Điều này có thể đo được bằng con số báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua: 6 tháng đầu năm 2023, cả nước chỉ có 14.968 cuốn sách được xuất bản, với 176.830.566 bản (giảm 28,8% cuốn và giảm 51% bản) so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này cũng có thể được cảm nhận từ thực tế thị trường từ Bắc tới Nam đang thiếu những hiện tượng truyền thông sách nổi bật, không có những cuốn tạo cú hích phát hành hay những dự án sách tạo được hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng; các giải thưởng sách dần dần đi vào lối mòn, rập khuôn, thiếu uy tín và ít tác động đến công chúng...
Nhiều công ty sách nhỏ vài năm trước hăm hở bước vào thị trường thì nay đang chống chọi bằng nhiều cách: sáp nhập vào mô hình group (nhóm), mở rộng hình thức ấn hành sách gia công dịch vụ để lấy ngắn nuôi dài, cũng có những công ty đóng cửa rời khỏi thị trường không kèn không trống.
Nếu có gì đó tạm gọi là sôi động và tạo ra những đám đông khách hàng mua sách, thì kể đến những hội sách giảm giá. Ở đó, ta thấy đa số là sách đồng giá, giảm giá sâu, bán sách theo hình thức cân ký... với mục đích xả kho để doanh nghiệp tìm cách xoay vòng vốn sản xuất.
Khách hàng thắt chặt, tiết chế mua sách, vì sách để đọc (trừ sách giáo khoa) tại Việt Nam chưa bao giờ được cộng đồng xem là hàng hóa thiết yếu.
Bạn đọc thắt chặt chi tiêu, chờ những đợt sách xả kho để mua sách với giá rẻ.
Trong khi đó, để duy trì hoạt động của cỗ máy xuất bản, trừ những nhà xuất bản hoạt động trong hệ thống cơ chế nhà nước, thì những công ty sách tư nhân đang chịu tác động trực tiếp từ nhiều thứ. Trong đó có chuỗi cung ứng và giá cả nguồn giấy, nguyên liệu cho đến chi phí sản xuất và các dịch vụ khác đang tăng lên chóng mặt. Việc uyển chuyển công thức tính giá sách sao cho vừa đảm bảo không phải bù lỗ, vừa phù hợp với túi tiền người tiêu dùng đang là vấn đề cân não với các nhà kinh doanh xuất bản. Và trong tình trạng thị trường đang khó khăn, doanh số sụt giảm, đa số các nhà xuất bản hiện nay chọn bài toán giảm số lượng in và cân nhắc nhấc lên đặt xuống các đầu sách được dự báo là bán chậm hay khó bán (cho dù có giá trị).
Sách có sức hút thị trường hiện nay (bán được trên 10.000 bản) được xem khá hiếm hoi. Nếu có, thì nhà xuất bản và doanh nghiệp lại đứng trước nguy cơ bị in lậu. Và hiện nay cũng chưa có một cơ chế xử lý xóa bỏ tình trạng này để bảo vệ doanh nghiệp, người sở hữu bản quyền và sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản. Cơ quan chức năng gần như một đằng thì hô khẩu hiệu, một đằng lại làm ngơ.
Chưa có một sáng kiến hay giải pháp nghiệp vụ cụ thể và khả dĩ giúp cho doanh nghiệp xuất bản, nhà xuất bản lướt qua giai đoạn kinh tế ảm đạm, dù cũng đã có nhiều báo cáo, khẩu hiệu được phát ra từ các hội thảo hội nghị của cơ quan quản lý lẫn hội nghề nghiệp.
Trong sự khó khăn của thị trường xuất bản, điều đáng nói là việc quản lý giấy phép xuất bản vẫn chưa thực sự cởi mở để người làm xuất bản có thể tạo nên những cuộc bứt phá về nội dung. Chính đây là sự ràng buộc khiến người kinh doanh xuất bản một mặt chịu sức ép thị trường, một mặt chịu thứ “kim cô” kìm hãm năng lực thị trường.
Việc xin-cho, thẩm định, cấp phép xuất bản phẩm vẫn còn những “khoanh vùng” mập mờ, thiếu minh bạch và khoa học dẫn đến các nghịch lý: sách vô thưởng vô phạt thì dễ ấn hành, đồng thời “chặn nhầm”, “chặn gắt” (không cần lý do hay cho phép tranh luận chuyên môn) với những tác phẩm giá trị bị gán nhãn “nhạy cảm”, có những đầu sách 10, 20 năm trước có thể được cấp phép phát hành bình thường, nay lại không thể ra được giấy phép.
Có những vùng cấm mở rộng khó lường đến mức các sách đề cập đến các vấn đề Trung Quốc, Nga, Triều Tiên hay các vấn đề hai mặt thuộc về lịch sử của khối XHCN từ hai ba thập niên trước đều có thể bị kiểm duyệt một cách máy móc. Việc tổ chức quy trình “thăm dò ý kiến” để có giấy phép xuất bản và “hậu kiểm” để có giấy phép phát hành một cuốn sách vẫn cho thấy sự khống chế nặng nề ngoài chuyên môn và phi thị trường áp đặt vào đời sống xuất bản. Giới làm xuất bản vẫn nói đùa với nhau rằng đó là sân chơi hưu trí của những cán bộ văn hóa ấu trĩ lạc hậu nhưng luôn cần “đất diễn” quyền lực...
Bạn đọc trẻ bói bài Tarot ở Đường sách TP.HCM.
Thông điệp đem sách Việt Nam ra thế giới hay thúc đẩy nền xuất bản vươn mình ra khu vực và hội nhập thị trường quốc tế được giới quản lý xuất bản Việt Nam nhắc lại trong Hội nghị thường niên của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ASEAN Book Publishers Association - ABPA) từ 14 - 16.9.2023 tại TP.HCM. Nhưng cho dù là hội nhập ở cấp độ nào, thì nội lực của ngành xuất bản trong nước vẫn cần được trang bị dồi dào về nguồn vốn thị trường và sáng tạo nội dung.
Muốn “phát triển văn hóa đọc là mũi nhọn” như PGS-TS. Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nói (Thanh Niên Online, 15.9.2023), thì ngoài các biện pháp xây dựng từ văn hóa, giáo dục, cần sự chỉnh sửa cấp thiết từ cơ chế để một môi trường xuất bản văn minh, tôn trọng quy luật thị trường, tuân thủ những nguyên tắc căn bản của nền kinh tế tri thức, từ đó có thể nói đến chuyện khuyến khích, mở đường cho sáng tạo và thích ứng, hòa đồng được với thị trường xuất bản hiện đại bên ngoài.
Bài và ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên