Suốt hơn một thế kỷ qua, nhà máy dệt Nam Định là nơi gắn liền với cuộc sống của hàng triệu người dân Thành Nam, gắn liền với hồi ức về các giai đoạn lịch sử... Ảnh: VOV
LTS: Vừa qua, chính quyền thành phố Nam Định vừa quyết định phá bỏ Nhà máy liên hợp dệt Nam Định (ngày nay có tên gọi là Vinatex) để phục vụ cho việc xây dựng một khu đô thị dệt may ngay tại vị trí này. Đây là nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương một thời; từng là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa, do Toàn quyền Đông Dương De Lanessan lập ra...
Với quyết định phá bỏ này, theo nhiều chuyên gia, nếu quy hoạch thì phải cân đối lại thành phố Nam Định cũ xem thiếu cái gì, chứ không phải đưa đi đấu giá, bán đất cho làm kinh doanh bất động sản thành những khu nhà ở, nhà chung cư.
TS. Phạm Sỹ Liêm, phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Nam Định cần tránh mắc phải sai lầm như ở Hà Nội trong các dự án khu Nhà máy Dệt 8/3, Nhà máy cơ khí Hồng Hà bị biến thành khu đô thị, nhà ở...
Quyết định phá bỏ cũng khiến nhiều người dân Nam Định không khỏi tiếc nuối, nhất là với những người, những gia đình có truyền thống gắn bó với nhà máy này, khi nhớ về quá khứ của nhà máy, từng một thời lừng lẫy cả xứ Đông Dương.
Ông Trần Đăng Tuấn -Tổng Giám đốc AVG - Truyền hình An Viên, nguyên phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, là người được sinh ra và lớn lên tại Nam Định vừa có thư ngỏ gửi chính quyền Nam Định và lãnh đạo Vinatex kiến nghị: ngoài Nhà bảo tàng Nhà Máy Dệt và các địa điểm khác có ý nghĩa lịch sử, thì giữ lại một phần các xưởng máy ở trạng thái hiện nay; như là một điểm nhấn lịch sử quý giá.
Người Đô Thị đăng lại toàn văn Thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn.
------
THƯ NGỎ
Kính gửi: - Ông Đoàn Hồng Phong, Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định
- Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND Tỉnh Nam Định
- Ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Vinatex
- Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex
Suốt hơn một thế kỷ qua, Nhà máy dệt Nam Định là nơi gắn liền với cuộc sống của hàng triệu người dân Thành Nam, gắn liền với hồi ức về các giai đoạn lịch sử, thời thuộc địa và thời độc lập, thời chiến và thời bình. Trong nhiều thế hệ, cuộc sống của đa số các gia đình người dân thành phố Nam Định gắn liền với thăng trầm của nhà máy dệt. Lịch sử Nhà máy dệt Nam Định là lịch sử thu gọn của giai cấp công nhân Việt, với tất cả những vất vả, hy sinh, bi tráng, hào hùng. Không chỉ người dân Nam Định mà người dân các vùng khác nhau của đất nước có những hồi ức, kỷ niệm và tình cảm sâu đậm với Nhà Máy Dệt và thành phố Dệt.
Vì vậy, dễ hiểu tại sao việc di dời Nhà Máy Dệt, và kèm theo đó là dỡ bỏ (theo từng giai đoạn) khu nhà máy hiện nay, quy hoạch lại để xây dựng các công trình khác, đem lại những xúc động cho rất nhiều người Việt Nam thuộc các thế hệ khác nhau, nhất là những người trực tiếp gắn bó với nhịp sống của Thành phố Dệt qua các thời kỳ.
Cùng với tháp Phổ Minh, Nhà máy dệt Nam Định là một trong hai địa danh của tỉnh Nam Định được in trên đống tiền 100 đồng và 2.000 đồng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện nay. Trong ảnh là khung cảnh nhà máy được in trên tờ 2000 đồng. Ảnh: TL
Trong quá trình phát triển đô thị, việc quy hoạch lại và chuyển đổi địa điểm cơ sở sản xuất công nghiệp là khó tránh khỏi. Sử dụng diện tích Nhà Máy Dệt cho các mục đích khác, nếu góp phần để Nam Định phát triển năng động hơn, hiện đại hơn, là điều cần làm. Mặt khác, lưu giữ lại các hiện vật về lịch sử xuyên suốt ba thế kỷ của Nhà máy dệt Nam Định, cùng với nó là ký ức về lịch sử hình thành, phát triển của thành phố Nam Định, của giai cấp công nhân, là việc vô cùng cần thiết, là nhu cầu tinh thần không chỉ của các thế hệ hôm nay, mà còn của nhiều thế hệ sau.
Tôi xin gửi tới lãnh đạo tỉnh Nam Định, lãnh đạo Vinatex (là đơn vị chủ đầu tư dự án khu đô thị dệt Nam Định) kiến nghị sau:
Ngoài Nhà bảo tàng Nhà Máy Dệt và các địa điểm khác có ý nghĩa lịch sử, khi tiếp tục di dời phần còn lại của nhà máy, xin giữ lại một phần các xưởng máy ở trạng thái hiện nay. Khu các xưởng máy này kết nối với nhà bảo tàng và các địa điểm khác sẽ thành quần thể bảo tàng về Nhà Máy Dệt Nam Định. Khi có điều kiện sẽ gia cố và phục chế, để thành nơi tham quan, tìm hiểu, học tập, làm bối cảnh cho các tác phẩm điện ảnh liên quan đến công xưởng, công nhân Việt Nam trong các thời kỳ lịch sử trước đây.
Lịch sử Nhà máy dệt Nam Định là lịch sử thu gọn của giai cấp công nhân Việt. Ảnh: TL
Tôi tin rằng: Tại địa điểm Nhà Máy Dệt cũ, dù có xây dựng khu hành chính, khu đô thị, khu thương mại hay các công trình văn hoá - xã hội khác, thì phần các xưởng máy cũ được giữ lại là điểm nhấn lịch sử quý giá, sẽ trực tiếp và gián tiếp tác động vào hoạt động kinh tế - văn hoá - xã hội, đem lại lợi ích thiết thực cho thành phố và cho nhà đầu tư. Đó không chỉ là lợi ích tinh thần, mà bao gồm cả lợi ích vật chất.
Đề xuất nói trên của cá nhân tôi xuất phát từ tình cảm của một người sinh ra, lớn lên ngay bên Nhà Máy Dệt, có nhiều thế hệ người thân là công nhân Nhà Máy Dệt. Tôi tin là tình cảm và mong muốn của tôi sẽ trùng hợp với tình cảm và ý muốn của nhiều người khác, dù là người Nam Định hay người ở các vùng miền khác. Tôi rất mong đợi lãnh đạo Nam Định và chủ đầu tư sẽ quan tâm thích đáng đến nguyện vọng này.
Trân trọng
Trần Đăng Tuấn
6.7.2016
(Mỹ Đình - Nam Từ Liêm - Hà Nội)
Tổng Công ty cổ phần Dệt May Nam Định (Vinatex) tiền thân là Nhà máy Sợi Nam Định, được thành lập năm 1889 bởi Toàn quyền Đông Dương De Lanessan.
Năm 1898, Toàn quyền Paul Doumer cho phép lập một nhà máy tơ chạy bằng hơi nước có 6 lò đặt ngay tại thành phố.
Năm 1900, một số tư bản Pháp trong Công ty bông - vải - sợi Bắc Kỳ cùng với thương nhân Trung Quốc cùng kinh doanh.
Tới năm 1954, nhà máy được Nhà nước tiếp quản và đổi tên thành Nhà máy Liên hợp dệt Nam Định, sau thành tên Vinatex.
Nhà máy này được biết đến là nhà máy lớn nhất Đông Dương. Vào năm 1924 số công nhân của nhà máy lên tới 6.000 người và lên tới gần 13.000 công nhân viên chức vào năm 1985. Vào thời điểm những năm 1985, người ta tính trung bình cứ mỗi gia đình ở thành Nam lại có một người là công nhân nhà máy này
Theo quy hoạch chung phát triển thành phố Nam Định, toàn bộ diện tích khu vực sau khi di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất ra khu công nghiệp sẽ được đầu tư xây dựng thành Khu đô thị dệt may Nam Định, thiết lập nên trung tâm hành chính mới của thành phố với khu trung tâm thương mại, dịch vụ, chung cư cao tầng tạo nên một khu đô thị “cốt lõi” hiện đại của thành phố trong tương lai. Tổng diện tích quy hoạch là 24,81ha do Công ty cổ phần phát triển đô thị dệt may Nam Định (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 412 tỷ đồng.
Cận cảnh hiện trạng Nhà máy dệt Nam Định
Nhà máy dệt Nam Định được biết đến là nhà máy lớn nhất Đông Dương. Ảnh: VOV
Theo quy hoạch chung phát triển thành phố Nam Định, toàn bộ diện tích khu vực sau khi di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất ra khu công nghiệp sẽ được đầu tư xây dựng thành Khu đô thị dệt may Nam Định. Ảnh: VOV
Vào thời điểm những năm 1985, người ta tính trung bình cứ mỗi gia đình ở thành Nam lại có một người là công nhân nhà máy này.Ảnh: VOV
Nhà máy từng là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa, do Toàn quyền Đông Dương De Lanessan lập ra...Ảnh: VOV
Một số hiện vật về lịch sử xuyên suốt ba thế kỷ của Nhà máy dệt Nam Định. Ảnh: VOV
Nam Định cần tránh mắc phải sai lầm như ở Hà Nội trong các dự án khu Nhà máy Dệt 8/3, Nhà máy cơ khí Hồng Hà bị biến thành khu đô thị, nhà ở. Ảnh: VOV
Quyết định dở bỏ Nhà máy Dệt Nam Định khiến nhiều người dân Nam Định không khỏi tiếc nuối, nhất là với những người, những gia đình có truyền thống gắn bó với Nhà máy này. Ảnh: VOV
Theo TS. Trần Đăng Tuấn, khi tiếp tục di dời phần còn lại của nhà máy, cần giữ lại một phần các xưởng máy ở trạng thái hiện nay. Ảnh: VOV
Không chỉ người dân Nam Định mà người dân các vùng khác nhau của đất nước có những hồi ức, kỷ niệm và tình cảm sâu đậm với Nhà Máy Dệt và Thành Phố Dệt.
Lưu giữ lại các hiện vật về lịch sử xuyên suốt ba thế kỷ của Nhà máy dệt Nam Định, cùng với nó là ký ức về lịch sử hình thành, phát triển của thành phố Nam Định, của giai cấp công nhân, là việc vô cùng cần thiết... Ảnh: VOV
Bảo tồn hiện trạng lịch sử của Nhà máy dệt Nam Định là nhu cầu tinh thần không chỉ của các thế hệ hôm nay, mà còn của nhiều thế hệ sau. Ảnh: VOV
B.T.V