mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Lục bát Nguyễn Duy

 10:15 | Thứ bảy, 04/03/2017  0

» Ngày Nguyễn Duy ở làng Quảng

Ít thể thơ nào được thờ như lục bát mà cũng bị rẻ rúng như lục bát. Được tôn thì rinh lên đỉnh tinh hoa của thơ Việt. Bị dìm thì quăng vào sọt nôm na mách qué.

Có độ, ngộ nhận về tính hiện đại, không ít người đã quay lưng với lục bát. Họ đinh ninh rằng đã hiện đại thì chỉ có thể là thơ tự do. Chỉ thể tự do mới đủ chân trời cho phóng túng, phá cách của tư duy thơ hiện đại, mới đủ không gian cho những chất chồng, trùng phức của thi liệu hiện đại. Còn lục bát chật chội quá, xưa quá. Nó chỉ còn như một cố nhân đã xong thời. Độ ấy, lục bát khác nào người tình bị bỏ rơi.

Nay thì xem chừng lục bát đang hồi hưng thịnh. Chưa bao giờ lục bát lại rộ lên thành trào lưu vang động như bây giờ. Người ta tổ chức bao cuộc thi lớn nhỏ chỉ dành riêng cho lục bát. Người ta mở cuộc vận động toàn dân để lục bát được công nhận là quốc thi, thậm chí, công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Người ta dựng trang web riêng cho lục bát (Lucbat.com). Lại có cả một ngày hội Lục bát vào ngày mồng 6 tháng 8 âm lịch hàng năm. Nhiều tuyển tập lục bát bề thế đã chen nhau trình làng. Và, có cả một đội quân tự nguyện hiến mình cho lục bát đã đua chân rộn rịp đăng đàn. Lục bát lại lên ngôi. Có khi đang trở nên thời thượng nữa.

Nguyễn Duy, tuyển thơ LỤC BÁT - Phương Nam & NXB Văn Hoá Văn Nghệ, 2017

Không hững hờ, không thời thượng, Nguyễn Duy là kẻ chung thân với lục bát. Chung thân như một lựa chọn và như một duyên nghiệp. Tuy thành công lớn cả ở thể tự do, nhưng phần sâu nhất trong hồn anh thì thuộc về lục bát. Sâu nhất không chỉ vì tình đầu của anh là lục bát, hay anh viết lục bát cứ dễ như không. Cũng không chỉ bởi anh đã có cả một gia tài lục bát lớn trong sự nghiệp thi ca.

Thậm chí, không chỉ vì anh chung tình với những tuyên ngôn quá đa mang về lục bát: Câu thơ sáu nổi tám chìm / gặp thời siêu lộ thông tin kẹt đường / Vương thì tội bỏ thì thương / đành lê thê nốt đoạn trường mộng du”, “Cứ bèo bọt bước thiên di / đưa chân lục bát mà đi loằng ngoằng”. Sâu nhất vì, lắm khi đang giữa mạch thơ tự do, nếu lòng anh chùng xuống, thì y như rằng âm điệu lục bát trào ra, cất lên.

Trong Xó bếp thì “Xoa xít hít hà thơm bùi cháy họng / lấm tấm đầy đầu bụi bồ hóng / lép bép lửa tàu cau / râu tôm nấu với ruột bầu / khen ngon”. Đang mải Nghe tắc kè kêu trong thành phố thì “Tôi giật mình / nghe / Có ai nói ở cành me / sắp về”. Có lẽ Nguyễn Duy thuộc ca có máu lục bát, có hồn lục bát. Nói anh chọn lục bát cũng đúng, bảo lục bát chọn anh cũng không sai.

Lục bát Nguyễn Duy không biệt lập nhưng vẫn tự lập trong nghiệp thơ Nguyễn Duy. Nếu xem nghiệp thơ anh là cánh đồng lúa, thì lục bát nổi lên những thửa nếp hương. Tuyển lục bát Nguyễn Duy lần này cả thảy 135 bài được xếp thành sáu mục (sáu mặt của cùng một con xúc xắc thơ chăng?): Dân ơi, Vua ơi, Vợ ơi, Tình tang ơi, Lục bát xa xứLục bát vườn. Đó đều là những chủ đề và đề tài căn bản làm nên mọi mùa vụ thơ anh, nhưng ở lục bát, thì chúng thực là nếp hương. Và dù viết mảng nào thì đó luôn là “Những tâm tình ở đằng sau tâm tình” cả.

Cái câu ngỡ như chơi chữ, được viết trong bài Đàn bầu từ thời binh lửa đó, lại đã nói rất thấm về hướng thơ anh. Nó xác định hướng đi vào bề sâu để nói lên những tiếng lòng vùi kín dưới đáy tâm tư mỗi con người. Tiếng lòng ấy là tiếng nói thương cảm cho phận người, phận nước, phận dân trong cái thời giặc dã và đói khát.

Vâng, tôi cho rằng ngay khi đang cất tiếng cùng dàn đồng ca thời chiến vốn cháy bỏng lòng yêu nước, thơ Nguyễn Duy đã trầm bổng những tiếng lòng thương nước. Yêu nước thường choáng ngợp với cái hùng, thương nước hay day dứt về nỗi khổ. Tiếng yêu thường trào bốc, tiếng thương thường ngậm ngùi. Tiếng lòng trầm trĩu cảm thương ấy là làn nếp hương của lục bát Nguyễn Duy.

Này là nỗi nặng lòng trước cây tre: “Bão bùng thân bọc lấy thân / tay ôm tay níu tre gần nhau thêm”, “Lưng trần phơi nắng phơi sương / có manh áo cộc tre nhường cho con”, trước cây ngô: “Cây ngô đứng nắng vẹo hông / cho con bát nước mát lòng mẹ ơi”. Này là nỗi đau lòng trước những dãi dầu mòn mỏi của đời lính chiến: “Mộng du trắng xóa mái đầu / làng quê vẫn ở đâu đâu mút mùa / nửa đời dãi nắng dầm mưa / bàn chân không nghỉ mà chưa tới nhà”, “Ngủ hầm, ngủ võng, ngủ bưng / gối đầu tay ngủ cầm chừng mỗi đêm / có người ngủ thế thành quen / đã nghe sợi tóc bạc trên tay mình”…

Rồi buốt lòng khi lụt lội thất bát: “Bà con mất bữa nhiều không / những ai bị gậy phiêu bồng chân mây / bóng ai lỏng khỏng hình cây / căm căm gió bấc thế này làm sao ?”. Đắng lòng trước phận lưu đày của ông vua yêu nước : “Ước chi tới bến sông Hương / đốt nhang mà lạy nắm xương lưu đày… tấm thân phiêu dạt quê người / linh hồn vẫn ở lại nơi quê nhà”. Và xót lòng khi uống rượu cùng vợ: “Vợ cười chưa uống đã say / Ngọt ngào thì nổi đắng cay thì chìm / Gót chân ăn vẹt bậc thềm / quanh năm tất bật đi tìm ngày xuân” vv…

Cứ như thế, thơ anh, đặc biệt trong lục bát, là mối cảm thương cho thập loại chúng sinh thì hiện tại. Ai sành thơ tất hay rằng: cảm thương là một điệu hồn sâu của lục bát. Vắng thiếu điệu hồn ấy, nhiều khi thơ lục bát chỉ còn là thơ… 6-8.

Nhưng thơ lục bát Nguyễn Duy đâu có đơn điệu. Nặng cảm thương cũng giòn bỡn ghẹo. Bỡn ghẹo vốn là một điệu thức không thể thiếu của lục bát Việt. Nó đã đem lại cho lục bát truyền thống một sinh lực khỏe khoắn trẻ trung. Thương đời khổ nhục bao nhiêu, cũng bỡn đời rởm nỡm bấy nhiêu. Thương thường thở than, bỡn hay cười cợt. Kẻ bỡn đời mà được đời chấp nhận phải là kẻ thật thương đời.

Với Duy, bỡn đời cũng là một cách thương đời. Nhiều khi bỡn chỉ là phía nhìn thấy được của đau và buồn:  “AQ túm tóc Chí Phèo / để hai bác lính nhà nghèo cùng thua”, “Nghe đồn thi sĩ làm quan / Gió mây bỗng hết muốn làm gió mây”, “Bia lon thỗn thện người lon / Ễnh ềnh ệch hõn hòn hon thùi lùi”…

Lục bát Nguyễn Duy bỡn đời đã sâu mà ghẹo tình cũng khéo. Đọc mảng Tình tang ơi, thấy Nguyễn Duy ghẹo tình tinh quái mà mặn duyên đáo để: “Tự dưng nhớ thật nhớ thà / nhớ con đường chả đi qua bao giờ… Tự dưng nhớ nước chưa mưa / thật thà lúc lắc đong đưa thật thà”, “Em đi bỏ lửng sân đình / trống chèo ngắc ngoải thùng thình gọi ai”... Mà, bỡn ghẹo đời này, thú nhất vẫn là Xẩm ngọng : “Nghêu ngao hát ngọng nghẹo chơi / Người cười nói xúc phạm người ngậm tăm / Siêng làm xúc phạm phàm ăn / Kẻ đi xúc phạm kẻ nằm dài lưng…”. Với hai sắc thái của cùng một gốc tâm tư ấy, chẳng phải lục bát Nguyễn Duy quả là tiếng đàn bầu đã lẩy lên được những tâm tình ở đằng sau tâm tình hay sao?

Có lẽ trong những cao thủ lục bát đương thời, Nguyễn Duy là tay bút có ngón nghề lục bát thuộc vào hàng thượng thừa. Điều này không còn lạ với giới thi ca. Lục bát Nguyễn Duy nhuần truyền thống cũng nhuyễn hiện đại. Nó là lục bát điệu nói thời nay.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng: Lục bát là con cưng của tiếng Việt. Làm thơ Việt vốn đã phải rành tiếng Việt. Còn làm thơ lục bát, thì tinh thông tiếng mẹ đẻ là câu chuyện sống còn. Duy đã đem vào lục bát một thứ tiếng Việt thì hiện tại tươi sống mà súc tích. Thứ tiếng Việt lấm láp bụi dân sinh của cái đời thảo dân nhọc nhằn, nhưng lại kết đọng sâu trong đó hơi thở đời, mồ hôi đời.

Nhiều khi cứ như giỡn chơi mà thâm thúy, cứ như sống sít mà dư ba: “Vinh quang thoắt tỏ thoắt mờ / người thoăn thoắt lá lơ thơ rụng dần”, “Mình câu ta giữa trần đời / không dây không lưỡi không mồi không phao”, “Ngấp nga ngấp ngoáng kêu ma / Hóa ra ta gặp bóng ta trên tường”, “Lơ ngơ hơi bị ấm đầu / Mù mờ hơi bị ngu lâu tàn đời”, “Người đâu tơ lụa xênh xang / chạm tay da thịt mọc toàn cỏ may”, "Câu thơ giữa khóc giữa cười / người đi như xác chết trôi giữa đường"…

Cứ bền lòng thế suốt cả một đời thơ, Nguyễn Duy đã góp phần làm sáng giá lục bát và lục bát cũng đã làm sáng danh Nguyễn Duy. 

Vân Sơn Garden, xuân Đinh Dậu

Chu Văn Sơn

» Ngày Nguyễn Duy ở làng Quảng

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.