mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Nặng tình với miền ký ức

 22:54 | Thứ ba, 10/10/2017  0
Bộ ba “tản văn” của nhà thơ Võ Chân Cửu là món quà tinh thần mà tác giả gởi đến những ai thiết tha với gia tài văn chương miền Nam, chủ yếu giai đoạn đất nước phân ly từ 1954 đến 1975. 22 tản mạn (2013) mở đầu như một thăm dò rồi Theo dấu nhà thơ (2015) tiếp nối và khép lại với Vén mây (2017). Cả ba đều do NXB Hội Nhà Văn xuất bản

Với bộ ba “tản văn” này, tác giả lưu giữ một phần bức tranh lây lất nơi mây mù hoang khuất nhưng là hiện tượng độc đáo đã thuộc về lịch sử, không thể tách rời văn mạch dân tộc. Chính ông cầm lòng không được đã thốt lên: “Cách nhìn mới cho rằng trong đó sự sống vẫn dịch chuyển. Có khi nó chứa đựng cả phần hồn! Thật vậy chăng?”.

Song hành với thực tế đời sống văn nghệ, Võ Chân Cửu có lương duyên góp nhặt được từng sự việc và kết chuỗi thành những giai điệu xao động của miền ký ức thân thương ngày xưa. Lúc khoan, lúc nhặt, vừa ưu ái, vừa cởi mở, như gieo vào lòng người đọc tiếng đàn đầy ắp trữ lượng của cõi văn chương phương Nam.

Một số tác phẩm của Võ Chân Cửu

Từng gương mặt vụt hiện một phong cách riêng, mặc sức khẳng định tiếng nói của mình trong dàn giao hưởng đa thanh phức điệu. Có làn điệu man mác Ru con tình cũ của Đynh Trầm Ca. Có gương mặt Trần Đới khả ái, phiêu bồng và dị thường Tảo mộ lênh đênh giữa bụi trần mịt mù. Có rung động của chàng thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên ngong ngóng một tình yêu đã phôi pha và dằn dỗi vì lời thề ước đã khô héo: “Em bây giờ, có lẽ / Toan tính chuyện lọc lừa / Anh bây giờ, có lẽ / Xin làm người tình thua”.

Có Nguyễn Bắc Sơn ngạo nghễ đùa vui “Mai ta đụng trận ta còn sống / Về ghé Sông Mao phá phách chơi / Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm / Đốt tiền mua vội một ngày vui...”. Những nghịch âm đã bứt khỏi góc quay truyền thống. Những đảo phách đã rũ bỏ sắc màu cổ điển. Đã dứt khuôn hình rêu phong “hồn mười phương”, “cờ đỏ thắm”, “đôi giày vạn dặm”... Đã hết ngôn từ muôn xưa “bụi trường chinh”, “áo hào hoa”, “trắng nợ anh hùng”... Hồn thơ khỏe khoắn và tươi mới. Rắn rỏi và ngạo nghễ. Phóng túng và gân guốc. Phá phách đến tận cùng khát vọng sống. Ngang tàng chạm đến dư vị tang thương binh lửa. Đó là tâm thức giữa bến bờ sinh tử, cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào, mặc những tháng ngày cung kiếm điêu linh. Đó là sự thành thực trong nghệ thuật. Kẻ tài danh hơn người mới đạt đến cái cao diệu ấy.

Nhưng đâu chỉ riêng Nguyễn Bắc Sơn, ở đó thêm một Phạm Ngọc Lư như phản kháng, bi phẫn và tủi hờn trong vòng xoáy chiến cuộc: “Đây biên cương, ghê thay biên cương / Tử khí bốc lên dày như sương / Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu / Rừng núi ta ơi đến chia buồn / Buồn quá giả làm con vượn hú / Nào ngờ ta như con thú bị thương”.

Nếu như Phạm Ngọc Lư chưng cất trải nghiệm xam xám và hoang bạo nơi biên viễn ma thiêng nước độc thì Nhất Tuấn rẽ theo ngã khác, trong trẻo trong hạnh phúc đơn sơ nơi trần thế: “Lên trời hai đứa hai nơi / Thôi em chỉ muốn làm người trần gian”. Ước vọng bình an và hoan lạc. Không gợn chút ưu tư thế cuộc. Không gợn chút sầu ngán nhân tình.

Nhà thơ Võ Chân Cửu như muốn dừng lại ở niềm tin về sự tạo sinh của viên ngọc ươm màu nắng cũ sau bao sóng lớp phế hưng. Ngụ trong giọng văn lúc tâm tình, lúc tùy hứng là cái tôi hoài niệm ẩn nhẫn đuổi bắt hình bóng của bạn bè cũng là của chính mình thuở nào. Như nhắn gởi chút “Tương tri dường ấy mới là tương tri” với “những kiếp bên trời” của “những thời gian đã mất”. 

Nguyễn Duy Long

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.