Theo đơn tường trình, bà Thùy và mẹ ruột là Nguyễn Thị Ánh Nga gặp bà N.T.P (ngụ đường Âu Cơ, phường 9, quận Tân Bình) vay tiền với lãi suất 20%/tháng. Lần 1, ngày 4.1.2016, bà Thùy vay 50 triệu đồng. Lần 2, ngày 25.3.2016, bà Thùy vay tiếp bà P. 50 triệu đồng.
Tại thời điểm này, bà P cộng thêm 100 triệu đồng tiền lãi chậm thanh toán thành tiền gốc vào giấy ghi nợ thành 150 triệu đồng để bắt đầu tính lãi cho khoản nợ thứ hai này. Số tiền lãi hằng tháng bà Thùy đã trả cho bà P. khoảng 600 triệu đồng, trong đó 100 triệu đồng qua chuyển khoản. Khoảng 500 triệu đồng còn lại bà Thùy trả lãi trực tiếp bằng tiền mặt nhưng không có biên nhận.
Nhà bà Thùy bị tạt sơn (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết tại thời điểm hai bên ký kết hợp đồng vay thì mức lãi suất cao nhất mà các bên có thể thỏa thuận sẽ được áp dụng theo quy định tại điều 476, bộ Luật Dân sự 2005. Theo đó, mức lãi suất pháp luật cho phép các bên thỏa thuận không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Theo quyết định số 2868/QĐ - NHNN ngày 29.11.2010, lãi suất cơ bản là 9% (tương đương mức trần là 13,5%/năm). Như vậy, việc áp dụng mức lãi suất 20%/tháng, tương ứng 240%/năm, tức gấp 17,7 lần so với mức lãi suất trần quy định.Hành vi này của bà P có dấu hiệu của “tội cho vay nặng lãi” theo quy định điều 163 Bộ Luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.
Tháng 7.2017, bà Thùy mất khả năng chi trả. Ngày 15.8.2017, bà Phải dắt bà Thùy đến gặp một người đàn ông tên S. (ngụ hẻm 462, đường CMT8, phường 11, Q.3). Bà P. đứng ra bảo lãnh với ông S. cho bà Thùy vay 300 triệu đồng với lãi suất 3 triệu đồng/ngày. Cũng theo luật sư Phát, trường hợp này áp dụng điều 468 bộ Luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1.1.2017. Theo đó, mức lãi suất thỏa thuận không quá 20%/năm của khoản tiền vay. Như vậy, lãi suất mà ông S. áp dụng đối với bà Thùy là 1%/ngày, tương đương 365%/năm, gấp khoảng 18 lần so với quy định. Hành vi của ông S có dấu hiệu của “tội cho vay nặng lãi” theo điều 163 bộ Luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.
Từ việc có dấu hiệu vi phạm luật hình sự, để khởi tố vụ án, khởi tố bị can P và S với tội danh nêu trên thì cơ quan điều tra cần phải làm rõ một số vấn đề có liên quan và chứng minh đối với các hành vi này, theo ông Phát. Hình phạt cao nhất cho tội danh cho vay nặng lãi là phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 đến 5 lần số tiền thu lợi bất chính.
Ngoài "khủng bố" bằng việc tạt sơn, theo bà Thuỳ nhiều số điện thoại lạ còn nhắn tin đe doạ.
Tiếp tục với diễn tiến giao dịch tay ba. Sau khi trừ phí dịch vụ 15 triệu đồng, tiền lãi trả trước 5 ngày (tương đương 15 triệu đồng) cộng thêm tiền phí giấy tờ (?), ông S đưa cho bà P 261 triệu đồng. Bà P. bỏ tiền vào cốp xe, tiếp tục chở bà Thùy đến một quán cà phê trên đường Bàu Cát, quận Tân Bình. Tại đây, bà P. buộc bà Thùy đóng tiền lãi tháng 7.2017 là 208 triệu đồng đồng thời ép bà Thùy làm biên nhận tiền đặt cọc bán nhà. Cụ thể, bà P. đã giao cho bà Thùy số tiền 1,1 tỉ đồng là số tiền bà P đặt cọc cho bà Thùy để đảm bảo thực hiện hợp đồng hứa mua bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất căn nhà tọa lạc tại địa chỉ số 90/3 Lê Liễu, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM. Bà Thùy và bà P. ký tên vào hợp đồng này.
Năm ngày sau khi bà P. nhận được tiền lãi tháng 7 từ số tiền bà Thùy vay mượn ông S, bà P cùng chồng và một số người lạ kéo đến nhà nạn nhân, yêu cầu con nợ phải trả ngay cho ông S 300 triệu đồng với lý do ngừng bảo lãnh. Gia đình bà Thùy buộc phải đứng ra thỏa thuận với ông S, tiếp tục trả lãi 3 triệu đồng/ngày cho đến khi thanh toán hết nợ gốc. Đến 26.8.2017, bà Thùy không còn khả năng trả lãi. Anh chị của bà Thùy đứng ra hẹn bên ông S xin trả tiền gốc và tạm dừng tiền lãi. Ngày 28.8.2017, ông S ký nhận 100 triệu đồng. Ngày 5.9.2017, trả tiếp 50 triệu đồng. Ngày 29.9.2017, thanh toán nốt 150 triệu đồng tiền gốc.
Dù đã trả hết tiền gốc cho ông Sơn nhưng ngay buổi tối cùng ngày, bà Thùy nhận được tin nhắn hăm dọa từ số điện thoại được cho là của ông S. Những ngày tiếp theo, gia đình bà Thùy thường xuyên bị bà P. và những người lạ mặt đến chửi bới, đe dọa. “Nhà tôi bị tạt sơn bốn lần”, bà Thùy cho biết đã trình báo với công an phường Tân Quý. Hành vi khủng bố tinh thần liên tục khiến người phụ nữ đang mang bầu 5 tháng này thường xuyên rơi vào tình trạng hoảng loạn. Ngày 7.10.2017, nhà bà Thùy bị người lạ mặt khóa cổng khi chỉ có mẹ bà Thùy ở trong nhà.
Trước đó, ngày 15.9.2017, gia đình bà Thùy đã làm đơn tố cáo gửi đến công an quận Tân Phú. Theo luật sư Phát, trong trường hợp giải quyết tranh chấp tại tòa, mức lãi suất cao nhất bà Thùy phải trả có thể là 13,5%/năm đối với khoản vay từ bà P và 20%/năm đối với khoản vay từ ông S.
Về hợp đồng bán nhà giữa bà Thùy và bà P, luật sư Lê Trung Phát cho biết có hai tình huống xảy ra.
Thứ nhất, tại thời điểm ký kết hợp đồng, nếu căn nhà là tài sản riêng của chồng thì bà Thùy không có tư cách chủ sở hữu về tài sản để thực hiện giao dịch.
Khả năng thứ hai là nếu căn nhà là tài sản chung của hai vợ chồng, thì bà Thùy cũng chỉ được quyền ra giao dịch phần giá trị thuộc quyền sở hữu của mình. Còn phần tài sản thuộc sở hữu của chồng bà Thùy không được công nhận.
Để xác định phần giá trị này cần phải đối chất với chồng bà Thùy. Như vậy, hợp đồng bán nhà mà bà Thùy và bà P. ký kết có thể bị vô hiệu.
Hoàng Ngọc - Trọng Văn