mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Làm nông trong phố

 22:13 | Thứ sáu, 14/10/2022  0
Làm vườn trong phố, làm nông trong phố không phải là điều gì quá mới mẻ, nhưng ở góc độ nào đó nó phản ánh một số thái độ, tâm lý nhất định của cư dân đô thị. Trong bối cảnh xây dựng đô thị diễn ra mạnh mẽ và không gian đô thị đông đúc, ngột ngạt, thì việc này có những yếu tố tích cực nhất định và có cả những mặt tiêu cực.

Nhu cầu thực hay là mốt?

Cách đây chừng hơn chục năm, ở nhiều đô thị, nhất là những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM có một hiện tượng là nhiều người, nhiều gia đình tìm cách làm vườn, trồng cây (chủ yếu là rau) trong nhà phố.

Nhà phố hiển nhiên là rất ít, nếu không muốn nói là hầu như không có đất sân vườn. Chính vì vậy, những khoảng vườn được tận dụng chủ yếu là sân thượng, mái nhà (mái bằng); có những người còn trồng cây, trồng rau ở những khoảng đất đô thị lưu không, thậm chí là ở dải phân cách của đường/phố.

Ban đầu, người dân đô thị chủ yếu trồng rau trong hộp xốp, chậu nhựa - khá linh động trên những diện tích khả dụng ở ngôi nhà phố. Mục đích chính của những “nông dân” này là trồng rau sạch để ăn, bởi mặt hàng rau trên thị trường mất đi sự tin tưởng của người tiêu dùng do sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật độc hại, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện tượng này đã trở thành xu hướng trong đô thị. Số những gia đình tăng gia sản xuất nông nghiệp tại nhà tăng lên nhanh chóng. Mọi người nhìn nhau làm, học nhau làm, bảo nhau làm. Rõ ràng đây là một nhu cầu thực của người dân đô thị.

Trong những năm gần đây, những kiểu vườn trong phố tăng lên một cách nhanh chóng. Dạo quanh chuyên mục nhà của một số tờ báo điện tử hay trang thông tin điện tử, thấy giới thiệu rất nhiều những khu vườn trên sân thượng, trên mái ở các ngôi nhà phố.

Tính chuyên nghiệp cũng tăng lên khi người ta không còn trồng cây, trồng rau trong hộp xốp, thùng nhựa kiểu tạm bợ nữa mà cải tạo hẳn những diện tích phù hợp trong nhà phố để đổ đất làm vườn, đầu tư các hệ thống kỹ thuật hỗ trợ như giàn treo, giàn leo, hệ thống tưới tiêu…

Nhưng cũng có thể thấy sự phát triển này cũng như một thứ mốt, một thú chơi thời thượng. Nhiều người làm nhưng chưa nắm rõ được bản chất của vấn đề, không có năng lực hay đam mê thực sự, chưa lường trước được những mặt khó khăn, bất tiện của công việc này. Và đương nhiên cũng có rất nhiều người thất bại.

Sôi động thị trường

Có cầu ắt có cung. Nhu cầu làm vườn, trồng rau tại nhà là một nhu cầu thực, đang phát triển trong đô thị nên có rất nhiều cửa hàng, đơn vị cung cấp các dịch vụ liên quan.

Ở nhiều khu chợ truyền thống, không khó để tìm các cửa hàng phục vụ nhu cầu này. Các mặt hàng là những hạt giống, đất trồng, giá thể, phân bón và các phụ kiện liên quan cho công việc chăm sóc, tưới tiêu.

Các hạt rau giống ngắn ngày, quen thuộc như cải, cải cúc, rau muống, rau dền, mùng tơi… được nhiều người mua. Những loại rau có kỹ thuật trồng cao hơn như bắp cải, cà chua, su hào… hay các loại cây leo như bầu, bí, dưa, gấc… cũng được các chị em nội trợ quan tâm.

Bên cạnh rau sạch, các loại hoa cũng là mặt hàng đắt khách khi những “nông dân” đô thị không chỉ trồng rau với mục đích ăn rau sạch nữa mà muốn biến mảnh vườn trong phố của mình thành một không gian thư giãn, một “vườn thượng uyển” trên cao.

Cùng với thị trường này là dịch vụ tư vấn kỹ thuật và thi công làm vườn trên cao. Nhiều công ty xây dựng hay trồng trọt cung ứng dịch vụ này và trở thành một thị trường khá sôi động.

Việc đổ đất trồng trên sân thượng hay trên mái khác rất nhiều so trồng cây dưới mặt đất và cần có giải pháp kỹ thuật phù hợp, trong đó việc chống thấm và chống úng, thoát nước là rất quan trọng để đảm bảo có một môi trường, hạ tầng tốt để cây sinh trưởng và phát triển.

Bên cạnh đó còn có các hệ thống kỹ thuật cho cây thủy canh, cây leo giàn, hệ thống tưới tiêu tự động. Một số gia đình không những trồng cây trong đất mà còn làm bể nuôi thủy sinh (chủ yếu là cá), hay làm bể trồng các loại hoa như hoa súng, hoa sen để làm đẹp cảnh quan.

Trong thời đại công nghệ 4.0; trên các trang mạng xã hội có rất nhiều các trang chia sẻ kinh nghiệm, mua bán cây trồng, vật tư… liên quan đến việc làm nông trong phố. Và đây cũng là nơi để các gia chủ khoe thành quả của mình - tất nhiên là với những người thành công trong công việc này.

Hiệu quả

Làm nông trong phố có rất nhiều hiệu quả tích cực. Đầu tiên là có rau sạch để ăn, đó là điều quan trọng trong bối cảnh thị trường có quá nhiều vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất nhiên nếu tính về hiệu quả kinh tế thì có thể không cao, nếu tính cả công sức thì có khi đắt hơn thực phẩm mua ở chợ, nhưng đó không phải là mục tiêu của người làm nông trong phố.

Và thực tế, dù không nhiều nhưng có những gia đình trồng cây, rau có hiệu suất cao, ngoài phục vụ sinh hoạt còn bán được ra thị trường, tăng thu nhập.

Hiệu quả tiếp theo là tạo một không gian cảnh quan quý giá trong bối cảnh đô thị vốn ngột ngạt, bức bối với bê tông và thiếu cây xanh. Khu vườn trong phố là nơi thư giãn lý tưởng ngay cả khi làm nông hay nghỉ ngơi, thư giãn.

Bên cạnh đó vườn mái còn có tác dụng chống nóng hiệu quả cho tầng dưới. Việc làm vườn là việc lao động tay chân, tăng cường thể chất, giảm căng thẳng, stress trong cuộc sống và công việc văn phòng; đó cũng là nơi kết nối các thành viên trong gia đình, khi cùng làm và chia sẻ việc nhà với nhau.

Với những gia đình có trẻ em, việc làm vườn là bài học thực tế để các em có thể hiểu giá trị của lao động, và thành quả lao động. Bên cạnh trồng rau, nhiều gia đình trồng cả hoa, cây cảnh, cải tạo vườn nhà thành một không gian sinh hoạt chung gần gũi với thiên nhiên, đem lại bầu không khí trong lành và nhiều cảm xúc, thậm chí có thể tổ chức tiếp đón bạn bè hay ăn uống ở đó.

MC Quyền Linh đầu tư hẳn một vườn sinh thái trên sân thượng. Ảnh: Yan


Nhiều gia đình trồng rau không ăn hết, mà bán thì không “bõ”, đem tặng cho hàng xóm, đồng nghiệp, làm thắt chặt tình thân, là một điều đáng quý. Đối với nhiều người, nhất là những người vốn gốc ở nông thôn ra thành thị, thì việc làm nông ở phố làm thỏa mãn nhu cầu, đam mê vốn đã gắn bó, là thói quen khó bỏ.

Lại có người chưa từng làm nông, nhưng khi làm rồi mới phát hiện ra thú vui, sở thích mới của mình, rất lành mạnh mà đem lại nhiều lợi ích… Làm nông trong phố nói chung đem lại nhiều điều tích cực, cho những “nông dân phố” trân trọng giá trị của nông nghiệp, yêu cây xanh, thiên nhiên và môi trường, có thái độ tích cực trong cuộc sống.  


Và… hậu quả

Làm nông trong phố - hiệu quả, mặt tích cực thì nhiều; vậy thì có những mặt hay hậu quả tiêu cực hay không? Không nhiều nhưng không phải là không có. Điều gì cũng có hai mặt cả. Như có nhiều nhà cải tạo sân thượng, mái đổ đất trồng cây, xây bể thủy sinh nhưng không khảo sát kỹ kết cấu hiện trạng, không thực hiện đúng các quy chuẩn kỹ thuật vườn mái nên đã có hiện tượng nứt sàn, thấm dột xuống tầng dưới, sửa chữa rất tốn kém và mệt mỏi.

Có nhà thì hứng lên làm theo phong trào, được một thời gian thì chán, không thích làm nữa, lại tốn công thu dọn rất mất thời gian. Có nhà thì lúc đề xuất làm, ai cũng ủng hộ, hào hứng; nhưng khi làm rồi thì người bận, người thì không muốn nữa, để một mình “khổ chủ” vất vả cô đơn với khu vườn, quan hệ gia đình mất cả vui.

Có nhà thì như không có duyên với làm nông, hay không có kinh nghiệm, hay không học hỏi; trồng cây không tốt, còi cọc, chết… nên cũng chán rồi bỏ. Rồi nhiều trường hợp chưa lường trước được những vất vả của công việc nhà nông, bởi trồng trọt, chăn nuôi là quá trình liên tục chứ không phải thích thì làm, không thích thì nghỉ; thấy vất vả hơn việc ngồi điều hòa xem tivi nên ngại dần rồi thôi…

Những trường hợp như vậy trong thực tế không phải là ít. Khu vườn không chỉ đem đến cây xanh và trái ngọt, mà còn mang đến nhiều phiền toái khác, như lũ ong, bướm, ruồi muỗi, sâu bọ, gián, kiến, chuột…; nếu không có giải pháp phòng trừ thích hợp, hoặc không có khả năng chịu đựng thì đây cũng là lý do cũng rất dễ để bỏ dở công việc làm nông của người ở phố.

Thế nên, nếu định làm nông trong phố, thì nên cân nhắc kỹ, bởi đây không phải là việc nhỏ, không phải trong chốc lát và không phải không tốn tiền. Hãy xem xét, nhìn nhận mình xem có thực sự yêu và có thể gắn bó với công việc này hay không, có năng lực làm không? Đừng theo mốt hay phong trào làm ra rồi bỏ, và ân hận vì sự vội vã, nông nổi của mình!

 Bài: Duy Dũng - Ảnh: Tư liệu 

Nguồn Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống số 196
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.