mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Khi không gian công cộng là môi trường giáo dục

 12:15 | Thứ sáu, 11/07/2014  0

Nhóm nghiên cứu chúng tôi đã nghiên cứu các vấn đề về đô thị ở Việt Nam trong vài năm gần đây, và thấy rằng ở Việt Nam hiện nay, dân số (đặc biệt là dân số ở các thành phố) có tuổi đời khá trẻ nhưng họ không có nhiều địa điểm để vui chơi hay thực hiện các hoạt động dã ngoại. Vì vậy, chúng tôi muốn tìm hiểu xem thanh niên Việt Nam thường đi đến những địa điểm công cộng nào, họ đi đâu và làm gì khi gặp bạn bè. Chúng tôi cũng muốn tìm hiểu xem làm cách nào để những địa điểm công cộng trở nên thân thiện hơn với người trẻ. Chúng tôi thấy rằng thanh niên Việt Nam sử dụng rất nhiều thời gian ở nhà với gia đình, đến những tiệm cà phê wifi hoặc chơi game và rất thiếu những hoạt động ngoài trời. Điều đó, rõ ràng sẽ làm cho người trẻ thiếu năng động. Xem tivi hay chơi game cũng được thôi nhưng lâu dài, sẽ không tốt cho việc phát triển sức khoẻ của họ, ngoài ra, sẽ hạn chế việc giao tiếp với những người khác. Địa điểm công cộng là những không gian tốt hơn cả cho việc này. Khi gặp những người lạ ở đó, bạn sẽ học được cách hoà đồng với những con người khác nhau.

Chúng tôi lưu tâm đến không gian công cộng ở Hà Nội hơn cả vì so với những nơi khác của Việt Nam như TP.HCM, Hà Nội có nhiều điểm khác biệt về vấn đề này. TP.HCM đầu tư nhiều vào địa điểm công cộng, tạo ra rất nhiều địa điểm sinh hoạt cộng đồng cho thanh thiếu niên trong khi Hà Nội có vẻ đầu tư nhiều vào xây dựng cầu đường, ít có khoản đầu tư vào những địa điểm công cộng. Trong hai năm gần đây, Hà Nội có một số địa điểm công cộng nhưng hầu như đều ở xa trung tâm thành phố, ví dụ như ở công viên Hoà Bình, hoặc ở Yên Sở. Về cơ bản, ở những khu vực lâu đời hơn của thành phố không có địa điểm công cộng nào được xây mới trong khoảng 10 năm gần đây.

Thực tế là một số địa điểm công cộng ở Hà Nội đang trở nên nhỏ hơn và bị tư nhân hoá, như công viên Tuổi Trẻ. Trước đây, công viên này là một địa điểm công cộng nhưng giờ họ đã mở ra nhiều loại hình kinh doanh như cho thuê địa điểm làm đám cưới, công viên nước… và bạn phải trả tiền nếu muốn sử dụng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, Hà Nội là thành phố có tỉ lệ địa điểm công cộng/người ở mức thấp nhất khu vực Đông Nam Á, tỉ lệ này nhỏ hơn Bangkok rất nhiều, nó cũng nhỏ hơn Hồng Kông và Tokyo.

Lợi ích của địa điểm công cộng

Một địa điểm công cộng về cơ bản cần có nhiều cây cối, đó là một môi trường xanh, sạch. Các địa điểm công cộng còn là không gian cho mọi người gặp gỡ nhau, gặp những người hàng xóm hoặc chỉ để tập thể dục vì ở Việt Nam, mọi người không thể tập thể dục trên vỉa hè bởi nó quá chật chội và nguy hiểm. Không gian công cộng giúp bạn có thêm nhiều nơi để đi và làm những gì bạn muốn. Đó còn là nơi mà bạn có thể học hỏi về ý thức, về các phép tắc ứng xử với cộng đồng, về cách tôn trọng và không làm phiền người khác (như vứt rác bừa bãi, ồn ào...) vì sẽ có người nhắc nhở bạn bởi mọi sinh hoạt tại đây đều diễn ra giữa đám đông và giữa những người lạ mặt. 

Khi địa điểm công cộng bị chiếm hữu

Một số người nhìn ra cơ hội kinh doanh trong các khu vực công cộng, vì thế họ tạo ra những địa điểm mới nhưng là những địa điểm thuộc quyền sở hữu tư nhân. Ví dụ, ở Hà Nội có một địa điểm rất thú vị mang tên là khu Sinh thái, ở đó bạn có thể câu cá hoặc nhiều vườn hoa đẹp nằm gần dòng sông mà ở đó, bạn có thể chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp song đáng tiếc, để vào được những nơi ấy, bạn phải trả tiền.

Thiếu không gian công cộng nhưng các khu vực do tư nhân quản lý lại hiện xuất hiện tương đối nhiều; đơn giản vì nhiều người nhận ra đây là một thị trường tiềm năng, là nhu cầu rất lớn của giới trẻ. Một lý do khác nữa là thành phố không đầu tư nhiều tiền vào các công viên, bởi thực sự, chi phí cho việc duy trì các công viên khá đắt đỏ nên cách họ làm thường là chỉ sử dụng một khoản tiền nhỏ để duy trì, còn lại, hợp tác với các nhà kinh doanh tư nhân để những người này góp phần quản lý và duy trì hoạt động của công viên thông qua việc cho phép họ được kinh doanh trong một vài phần của công viên...

Không gian công cộng phải có sức sống

Tôi không chắc điều gì sẽ diễn ra nếu thành phố thiếu những địa điểm công cộng cho thanh niên, nhưng như những gì chúng ta thấy hiện nay thì một bộ phận giới trẻ thành thị sử dụng thời gian rảnh rỗi của họ làm những việc không được tốt lắm. Ngồi trong một quán cà phê wifi chơi điện tử rõ ràng là có hại cho sức khoẻ. Chúng tôi lo lắng các vấn đề về sức khoẻ: thanh niên cần phải tập thể dục, họ cần vận động. Chúng tôi cũng quan tâm đến việc trang bị kỹ năng mềm cho người trẻ thông qua các hoạt động ở những không gian công cộng. Đây là điều rất quan trọng khi mà mọi người có thể nâng cao kỹ năng giao tiếp bằng cách giao thiệp với vô vàn kiểu người tại không gian chung này. Ví dụ, bạn có thể gặp những người giàu, người nghèo, hoặc những người sống rất khác với bạn. Và sống trong một thành phố là sống chung với tất cả các kiểu người như thế, bạn nên học, nên làm quen với điều đó ngay từ khi còn rất trẻ.

Ở New York, có một số địa điểm mà mọi người thường đi bộ, dạo chơi ở đó. Những địa điểm này đều thuộc về một số công ty nhưng nó lại được sử dụng như những công viên công cộng cho mọi người. Một số địa điểm ở Hà Nội hiện đang thuộc sở hữu của tư nhân (như các khu vực trong các khu công nghiệp, trong nhà máy...) cũng có thể được tận dụng để trở thành địa điểm công cộng kiểu như vậy.

Địa điểm công cộng phải là những địa điểm an toàn. Các địa điểm này càng được sử dụng phổ biến, càng có nhiều người lui tới thì độ an toàn càng cao. Một trong những địa điểm trong dự án nghiên cứu của chúng tôi mà tôi cảm thấy thích thú là công viên Thống Nhất. Bạn có thể vào công viên miễn phí và bạn có thể vào từ nhiều cổng khác nhau. Nó khá rộng và đa dạng kiến trúc. Ở khu vực rộng rãi phía trước tượng đài được lát gạch láng bóng, đó là nơi bạn có thể nhảy múa, tập thể dục...; dưới những tán cây cao và mát, bạn có thể ngồi ngắm cảnh, tâm sự... Tôi nghĩ rằng Hà Nội cần có nhiều công viên có những cây cao, bởi ở đó mọi người có thể đến và vui chơi vào ngày nghỉ.

Đi từ phòng lạnh ra công viên

Rất nhiều thứ Chính phủ có thể làm, chẳng hạn như từ sự phát triển các khu đô thị mới. Thành phố có đủ thẩm quyền ban hành yêu cầu về tiêu chuẩn, diện tích công viên cần có cho mỗi khu đô thị. Hiện nay, điều này còn hạn chế. Ở một số khu đô thị mới như Trung Hoà - Nhân Chính, một số công viên đã biến mất. Vì vậy, điều đầu tiên mà thành phố có thể làm khi xây dựng các khu đô thị mới là đảm bảo chắc chắn rằng công viên - không gian công cộng cho cư dân - phải được xây dựng .

Điều thứ hai là thành phố đang sở hữu rất nhiều đất đai. Họ sở hữu các toà nhà và các mảnh đất. Thành phố có thể sử dụng một phần đất đai đó để xây dựng những công viên mới. Bảo vệ những công viên đang hoạt động cũng là một việc rất quan trọng, đặc biệt là những công viên nhỏ bên trong khu dân cư - những công viên đang có xu hướng bị trưng dụng làm bãi đỗ xe hoặc kinh doanh kiếm lời - như có thể thấy khá nhiều tại các khu tập thể hiện nay.

Trong các nghiên cứu mà chúng tôi đã làm, chúng tôi tìm ra rằng có rất nhiều người trẻ đã có những hoạt động mới mẻ như khiêu vũ, chơi lướt ván... và đó là những trải nghiệm mới mẻ với họ. Họ trở nên tự tin hơn, học được nhiều hơn, có được sự ủng hộ về tinh thần từ những người bạn. Có rất nhiều ví dụ về những trường hợp mà thanh thiếu niên giành được điểm số cao hơn ở trường lớp bởi cha mẹ của họ khuyến khích con trẻ những hoạt động đó.

Tôi nghĩ rằng tổ chức Đoàn của Việt Nam có những công cụ cần thiết và kinh nghiệm để tổ chức những loại hình hoạt động năng động này, vấn đề chỉ là làm cách nào tổ chức tốt hơn, tìm ra những sự kiện mà thanh niên hiện nay có hứng thú. Chỉ có vậy mới khuyến khích thanh niên, kéo họ từ “đời sống phòng lạnh” của quán cà phê hay quán game ra với sự trong lành của không gian công cộng.

Áp lực đối với các địa điểm công cộng là khá lớn đối với các thành phố hiện nay trên thế giới. Nhưng ở nhiều nước phát triển, họ đã tìm hiểu được rằng, khi bạn làm cho những người dân xung quanh khu vực công viên cho rằng công viên đó là của họ, họ sẽ  quan tâm và giữ gìn công viên đó tốt hơn. Cộng đồng dân cư sống cạnh công viên nhỏ sẽ dễ dàng giúp duy trì hoạt động của công viên, giúp thành phố chi trả ít tiền hơn cho việc duy trì này. Muốn vậy, điều trước tiên chính quyền các thành phố cần làm là cho người dân thấy những quyền lợi thực sự để họ có thể cảm nhận rằng công viên đó là của họ. Có thể họ không được sở hữu công viên, nhưng họ có thể đầu tư vào công viên, trong khoảng 10 năm. Điều quan trọng là chính quyền phải giữ uy tín với những gì đã hứa.

TS. Danielle Labbé, đại học Montréal, Canada 

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất
Lộ trình ôn thi ielts The IELTS Workshop

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.