Đầu môi nhớ chót lưỡi
Chẳng hạn, món lưỡi vịt “sa - pô” (xá - pấu), không bổ bề ngang cũng bổ chiều dọc với những ai làm nghề nói tràng giang đại hải: dẫn chương trình, bình luận viên thể thao... Đây là món kho rim khá độc đáo, với một số gia vị Hoa: hắc xì dầu, giấm Tiều... Chính thanh âm giòn sừn sựt, cùng dư vị ngòn ngọt lẫn beo béo, thêm tí cay cay quyện chặt trong mùi dễ chịu của tinh dầu đậu nành, nước tương, quế... cứ quyến luyến nơi vòm miệng, đầu lưỡi người ăn, tạo nên những vòng xoáy cuốn hút.
Còn đầu bếp ba miền thường chế biến các món xốt me chua - ngọt sền sệt, rưới lên từng chiếc lưỡi vịt hấp hành, gừng và rượu mạnh hoặc xào với ít hành lá, hành củ, nước xốt hải sản cùng nhúm rau mùi. Nói chung, món nào cũng có vẻ quyến rũ riêng, ăn hoài không ngán. Và thử lưu ý, khi bạn chạy đi mua con vịt quay vàng rượm ở bất kỳ tiệm quen nào tại TP.HCM, cũng trống vắng cái lưỡi của nó. Được biết, giá một ký lưỡi vịt tươi thường cao gấp 10 lần giá thịt vịt nguyên liệu.
Món nóng nhưng càng ăn càng hạ nhiệt
Thị trường lưỡi tại các chợ lớn ở TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam đôi chút xáo trộn sau vụ thắng kiện vẻ vang của Philippines với Trung Quốc về yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông, hôm 12.7. Nhiều hàng quán chuyên bò ở TP.HCM không đủ lưỡi để bán. Gần chín giờ tối đó, nhóm chúng tôi ghé lại chi nhánh bò Năm Sánh, ở quận Gò Vấp, TP.HCM, gọi một lẩu bò thập cẩm, đặc biệt phải có lưỡi. Tuy nhiên, nhân viên ở đây nở nụ cười tươi, mềm dẻo đáp: “Chỗ nào cũng có, trừ lưỡi”. Tuột hứng dễ sợ!
Gặp lương y Đinh Công Bảy, tôi liền thắc mắc: có thật ăn lưỡi... dẻo miệng không? Ông Bảy cười ngất, giảng giải: theo đông y, “chót lưỡi chủ tâm, giữa lưỡi chủ tỳ, rìa lưỡi chủ can đởm, gốc lưỡi chủ thận”. Bởi vậy, các thầy thuốc nam - bắc, sau khi bắt mạch bệnh nhân còn yêu cầu họ le lưỡi ra để quan sát trước khi ra toa hốt thuốc.
Lại xoáy sâu vào chuyện ăn lưỡi bò sẽ bổ béo ra sao với thầy Bảy. Ông vẫn biện giải theo đông y: lưỡi bò có vị ngọt, tính ấm, tác dụng bổ tỳ vị, ích khí huyết, cường kiện cân cốt, sinh tân dịch, chỉ khát. Đặc biệt, nó rất có ích cho người bị suy nhược cơ thể, hư lao, gầy mòn, tỳ vị suy yếu, lưng còng gối mỏi, đau nhức, thủy thũng, tiêu khát.
Ăn chơi hay ăn no đều lạ miệng
Mặc dù vậy, những ai bị cao huyết áp, cholesterol trong máu cao, cần hạn chế ăn thịt và lưỡi bò. Cơ quan An toàn thực phẩm và giám định thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã khuyến cáo: phần họng gần cuống lưỡi bò phải được loại bỏ hoàn toàn khi sơ chế, do phần này có thể chứa chất lây nhiễm một số bệnh nguy hiểm. Những lý lẽ thuyết phục của thầy Bảy khác nào châm dầu vô lửa, để nhóm chúng tôi quyết định hâm nóng các món lưỡi bò theo gu riêng. Bằng cách, nhờ một anh bạn đầu bếp quen ở quận 11, TP.HCM, chế biến giúp theo khẩu vị miền Nam.
Chúng tôi chấp nhận ngồi đợi gần một giờ, để anh ta hoàn thành hai món: chưng cách thủy với gừng củ, hành tây... và khìa nước dừa xiêm. Phải công nhận, món nào cũng toát lên phong vị hấp dẫn riêng. Từng lát lưỡi bò mềm dẻo vừa phải và rất thơm tho. Có miếng đang sấp - ngửa trên “biển nước” trong veo thân quen (nước hầm xương bò), ngọt thanh đậm và thoang thoảng mùi gừng. Có miếng bóng mượt, ngã màu vàng nâu, nằm vắt vẻo trên “chiếc xuồng” củ hành tây trắng phau, khá ngộ nghĩnh.
Cũng chưa hiểu rõ, phải ăn thêm bao nhiêu lần chót lưỡi bò... thật, thì người mới bình tâm, trong cảnh trạng nóng bức ở mùa hè này!
Bài Tạ Tri ảnh Dạ Hành