Ảnh minh họa: TL
Dị ứng thức ăn là tình trạng đáp ứng của hệ miễn dịch cơ thể đối với thức ăn. Ví dụ, khi ăn trứng và sữa, một số người sẽ dung nạp bình thường, nhưng có vài người sẽ bị khó chịu và tình trạng này có tính lặp lại nhiều lần.
Có một số yếu tố nguy cơ khiến một người bị dị ứng thức ăn nhiều hơn. Yếu tố nguy cơ đầu tiên là gia đình. Nếu gia đình có cha, mẹ, anh chị em bị dị ứng thức ăn hoặc cơ địa dị ứng thì người đó sẽ có nguy cơ bị dị ứng thức ăn nhiều hơn.
Yếu tố nguy cơ thứ hai là người này có bệnh dị ứng kèm theo như hen, viêm mũi dị ứng. Yếu tố nguy cơ thứ ba là tuổi tác. Người ta nhận thấy rằng trẻ em có khả năng bị dị ứng thức ăn nhiều hơn người lớn. Có nhiều lý do để giải thích cho điều này như hệ tiêu hóa trẻ em chưa trưởng thành, hệ miễn dịch chưa đủ mạnh để chống lại kháng nguyên gây dị ứng. Đặc biệt ở những trẻ nhỏ bị chàm, viêm da cơ địa, hàng rào da bị tổn thương, trẻ sẽ có nguy cơ dị ứng thức ăn khi tiếp xúc ở da.
Dị ứng thức ăn chia thành hai nhóm biểu hiện:
Biểu hiện trong 2 - 6 tiếng sau khi ăn thức ăn dị ứng: Bệnh nhân thường có triệu chứng nổi mề đay, phù mạch ở môi và mắt, sang thương trên da hoặc rối loạn tiêu hóa, khó thở kèm theo. Một số trường hợp nặng hơn là sốc phản vệ, khi đó bệnh nhân có triệu chứng khó thở, tụt huyết áp, ngưng tim, ngưng thở, thậm chí là trụy tim mạch.
Biểu hiện trong 24 - 48 tiếng hoặc vài tuần sau khi ăn thức ăn dị ứng: Bệnh nhân sẽ có triệu chứng âm thầm, mức độ sẽ tăng dần theo thời gian. Biểu hiện thường gặp nhất là chàm, viêm da cơ địa. Nặng hơn, trẻ có thể rối loạn tiêu hóa, đi phân ra máu hoặc chất nhầy trong thời gian dài. Một số em bé có thể bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, sắt làm ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của trẻ.
TS-BS. Trịnh Hoàng Kim Tú
(Trung tâm Y Sinh học Phân tử, Đại học Y Dược TP.HCM)