Lễ công bố 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật năm 2018 vừa diễn ra tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Hà Nội). Lễ công bố được tổ chức bình chọn bởi Câu lạc bộ nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam và năm nay là lần thứ 13 hoạt động này được tổ chức.
TS. Lê Văn Luân bên chiếc máy sản xuất đá tuyết từ nước biển.
Theo đó, riêng lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng chiếm hơn một nửa trong tổng số 10 sự kiện. Đáng chú ý là công trình nghiên cứu lĩnh vực khoa học tự nhiên “Cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của molybdenum sulfide vô định hình” của TS Trần Đình Phong (trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội) và các cộng sự; Hay công trình nghiên cứu lĩnh vực ứng dụng “Máy làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ” của Trung tâm Phát triển công nghệ cao thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Công trình “Cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của molybdenum sulfide vô định hình” được đánh giá là bước tiến quan trọng trong “cuộc chạy đua” tìm ra giải pháp về năng lượng và cắt giảm khí thải CO2 ra môi trường, trong bối cảnh năng lượng sạch đang trở thành một trong những vấn đề được quan tâm nhất thế giới hiện nay. Công trình nghiên cứu này cũng đã được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 cho công trình nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý.
“Máy làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản đánh bắt xa bờ” là kết quả của đề tài nghiên cứu do Thạc sĩ Lê Văn Luân và cộng sự thực hiện. Theo đó, máy được thiết kế đơn giản, gọn nhẹ, bền, phù hợp với tàu cá Việt Nam cũn như dễ bảo dưỡng, sửa chữa... Điều đặc biệt là đá tuyết được làm ra từ chính nước biển. Và bản thân máy cũng được chế tạo dựa trên các nguyên liệu có khả năng chịu ăn mòn của nước biển.
Việc dùng đá tuyết bảo quản hải sản giúp thời gian bảo quản cá trên tàu lâu hơn nhờ nhiệt độ bảo quản thấp hơn đá nước ngọt, tốc độ làm lạnh hải sản nhanh hơn (thời gian cho ra sản phẩm đá nước biển chỉ khoảng 1-2 phút tính từ lúc khởi động hệ thống trong khi quá trình tan chảy của loại đá này lại chậm hơn nhiều so với đá nước ngọt), làm tăng chất lượng của hải sản, giảm thiểu lượng hải sản bị hư hỏng, hủy bỏ, góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn. Đây được đánh giá là sự tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản. Máy làm đá tuyết từ nước biển sẽ giúp ngành nghề thủy sản tiến xa hơn nữa: sẽ góp phần phát triển không chỉ trong ngư nghiệp Việt Nam cho những ngư dân đánh bắt xa bờ mà còn về mặt giá trị xuất khẩu.
Ngoài ra, cũng có một số sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật khác, như: Giáo sư Đàm Thanh Sơn nhận giải thưởng Dirac 2018, Ts. Nguyễn Thị Hiệp được vinh danh là Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới, Phát hiện di cốt của người tiền sử tại hang động núi lửa ở Krông nô, Đác Nông...
An Di