng.

Phan Minh Thông còn sở hữu một sưu tập tác phẩm của Lê Võ Tuân mà ông mua được từ gallery Lotus của bà Xuân Phượng. Chính những người như bà Xuân Phượng và ông Phan Minh Thông đã nâng giá tranh của một họa sĩ quê Quảng Bình lên mức cao đáng kể, trong khi mươi năm trước Lê Võ Tuân còn chưa được nhiều người biết đến. Cuối tháng 11.2022, tại gallery của mình doanh nhân Phan Minh Thông đã tổ chức một triển lãm hoành tráng tranh Lê Võ Tuân mà ông đã sưu tầm trong nhiều năm. 

Mèo hoa - tranh tết của Nguyễn Lương Sáng.


Khung cảnh mỹ thuật Việt nay đã có những thay đổi đáng khích lệ. Bên cạnh các không gian triển lãm quen thuộc tại nhiều bảo tàng là sự ra đời của hàng loạt gallery mới toanh tại Hà Nội, TP.HCM và ở nhiều đô thị khác thời gian gần đây, kéo theo những triển lãm liên tục diễn ra (có lúc, chỉ riêng tại TP.HCM vào cuối tuần có đến cả chục triển lãm khai mạc).

Rất nhiều tranh tượng đã được giới sưu tập đón nhận, đáng chú ý là nhiều nhà sưu tập thế hệ mới đã có mặt trong các triển lãm; họ ở độ tuổi 8X, tương ứng với nhiều gallery có chủ nhân còn rất trẻ. Đáng lạc quan là giá tranh triển lãm cũng dần được nâng cao. Tháng 10.2022, triển lãm Ký ức xuyên không của họa sĩ Lê Thanh Bình tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trưng bày 20 tác phẩm sơn dầu ngôn ngữ tạo hình gần với siêu thực; một nửa số tranh đã có người gắn nơ, đem lại cho tác giả một số tiền khá lớn.

Gần 2/3 số tranh trong triển lãm Một dòng thênh thang một sợi trữ tình của họa sĩ kỳ cựu Đặng Thị Dương tại gallery AZ (Thảo Điền, TP.HCM) cuối tháng 11.2022 cũng về với chủ nhân mới, tạo hứng khởi cho tác giả hướng đến một triển lãm trong tương lại gần.

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ (đội nón) trong xưởng vẽ của ông ở quận 2 (TP.HCM). Ảnh: TL TG


Lâm Huỳnh Linh, họa sĩ trẻ chuyên vẽ sơn mài, có tranh được một nhà sưu tập ở Hà Nội rất ưa thích. Nhiều tranh làm xong anh phải “giấu kỹ” không bán để sẽ làm một triển lãm cá nhân lớn vào năm 2023. Linh tiết lộ: “Hôm bữa, qua nhà chú Hồ Hữu Thủ bên quận 2, thấy chú nói giá tranh với nhà sưu tập mà hết hồn luôn!”. Cũng không có gì quá ngạc nhiên, “vị thuật sĩ của sơn mài Việt Nam” Hồ Hữu Thủ nay đã quá tuổi tám mươi, vài năm nữa sẽ khó tìm mua được tranh của ông.

Cận Tết Quý Mão 2023, tại gallery 333 ở Bangkok của nhà sưu tập Tira Vanichtheeranont, một người nhiều năm say mê và theo đuổi mỹ thuật Việt, sẽ diễn ra một triển lãm cá nhân của họa sĩ Hồ Hữu Thủ, toàn bộ số tranh trong triển lãm này được mượn từ một gallery ở TP.HCM. 

Nguyễn Trọng Chức

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.