Đây là kết quả của nghiên cứu “Tài chính Bền vững tại khối ASEAN: Giải quyết các vấn đề về Rừng, Sinh cảnh, Khí hậu, Nguồn nước và Xã hội của ASEAN” vừa mới được công bố.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) và Trung tâm Quản trị, thể chế & các tổ chức (CGIO) thuộc khoa Kinh tế, ĐH Quốc gia Singapore; với 34 ngân hàng của 6 quốc gia ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philipines và Việt Nam.
Thiếu quản lý rủi ro khí hậu và phát triển bền vững
Trong tổng số 34 ngân hàng ASEAN được phân tích, có 21 ngân hàng thừa nhận, các hoạt động họ đang hỗ trợ tài chính có thể có những tác động tiêu cực về môi trường và xã hội.
Tuy nhiên, không có ngân hàng nào công bố việc họ quản lý các rủi ro về khí hậu và phát triển bền vững ra sao trong các hạng mục đầu tư.
Ngoài ra, mặc dù có 26 ngân hàng có đề cập tới yếu tố bền vững trong chiến lược hoặc tầm nhìn của mình, thì chỉ có 12 ngân hàng công nhận tầm quan trọng của rủi ro khí hậu tới xã hội và doanh nghiệp.
Cũng chỉ có duy nhất một ngân hàng có nhân sự giám sát cấp cao về rủi ro khí hậu.
Hiện nay việc đảm bảo năng lượng quốc gia của Việt Nam là dựa vào phát triển các dự án BOT, trong đó có các dự án nhiệt điện than BOT. Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, các dự án BOT có đến 80 - 90% là vốn vay ngân hàng. Ảnh minh hoạ: TL
Thực tế, chính phủ các quốc gia trong khu vực đã cam kết thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu theo Thoả thuận khí hậu Paris và mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu cho thấy, cam kết này của các chính phủ đã không được phản ánh đầy đủ trong thực tiễn, cũng như trong quy định hoạt động của các ngân hàng khối ASEAN.
Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng chưa xem xét đầy đủ việc quản lý các rủi ro về môi trường sẽ góp phần làm suy thoái môi trường như biến đổi khí hậu, làm gia tăng rủi ro hoạt động cho các ngân hàng và khách hàng của họ về mặt dài hạn.
GS Tommy Koh, Đại sứ đặc mệnh của Bộ Ngoại giao Singapore, Đại sứ Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc, nhận xét: “Các ngân hàng có khả năng và trách nhiệm gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, đồng thời tạo ra sự chuyển đổi phương thức tiếp cận phát triển trong khu vực.
Với tình trạng an ninh lương thực, nguồn nước và môi trường tự nhiên của ASEAN đang bị đe doạ, tôi kêu gọi ngành tài chính thực hiện những biện pháp cần thiết để giải quyết tình hình.”
Theo báo cáo, các cổ đông ngày càng mong đợi các ngân hàng công bố cách họ quản lý rủi ro khí hậu trong các danh mục đầu tư, bởi các rủi ro này tác động tới sự bền vững tài chính của ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng cần phải có hướng dẫn tài chính bền vững cụ thể và hành động khẩn cấp. Điều này nhằm ngăn chặn những khủng hoảng về môi trường và xã hội, những yếu tố có khả năng làm tê liệt sự tăng trưởng kinh tế của khu vực trong tương lai.
Ngân hàng cần mở rộng cách tiếp cận hoạt động của họ theo hướng tích hợp các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). Điều này đòi hỏi họ phải thay đổi cách quản lý rủi ro ngắn hạn, đưa yếu tố bền vững vào chiến lược và hài hoà hoạt động đầu tư của mình với Thoả thuận Khí hậu Paris và Mục tiêu Phát triển bền vững.
Cần xây dựng các hướng dẫn pháp lý về ngân hàng bền vững
Qua kết quả nghiên cứu, WWF cho rằng, các nhà quản lý ASEAN cần thực hiện các hướng dẫn pháp lý tài chính bền vững với khung thời gian cụ thể để đảm bảo ngành ngân hàng phát triển nhất quán, nhằm đạt được các mục tiêu trên.
![]() |
Tổng vốn đã huy động cho nhiệt điện than tại Việt Nam, bao gồm từ các ngân hàng trong nước, các tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng thương mại,... Nguồn: GreenID |
Trong 6 quốc gia được nghiên cứu, đã có khung quy định nhằm hỗ trợ việc tích hợp các yếu tố ESG trong quản trị doanh nghiệp và các hướng dẫn báo cáo. Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia này đều có quy định về ngân hàng bền vững. Các nhà quản lý có thể xây dựng những quy định, trong đó khuyến khích các ngân hàng tích hợp yếu tố ESG, dựa trên các quy chuẩn, mục tiêu có cơ sở khoa học và bền vững.
Ông Steve Waygood, Trưởng phòng Đầu tư Bền vững của Aviva, cho biết: “Trước khi thị trường vốn có thể thực sự phát triển bền vững, các nhà hoạch định chính sách về tài chính và thị trường vốn cần phải quan tâm nhiều hơn đến thế hệ tương lai khi đưa ra quyết sách.
Tôi khuyến khích các tổ chức tài chính của ASEAN hợp tác với các nhà quản lý và hiệp hội ngân hàng. Các nhà hoạch định chính sách và quản lý có thể hợp tác với các tổ chức xã hội để có những giải pháp, trong đó có ý kiến tham gia của các bên liên quan.”
Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á thực hiện năm 2016 cho thấy, biến đổi khí hậu có thể dẫn đến tổn thất kinh tế hàng năm tương đương với 6,7% tổng sản phẩm quốc nội của ASEAN vào năm 2100; trong khi đó mức tổn thất toàn cầu dự tính là 2.6%.
Các hoạt động sản xuất dựa vào năng lượng hoá thạch ngày càng gia tăng, sản xuất nông phẩm gây phá rừng và các dự án đập thuỷ điện không bền vững sẽ làm cho các tổn thất này trầm trọng thêm.
Lê Quỳnh