Nguyên nhân do các yếu tố nguy cơ khác:
- Vai trò của gốc tự do, oxy hóa ảnh hưởng đến não bộ: Người trẻ thường có chế độ ăn uống không hợp lý ăn các thức ăn nhanh, có chứa nhiều phụ gia, dầu mỡ làm sản sinh gốc tự do và chất oxy hóa.
- Người trẻ chịu nhiều áp lực hơn so với người cao tuổi: Áp lực về công việc, gia đình, xã hội.
- Chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi đôi khi không điều độ bằng người cao tuổi: Chế độ ăn không đủ bữa; không đủ cá, rau xanh; đôi khi sử dụng rượu bia; chế độ ngủ không đủ giấc, thức quá khuya; quá lạm dụng mạng xã hội.
Chuyển hóa của người trẻ mạnh hơn người cao tuổi nên khi hấp thu chất dinh dưỡng không hợp lý, thức ăn không hợp lý sẽ dễ chuyển hóa thành các chất gây hại cho não hơn.
Bác sĩ khám suy giảm trí nhớ cho một bệnh nhân trẻ. Ảnh: TL
Trí nhớ của mỗi người là khác nhau, việc cải thiện trí nhớ cũng không thể phục hồi hoàn toàn. Một số biện pháp khắc phục suy giảm trí nhớ, bao gồm:
Tập luyện thể lực là điều quan trọng nhất: Đi bộ ít nhất 30 - 60 phút/ngày, thực hiện ít nhất 5 lần/tuần. Đối với người không có quá nhiều thời gian cho việc luyện tập, nên dành ít nhất 10 phút/ngày cho việc đi bộ. Vì khi chúng ta rèn luyện thể lực sẽ giúp tăng lưu lượng máu lên cơ, lên toàn thân và lên não.
Rèn luyện trí não: Để bộ não hoạt động thường xuyên sẽ giúp cải thiện chức năng của não. Bạn có thể học thêm ngoại ngữ, chơi thêm nhạc cụ, chơi các trò chơi trí não, đọc sách…
Giao lưu xã hội: Giúp tâm hồn rộng mở, trí tuệ lưu thông.
Lập kế hoạch về hoạt động trong ngày: Lập các ghi chú trong sổ, bằng điện thoại thông minh… cài nhắc nhở, hẹn giờ thông báo các công việc bạn cần làm hàng ngày. Không làm quá nhiều việc cùng một lúc, nên thực hiện và hoàn thành từng công việc đã lập ra. Điều này tránh để não hoạt động quá mức.
Chế độ sinh hoạt hợp lý: Ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ, thư giãn, xả stress sau một tuần làm việc.
TS-BS. Nguyễn Thanh Bình
(Khoa Thần kinh và Alzheimer, Bệnh viện Lão khoa trung ương)