Trong bản kiến nghị và lấy chữ ký người dân online này, nhóm trí thức đã phân tích rõ 6 lý do cần UBND TP.HCM ngưng phá bỏ Dinh Thượng Thơ để xây trụ sở hành chính; và đưa ra 3 thỉnh nguyện UBND TP.HCM.
Dinh Thượng Thơ được thiết kế với hình chữ U, mặt hướng ra đường Lý Tự Trọng, mang đậm nét kiến trúc Pháp. Công trình này đã hơn 130 năm tuổi và trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử Sài Gòn. Ảnh: Chí Hữu/Soha
Dinh Thượng Thơ đã cố tình bị bỏ quên?
Nội dung kiến nghị cho thấy, quyết định phá bỏ Dinh Thượng Thơ và xây tòa nhà nâng cấp UBND thành phố như phương án hiện nay không chỉ có vấn đề nghiêm trọng trong công tác quản lý và bảo tồn di sản, mà còn là sự yếu kém trong quy hoạch và quản lý đô thị; chưa tính đến phương diện văn hóa, lịch sử, du lịch.
Trao đổi thêm với Người Đô Thị, bà Lê Tú Cẩm, nguyên phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM, Chủ tịch Hội Di sản TP.HCM cho biết, vào khoảng năm 2002 – 2004, trong đợt điều tra nghiên cứu lại các kiến trúc cổ cần bảo tồn trên địa bàn thành phố mà bà có tham gia, tòa nhà Dinh Thượng Thơ nằm trong danh sách này.
Tuy nhiên, theo tài liệu mà chúng tôi có được, đến giai đoạn vào năm 2010 về sau này, trong số liệu kiểm kê di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố, Dinh Thượng Thơ không có mặt.
“Tôi cho rằng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM cần nhanh chóng tập hợp ý kiến các nhà khoa học để xác định giá trị lịch sử của ngôi nhà Dinh Thượng Thơ. Khi đã xác định được giá trị lịch sử của ngôi nhà 130 tuổi rồi, thẩm quyền quyết định đưa vào danh sách phải bảo tồn thuộc UBND TP.HCM. Khi ấy ngành văn hóa tiếp tục lập hồ sơ di tích.”, bà Cẩm nói với Người Đô Thị.
Cũng vậy, trước đó, ông Lê Thái Hỷ, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cũng đã cho biết với Người Đô Thị: ngay từ năm 2014, khi đang là giám đốc Sở, ông đã ký văn bản gửi UBND TP.HCM đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng, các Hội nghề nghiệp khảo sát, đánh giá, trên cơ sở đó xem xét, chấp thuận bảo tồn, và đưa việc bảo tồn khu nhà 59-61 Lý Tự Trọng (trước đây là Dinh Thượng Thơ) vào bộ tiêu chí thi kiến trúc tổng thể khu trung tâm hành chính.
Và mới đây, ngày 2.5.2018, ông Hỷ đã tiếp tục có văn bản đề nghị TP.HCM xem xét bảo tồn khu nhà này.
Dinh Thượng Thơ - tòa nhà có tuổi đời gần 130 năm tuổi. Ảnh: tư liệu
Không thể để thêm di sản bị phá bỏ
Trao đổi với Người Đô Thị, TS. Nguyễn Đức Hiệp, hiện đang làm việc tại Bộ Môi trường và Di sản tiểu bang New South Wales (Australia), thành viên nhóm soạn thảo kiến nghị cho biết, trước đây, những di tích đáng được xếp loại vào di sản văn hóa lịch sử, cần được bảo tồn của thành phố như khu công xưởng Ba Son, tòa nhà Petrolimex (trước kia là thư viện tiền thân của Viện bảo tàng lịch sử thành phố),… đã bị phá hủy. Nay lại dự kiến đến Dinh Thượng Thơ, một kiến trúc có giá trị lịch sử ngay trong trung tâm Sài Gòn, có tuổi đời lâu hơn cả tòa nhà UBND thành phố, nhà hát thành phố ngay cạnh gần đó. Đây là một sai lầm.
Theo ông Hiệp, nhiều thành phố khác trong vùng đã biết giữ lại và sửa đổi sai lầm trong chính sách phát triển đô thị trước kia, khi những kiến trúc, khu phố và cảnh quan đặc thù bị phá mất. Sự sửa đổi giữ lại các giá trị lịch sử và văn hóa đã giúp những nơi này trở thành điểm thu hút người dân và du khách; tăng an sinh và giá trị cộng đồng; phát triển bền vững.
“Dự kiến đầu tuần sau, chúng tôi sẽ gửi trực tiếp bản kiến nghị này cùng các chữ ký tới UBND thành phố. Tôi nghĩ, UBND thành phố sẽ tiếp thu mọi ý kiến, trong đó có ý kiến của chúng tôi.”, ông Hiệp nói.
Bản kiến nghị và lấy chữ ký online bảo vệ Dinh Thượng Thơ được viết bằng 3 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp.
Sau gần 24 giờ công bố, tính đến 19g20 ngày 11.5.2018, đã 2.830 người ký tên vào bản kiến nghị. Con số này vẫn tiếp tục tăng liên tục.
Bạn đọc có thể tham gia ký tên bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề bảo tồn Dinh Thượng Thơ bằng cách nhấn vào đường link https://www.change.org và điền thông tin tại "Sign in petition".
Lê Quỳnh
Theo phương án của Công ty GENSLER (đề xuất từ đầu tháng 11.2017 và được chọn), diện tích khuôn viên dự án mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND, UBND thành phố rộng hơn 18.000 m2, bốn phía là mặt tiền đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi. Ảnh: TL
Người Đô Thị đăng tải nguyên văn nội dung:
Kiến nghị bảo tồn Dinh Thượng Thơ
Chúng tôi, những người sống và sinh trưởng ở TP.HCM (Sài Gòn), người Việt trong - ngoài nước, người nước ngoài yêu thành phố này đồng kiến nghị UBND thành phố ngưng quyết định phá bỏ Dinh Thượng Thơ để xây trụ sở hành chánh vì những lý do sau đây:
1. Dưới góc nhìn quản lý & bảo tồn:
Cách quản lý di sản và Luật Di Sản đang có vấn đề nghiêm trọng: việc Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh sách di tích bảo tồn KHÔNG phải là lý do phá bỏ. Nếu vậy những công trình cổ như Nhà thờ Đức Bà, Bưu Điện… chưa là di tích cũng sẽ bị phá bỏ? Trong khi Singapore, diện tích 700km2 có 7000 công trình, 72 khu vực, tượng đài, di tích được bảo tồn so với TP.HCM diện tích 2000km2 chỉ có hơn 100 công trình và di tích.
2. Dưới góc độ quy hoạch & bảo tồn:
Giá trị của từng công trình cổ không thể riêng lẻ với toàn thể đô thị cổ thành phố: trụ sở UBND dù nguyên vẹn hình thức kiến trúc nhưng nếu gắn thêm khối công trình mới do Gensler thiết kế sẽ không phù hợp và hoàn toàn áp chế không gian cổ của UBND TP.HCM và cả khu phố Lý Tự Trong, Đồng Khởi và Pasteur. Xóa sổ di sản đồng nghĩa với phá vỡ quy hoạch, một trong các điểm mấu chốt tạo sự mất cân bằng và ảnh hưởng lớn tới quần thể.
3. Về phương diện kiến trúc:
Kiến trúc UBND và Dinh Thượng Thơ rất cá biệt trong vùng Đông Nam Á nếu bị Gensler gắn cho phương án giống tòa nhà Unilever Headquarters ở Jakarta thì mất đi giá trị lịch sử và đặc thù.
4. Về phương diện văn hóa lịch sử:
Dinh Thượng Thơ được tu sửa như tòa nhà hiện nay vào năm 1882, trước đó từ năm 1865 đã là nơi hành chánh quản lý Sài Gòn và Nam Kỳ, lưu trữ các công văn, công báo, nghị định, hồ sơ hành chánh. Tờ báo quốc ngữ đầu tiên Gia Định báo cũng được gởi từ đây đi đến tỉnh thành, làng xóm ở Lục Tỉnh. Đã hơn 130 năm, trãi qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong lịch sử, tòa nhà Dinh Thượng Thơ ở góc đường Đồng Khởi và Lý Tự Trọng vẫn còn sót lại trong khi các kiến trúc lịch sử văn hóa khác như tòa nhà hòa giải, tòa nhà Petrolimex đường Lê Duẩn, xưởng Ba Son đã biến mất.
5. Về phương diện du lịch:
Sài Gòn kẹt xe và không di sản sẽ giảm du khách, giảm sức mua sắm, ảnh hưởng lên kinh doanh của các trung tâm thương mại, gây hậu quả trực tiếp và ngay lập tức đến nguồn thu nhập thuế của thành phố.
6. Không thể là "thành phố thông minh":
Đậu xe và kẹt xe ngay trung tâm TP.HCM đang là vấn nạn chưa lối thoát, thêm 1.700 nhân viên và hội họp sẽ tốn thêm năng lượng lớn, mâu thuẫn với chủ trương "hành chánh thông minh”. Ngoài ra, tập trung nhiều cơ quan rất khó bảo đảm an ninh trong biến cố bất ngờ.
Vì những lý do trên và vì chúng tôi lo ngại di sản lịch sử và ký ức đô thị thành phố bị mai một phá hủy, chúng tôi thỉnh nguyện UBND thành phố:
1. Hủy bỏ phương án của Gensler phá hủy Dinh Thượng Thơ. Nếu phải xây dựng trung tâm hành chính thì nên đặt ở vị trí vùng đất mới khác chứ không nên phá hủy kiến trúc lịch sử trong phần lõi trung tâm.
2. Đưa Dinh Thượng Thơ và các kiến trúc lịch sử UBND, nhà hát thành phố, bưu điện và nhà thờ Đức Bà, vào diện bảo tồn.
3. Khi tái cấu trúc thành phố, cần tôn trọng và gắn kết với mạng lưới di sản tại trục đường Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, trục đường Đồng Khởi, Pasteur, nơi có bảo tàng, nhà Hát Lớn, dinh Độc Lập, UBND, Nhà Thờ Đức Bà, thư viện Tổng Hợp, công viên Chi Lăng, công viên Bách Tùng Diệp...