mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Khi nào thực phẩm độc hại gây ung thư?

 15:41 | Thứ hai, 30/08/2021  0
“Có phải khi ăn thực phẩm có chứa hóa chất độc hại thì cơ thể sẽ tích trữ lại và lâu ngày gây ung thư không? Khi nào thì những chất độc hại trong thực phẩm mới nguy hiểm cho sức khỏe?” - Bích Tiền (TP.HCM)

Ảnh minh họa: TL


Nhiều người có suy nghĩ tương đối cực đoan, thực phẩm an toàn phải là thực phẩm không chứa chất độc. Đây là cách hiểu không chuẩn, nên rất dễ bị hoang mang. Lấy ví dụ, chúng ta có một chai nước lọc tinh khiết được các nhà sản xuất qua quá trình lọc, tiệt trùng rất cẩn thận nhưng khi phân tích trong đó vẫn thấy có chì, thủy ngân, asen, song đây vẫn được xem là thực phẩm an toàn. Bởi thực tế không có sản phẩm nào an toàn tuyệt đối, không chứa bất kỳ một chất độc nào, vì mỗi ngày chúng ta đều phải tiếp xúc với đất, không khí… 

Như vậy, thực phẩm an toàn là thực phẩm có chứa một số chất độc hại nhất định nhưng nồng độ hay hàm lượng thấp dưới mức cho phép của Cơ quan quản lý vấn đề an toàn thực phẩm. Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đều có cơ quan này. Dĩ nhiên, khi đời sống càng cao thì hàm lượng cho phép càng thấp và không phải quốc gia nào cũng quy định như nhau. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn sẽ nghiên cứu, tính toán các nồng độ, hàm lượng đó, nếu không ảnh hưởng đến sức khỏe thì sẽ được chấp nhận, xem đó là an toàn.

Do đó, chúng ta có thể yên tâm, thực phẩm nào đã được cơ quan nhà nước cho phép và doanh nghiệp chịu sự kiểm soát chặt chẽ thì thực phẩm của họ sẽ an toàn.

Hiện nay chúng ta hay “dọa nhau” bằng những thống kê gây ung thư. Thực tế hiện nay với sáu tỷ dân trên thế giới, tỷ lệ tử vong vì ung thư hơn so với nguyên nhân từ tai nạn giao thông. Tất cả các chất đều có khả năng gây ung thư, chứ không phải chắc chắn chất đó gây ung thư. Cơ thể chúng ta rất diệu kỳ, khi ăn vào có thể thải ra theo bốn con đường tiết niệu, mồ hôi (chất độc vào cơ thể, có thể hòa tan và thoát ra ngoài), đại tiện và phổi. Con người chúng ta liên tục đào thải, vì thế những cơ quan của cơ thể không có khả năng bị đào thải rất dễ bị bệnh.

Mặc dù chất độc có thể thải ra ngoài, nhưng một lúc nào đó cơ thể sẽ không thoát kịp, dẫn đến tích lũy và gây độc. Đây là hiện tượng gây độc nặng nề hay nhiễm độc trường diễn. Chất độc lúc này sẽ nằm trong gan, phổi, mô trong cơ thể, hay thậm chí là xương và thành bện mãn tính, khó chữa và lâu dài. Chúng ta hình dung thế này, trong nhà có một người hút thuốc lá, khi mở cửa thì khói thuốc bay ra ngoài hết, chúng ta không có cảm giác trong nhà có mùi thuốc lá. Nhưng nếu có thêm người thứ hai, thứ ba hay thứ tư… hút thuốc thì không khí không thoát kịp và gây mùi, ở đâu cũng thấy mùi thuốc.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta nên giảm đến mức thấp nhất để không bị nhiễm độc mãn tính. Nếu có thì chỉ nhiễm độc cấp tính, nghĩa là cơ thể hoạt động tốt sẽ thải ra được. Cơ thể chúng ta luôn thích ứng với điều kiện. Người có cơ thể khỏe mạnh sẽ đào thải rất nhanh, ngược lại nếu vận động kém, tiểu kém, đại tiện kém thì tích lũy chất độc rất nhanh.

Vì vậy, cơ thể khỏe mạnh là rất quan trọng với sức khỏe con người, đặc biệt là trong tình hình Covid-19 hiện nay, nếu không tập thể dục mà thay vào đó lười vận động thì khả năng đề kháng với virus cũng yếu đi và dễ bị bệnh hơn.

PGS-TS. Nguyễn Duy Thịnh

(Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.