mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Ngôi trường Cẩm Chướng của những kẻ mộng mơ

 09:46 | Chủ nhật, 09/02/2020  0
Những ngày cuối năm, Lê Cát Trọng Lý và cộng sự thân thiết Nguyễn Thanh Tú tất bật chạy đua với thời gian để kịp ra mắt hai dự án lớn trong năm 2020: concert thường niên của Lý diễn ra tháng 2 và vận hành Trường Nghệ thuật Cẩm Chướng vào tháng 7, cùng kế hoạch cả hai sẽ sang Ireland tham gia khóa học sáng tác.

Concert thường niên 2020 của Lê Cát Trọng Lý có cái tên mà chính cô cũng thừa nhận “dài nhất Lý từng có”, trích từ ca khúc Lý mới viết cho chương trình Dreamers Concert ở châu Phi hồi tháng 8 vừa rồi: Vì sao chúng ta ở đây ôm chặt buồn? Mà sao chúng ta chẳng ôm nhau một lần.

Chương trình tập hợp những ca khúc Lý sáng tác trong năm năm cô làm chuỗi chương trình Dreamers Concert, có cả những ca khúc chưa biểu diễn tại Việt Nam như: 4 Các ca khúc được cellist Nguyễn Thanh Tú chuyển soạn và phối khí với phong cách classical folk, vẫn sẽ là dàn nhạc thính phòng nhỏ viết cho dây, gõ, kèn gỗ. Chương trình diễn ra tại Phòng hòa nhạc lớn của Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Nội (21 và 22.2.2020) và Nhà hát VOH TP.HCM (28.2 và 1.3.2020).

Khác những lần trước, concert của Lý lần này còn mang trọng trách kêu gọi hỗ trợ từ cộng đồng ủng hộ dự án “trường học trong mơ”, được sáng lập bởi Lý và Tú tại Măng Đen (Kon Tum), bằng cách mua trước các chương trình của Lý trong năm năm (2020 - 2025), đăng ký các khóa học nghệ thuật ngắn hạn do Lý và Tú tổ chức, cho Lý vay và trả dần trong năm năm... để cô có thể mua được căn nhà 1.000m2, xây sửa thành khu campus của học viên và phòng dạy học, sản xuất...

Mở không gian giáo dục trong lành

“Lý có mơ ước về một môi trường học tập dành cho người lớn, mà ở đó “học” là lựa chọn chứ không phải nỗi sợ bị ép buộc, và “chơi” cũng là cách học khác trong lựa chọn thái độ sống. Một môi trường mà con người được sống thật với chính họ và người khác hơn... Người ta hay nghĩ chỉ có trẻ em mới cần giáo dục để có tương lai tươi sáng. Tuy vậy, có lẽ người lớn cũng bức thiết cần giáo dục trong lành để có một hiện tại hạnh phúc giản đơn hơn. Trường nghệ thuật của Lý và Tú ra đời với hy vọng be bé đó”, Lý chia sẻ.

Kêu gọi cộng đồng hỗ trợ dự án từ ngày 10.7.2019, chỉ sau hơn 10 ngày, Lý đã nhận được số tiền đủ để mua một ngôi nhà làm trường học nghệ thuật, tại số 10, Khu phố Nhà báo ở Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Nói thêm về lý do thôi thúc phải có một ngôi trường, Lý cho biết: “Nếu hằng năm tụi mình đều phải đi thuê địa điểm để dạy học thì sẽ rất khó để có thể biến thành một hoạt động thường xuyên mang tính tiếp nối, có thể phát triển. Vì vậy, có một ngôi trường, một ngôi nhà thực sự của riêng mình là rất cần thiết”. Và ngôi trường đó, Lý nhấn mạnh “dành cho những quí - vị - mộng - mơ - hành - động - thực - tế”, dự kiến vận hành từ tháng 7.2020.

Ngôi nhà ở Măng Đen đang được cải sửa thành Trường Nghệ thuật Cẩm Chướng. Ảnh TLNV

Trong năm đầu tiên chiêu sinh, Lý định vị người học là học sinh trên 15 tuổi từ khắp nơi; người lớn đã xong hết công việc, con cái đi du học, buồn và thích học nhạc; người lớn muốn thay đổi nhịp sống hiện tại, tạm nghỉ việc trước khi chuyển sang giai đoạn mới; người lớn lạc lối, kìm nén ước mơ nghệ thuật thuở thiếu thời; thanh thiếu niên có nhiều ước mơ về nghệ thuật...

“Mọi người sẽ cùng ở trong ngôi nhà mộng mơ giữa rừng thông “hoang vu, an toàn” tại một thị trấn thưa dân, nhiều chó, không cao ốc, chỉ có cây. Cùng ăn, cùng ngủ, cùng học, cùng chơi trong thị trấn lãng quên ấy. Khóa học dành cho những tâm hồn trong vòng kiềm tỏa lâu năm, hy vọng phần nào giải tỏa và nuôi dưỡng sự tươi mát cho tâm hồn của mọi người.

Khóa học không dành cho những người khao khát thành công và thịnh vượng. Ngôi nhà đó có tên Trường Nghệ thuật Cẩm Chướng, nghe rất quê nhưng nó có những câu chuyện và ý nghĩa riêng. Khi các bạn vào trường, Lý sẽ giải thích thêm...”, Lý phân trần.

Được là chính mình

Măng Đen là vùng đất lạnh nằm ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, có rừng nguyên sinh bao bọc. Giải thích vì sao chọn Măng Đen mà không phải Đà Lạt hay Sa Pa, Lý cho biết hai thành phố sương mù nổi tiếng kia giờ đã đông nghịt người, nhiều rác thải, chịu hiệu ứng nhà kính nặng nề, chưa kể ở một nơi nhiều hoạt động giải trí thì công việc học tập và sáng tác sẽ bị giới hạn bởi sự phân tán vui chơi. Ở Măng Đen thì khác. Khí hậu mùa hè chỉ 18 - 25 độ C, từ sáng đến đêm. Rừng thông và rừng nguyên sinh vẫn còn được bảo hộ, ít dân sống nên sự phá hoại thiên nhiên chưa diễn ra trên diện rộng.

“Nói vậy không có nghĩa Măng Đen không có giá trị giải trí, vì các hoạt động giải trí ở Măng Đen sẽ hướng theo hình thức trekking (đi bộ), học kỹ năng sống trong thiên nhiên, phân biệt các loại cây, học các dấu hiệu nhận biết rừng nguyên sinh, kết nối con người với thiên nhiên nhiều hơn.

Măng Đen có mùa mưa, khi đó không đi chơi được sẽ dễ tập trung sáng tạo hơn. Với tốc độ biến đổi khí hậu dữ dội như hiện tại, sự nóng lên của trái đất là không chối cãi được. Dần dần thì mọi người cũng phải lên núi vào mỗi mùa hè”, Lý nói như một nhà đô thị học.

Một khóa học sáng tác do Lê Cát Trọng Lý và Nguyễn Thanh Tú tổ chức. Ảnh: TLNV

Theo tính toán của Lý, từ sân bay Pleiku để về đến Trường Nghệ thuật Cẩm Chướng mất chừng hai tiếng. Toàn bộ học viên đều ở trong campus của trường - là một biệt thự trắng nằm giữa rừng thông, tách biệt và yên ắng. Trong trường có sẵn xe đạp, đi từ campus đến nơi học chính sẽ mất 15 phút. Nếu đi bộ mất chừng 30 phút.

“Buổi tối ở Măng Đen hầu như không có gì chơi. Mùa học là mùa nắng, có thể ra ngoài ngắm sao. Đêm ở Măng Đen rất tối, do chưa bị ô nhiễm ánh sáng thành thị. Những ngày mưa và không ngắm sao thì có thể đốt một đống lửa, ngồi kể chuyện hoặc đọc sách, hoặc tập đàn. Cơ bản ba tháng học là ba tháng chúng ta sống một cuộc đời trong phim mà mình hằng ao ước.

Một cách tích cực trong suy nghĩ, Lý tin rằng sau khóa học mỗi người có thể viết được một đoạn nhạc nhỏ hoặc một ca khúc giản dị để gửi đến người mình yêu thương trong dịp sinh nhật hay ngày kỷ niệm tình yêu, hoặc đơn giản hơn, cho chính mình trong những lúc mệt nhọc nhất của cuộc sống này”, Lý kỳ vọng.

Ở các khóa học sáng tác trước đây, Lý không bao giờ yêu cầu học viên mặc gì khi đến lớp. Chỉ cần không chơi điện thoại. Mỗi người đều có một cách tập trung và hướng tâm theo kiểu riêng biệt, và sự khác biệt làm nên môi trường học tập đa dạng.

“Ở trường Cẩm Chướng, cả học viên lẫn giáo viên đều sẽ làm vệ sinh chung toàn trường và tự vệ sinh phòng cá nhân, cho đến cả việc rửa bát theo nhóm. Với Lý, điều đáng mơ mộng hơn cả trong cuộc đời là được là chính mình và cũng được sống có trách nhiệm hơn”, Lý bày tỏ.

Chương trình học là tổng hợp nhiều môn, từ lịch sử âm nhạc phương Tây cổ điển và hiện đại cho đến lịch sử âm nhạc phương Đông, lịch sử mỹ thuật, lý thuyết âm nhạc và hòa thanh cơ bản nhạc nhẹ; nghe nhạc tập trung; làm quen nhạc cụ cơ bản cho người bắt đầu (guitar, ukulele, piano...), sáng tác ca khúc, vẽ cơ bản và nâng cao… Ngoài ra, sẽ có các hoạt động ngoại khóa: thiền Vipassana, làm gốm, làm vườn, đan len, vận động thể thao... Tùy khóa học, sẽ giới hạn từ 20 đến 30 học viên. Chưa khai giảng nhưng số lượng đăng ký của các khóa học hiện đã dư sang khóa sau, phần đông là khán giả lâu nay vẫn đồng hành cùng hoạt động âm nhạc của Lý.

“Không phí đời sống này” 

Lê Cát Trọng Lý là ca sĩ kiêm nhạc sĩ tự do, được đánh giá tiêu biểu cho giới nghệ sĩ indie (âm nhạc độc lập) ở Việt Nam. Còn Nguyễn Thanh Tú cũng là nhạc sĩ, nghệ sĩ violin, người đã đồng hành cùng các dự án của Lý từ 2014, chuyển soạn và phối khí các ca khúc của Lý cho các nhạc cụ thính phòng...

Dự án “trường học trong mơ” gần như là một nhánh ý tưởng trổ ra từ chuỗi chương trình Những kẻ mộng mơ (Dreamers Concert) được khởi xướng và thực hiện thường niên trong năm năm bởi Lý và Tú, từ 2014. Đã có sáu chương trình diễn ra, lan tỏa hiệu ứng vượt khỏi biên giới Việt Nam (ở Việt Nam ba chương trình và ba chương trình ở Bhutan, Mông Cổ, châu Phi).

“Ý tưởng ban đầu là làm sao mang được khán giả trở lại với thiên nhiên, làm sao để mang họ về được bầu trời mộng mơ mà họ đã đánh mất hoặc lãng quên? Làm sao để âm nhạc không còn bị đóng khung trong sự lịch sự và vỗ tay trong cơn buồn ngủ? Làm sao để con người ta trở lại mơ mộng, với đơn giản thôi, những giấc mơ được yêu, được đẹp bình thường? Và tháo đi tất cả những nhãn hiệu về chúng ta là ai, địa vị thế nào, bộ quần áo này đáng giá bao nhiêu, hay cặp mắt kính hàng hiệu này phải được thấy. Đây là một giấc mơ mà ở đó mọi người được bình đẳng với nhau ở một điểm: là những kẻ đang mơ một giấc mơ đẹp...”, Lý chia sẻ.

Lê Cát Trọng Lý và Nguyễn Thanh Tú (trái) cùng đội hợp xướng Kenyan Boys Choir, trong dịp cô sang châu Phi thực hiện Dreamers Concert 6 tại Nairobi - thủ đô Kenya, tháng 8.2019. Ảnh TLNV

Trong các nghệ sĩ độc lập ở Việt Nam, Lê Cát Trọng Lý đã tạo được hiệu ứng khán giả rất lớn chính nhờ vào sự giản dị, chân thành, cả trong âm nhạc lẫn đời thực. Giới trẻ phải lòng Lý bởi âm nhạc của cô nói hộ họ những nỗi chênh vênh của tuổi trẻ. Khán giả lớn tuổi dành nhiều cảm tình cho Lý bởi sự mộc mạc, không màu mè và tinh thần sống như lời một bài hát nổi tiếng cô viết: “Nhiều người ôm giấc mơ giàu sang/Vài người ôm giấc mơ bình yên/Em cần an trú/Em cần yêu thương...”.

Chỉ hai năm sau khi trở thành sinh viên khoa viola của Nhạc viện TP.HCM, Lê Cát Trọng Lý đã ghi dấu ấn xuất sắc trên sân khấu Bài hát Việt 2008, ở tuổi 21, và liên tiếp nhận những giải thưởng danh giá, được mời biễu diễn trong các chương trình lớn, của những nghệ sĩ quốc tế, nhận học bổng du học nước ngoài…

Hào quang đến sớm ấy hẳn khiến Lý nhanh chóng trở thành ca sĩ có thu nhập cao, nếu cô không chọn đi theo con đường mà nhiều nghệ sĩ thế giới đã từng: dùng âm nhạc để thực hiện những sứ mệnh với cộng đồng. Những chuyến đi thực tế giúp Lý thêm yêu thiên nhiên. Cô quan tâm đến bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, trẻ em nghèo và muốn dùng âm nhạc để truyền tải những vấn đề này.

Trước Dreamers Concert, Lý đã thực hiện Vui Tour (2011 - 2013), Khù khờ Tour (2016 – 2018) du ca đến các vùng nông thôn khắp Việt Nam để hát miễn phí và kết nối các dự án thiện nguyện, khuyến học... Năm 2018, cô và Tú cùng nhau mở “Không gian bền vững Việt Nam” ở Hà Nội, Hội An nhằm giới thiệu các vấn đề về môi trường, sức khỏe liên quan đến cách tiêu dùng thiếu tỉnh táo của người Việt...

Lý thuê một căn nhà để làm các dự án và ở. Tầng một cô mở bán cà phê và sữa hạt. Lúc thiếu người phụ, Lý trực tiếp rửa ly, bưng cà phê, tự đi giao sữa hạt... “Bưng cà phê, giao sữa Lý thấy vui lắm. Lý đã không giữ tiền hơn 10 năm nay. Lý từ chối cầm tiền. Công việc cả năm đều có sẵn kế hoạch nhưng khi Tú nói cần phải làm thêm để trả lương cho mọi người, thì Lý sẽ làm. Nói chung, Lý chỉ viết bài, còn lại Tú làm hết. Đến ngày thì tập rồi đi diễn. Mọi việc cứ đều đặn như vậy. Lý có những hạnh phúc mà hiếm người có. Sang năm Lý và Tú đi học về sáng tác ở Ireland”, Lý hồn nhiên kể.

Lý cho biết những dự án cộng đồng đã thay đổi cô nhiều, cả về tư duy và âm nhạc. Khoảng bốn năm qua, Lý không còn viết nhạc để kể chuyện của mình nữa, cô muốn viết những bài hát tạo ra sự kết nối mọi người. Càng về sau, Lý càng viết nhạc theo lối đơn giản, tránh dùng các từ phức tạp.

“Sau 12 năm làm nghề Lý nhận ra, nhu cầu cuối cùng của con người là được yêu thương, nên bài hát viết ra phải có tình cảm, cao siêu đến đâu mà không tình cảm cũng không còn được gọi là hay nữa. Mà tình cảm lạ lắm, nếu có, nó sẽ chạm đến mọi người. Lý thường cố gắng thật thà trong mọi chuyện bởi Lý tin đó là nền tảng của mọi thứ. Trong xã hội bây giờ ngày càng có nhiều người không còn khả năng chân thật nữa”, Lý chiêm nghiệm.

Dù biết sẽ có nhiều thử thách với Trường Nghệ thuật Cẩm Chướng, nhưng cả Lý và Tú đều rất phấn khởi. “Đây là việc rất quan trọng đối với cá nhân Lý, và nó tuyệt đối không phải dự án thương mại hay màu mè hình thức. Đây là ước mơ của Lý muốn phát triển chính mình và thực sự mong muốn đóng góp cho cộng đồng, để mình không phí đời sống này...”, Lý bày tỏ. 

Dương Thu Hà

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.