mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Khi Hoàng Cầm và Nguyễn Duy nhìn về phụ nữ

 16:53 | Thứ hai, 21/03/2022  0
Trong chuỗi sự kiện dành cho phụ nữ trong tháng 3, vào ngày 20.3, NXB Phụ nữ Việt Nam (chi nhánh phía Nam) và gia đình Hoàng Cầm đã tổ chức buổi trò chuyện chủ đề “Người phụ nữ trong thơ Hoàng Cầm và thơ Nguyễn Duy”. Sự kiện có sự tham gia của ba nhà thơ khách mời: Nguyễn Duy, Hoàng Hưng, Tạ Anh Thư và được dẫn dắt bởi nhà thơ Lý Đợi.

Đây cũng là dịp NXB Phụ nữ giới thiệu lại với bạn đọc hai tập thơ Vợ ơi, Kính thưa liền thị của nhà thơ Nguyễn Duy và Quỹ 100 năm tưởng nhớ Hoàng Cầm phối hợp với NXB Hội Nhà Văn giới thiệu tác phẩm mới ấn hành: Hoàng Cầm về Kinh Bắc.

Một chữ “Si” và một chữ “Thương”

Cả hai nhà thơ Hoàng Cầm và Nguyễn Duy đều có nhiều tác phẩm viết về những người phụ nữ thương yêu của mình. Tuy nhiên, nếu trong Nguyễn Duy là hình ảnh những người phụ nữ ruột thịt, thân thương của ông như người bà, người mẹ, người vợ thì với Hoàng Cầm là “người  chị” mà ông “nhất quán” si mê trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình. Để khái quát về phong cách viết của hai ông Hoàng Cầm và Nguyễn Duy, đứng ở góc độ nhà nghiên cứu, Tạ Anh Thư cho rằng nếu đọc thơ Hoàng Cầm chị thấy hiện rõ một chữ Si, một sự say đắm rõ ràng của giới tính thì ở Nguyễn Duy khi viết về vợ hay mẹ và bà, cả những người phụ nữ trong dân gian… đều mang một chữ Thương khá lớn, đôi khi lồng cả chữ Ơn ở đó.

Các khách mời tại buổi trò chuyện chủ đề “Người phụ nữ trong thơ Hoàng Cầm và thơ Nguyễn Duy”. Ảnh: NXB Phụ Nữ Việt Nam.


Thi sĩ Hoàng Cầm thường dùng thể thơ tự do, cụ thể là tập Về Kinh Bắc, để viết những câu chuyện ái tình. Về thi pháp của tập Về Kinh Bắc (được viết vào khoảng 11.1960) so với thời Hoàng Cầm sáng tác bài thơ Bên kia sông Đuống (in lần đầu vào năm 1948 trên báo Cứu Quốc), theo nhận định của nhà thơ Hoàng Hưng đây là giai đoạn Hoàng Cầm mang tâm trạng bị cô lập nên viết trôi dạt về quá khứ, về hoài niệm tuổi thơ, về quê hương Kinh Bắc thuở xa xưa. Do đó, thi pháp cũng có bước chuyển biến lớn, không còn tả thực như Bên kia sông Đuống mà giữa mộng và thực, và có gì như huyền thoại nên mang chất ma mị cao.  

Còn nhà thơ Nguyễn Duy thì thường xuyên dùng thể lục bát khi nói về phụ nữ. Ông tâm sự rằng lục bát là thể thơ thân thuộc, thể thơ của lòng ông và nó phù hợp  để viết về những người phụ nữ có thật trong cuộc đời ông mình. Ông cũng đã thử qua những thể thơ khác và thấy không thành công nên đã trở lại với thể thơ quen thuộc của mình. Nguyễn Duy còn nói thêm, ông luôn thể hiện bằng lối viết đơn sơ, dùng chữ nghĩa mộc mạc nhất cho các sáng tác của mình.

Trả lời cho câu hỏi của MC về thơ Hoàng Cầm qua cái nhìn của một người đọc đặc biệt, nhà thơ Nguyễn Duy có một so sánh rất hay. Ông tiếp cận thơ Hoàng Cầm từ hồi học đại học qua các bản chép tay và chúng gợi cho ông nhiều tưởng tượng. Đến khi làm thơ, Nguyễn Duy thấy rằng: “Thơ Hoàng Cầm gợi ra những điều gì đó rất mơ hồ và thơ mộng còn thơ tôi thì chỉ tả thực. Hai cảm thức hoàn toàn khác nhau. Bác Hoàng Cầm là người thổi những cái ở dưới đất lên trên trời, còn tôi thì kéo những gì từ trên trời rơi xuống đất”.

Nhà thơ Hoàng Hưng giới thiệu về tập thơ Hoàng Cầm Về Kinh Bắc mới phát hành. Ảnh: NXB Phụ Nữ Việt Nam.


Nhà thơ Hoàng Hưng cũng không quên nhấn mạnh, điều đặc sắc của Hoàng Cầm là khi ông viết về người con gái Kinh Bắc, ông đã đưa hình ảnh ấy trở thành tiêu biểu với sức sống mãnh liệt gắn với văn hóa phồn thực trong dân gian. Có thể thấy điều này qua các bài Tắm đêm, Theo đuổi hay các câu Ngủ lại giấc mơ dang dở/Chũm cau căng nứt mạch tầm/Yếm may ba ngày mẹ vá lại/Súng lệnh gươm đao rậm rịch/Thua lá màn lay muỗi ngủ mê (bài Đêm mộc) trong tập Về Kinh Bắc. Dục tính được viết một cách mạnh mẽ và đẹp đẽ trong thơ Hoàng Cầm vẫn là một khía cạnh độc đáo để những người nghiên cứu thơ ông tiếp tục khai thác.

Tuy chỉ gói gọn trong thời lượng ngắn ngủi của một buổi trò chuyện nhưng độc giả hoàn toàn cảm nhận được khá rõ ràng hình ảnh người phụ nữ trong thơ Hoàng Cầm và Nguyễn Duy, trên hết là tấm lòng trìu mến của hai ông khi nói về phụ nữ. Với Hoàng Cầm là toát lên vẻ đẹp kiêu hãnh về hình thể, về sức sống có thể đánh động những thứ xung quanh, với Nguyễn Duy là nét tảo tần thầm lặng của người phụ nữ. Các hình ảnh ấy hiện lên trong thơ hai ông rất khác nhau nhưng đều rất đẹp.

Những giai thoại và kỷ niệm thú vị

Ngoài văn chương, Hoàng Hưng đã tiết lộ một vài thông tin giá trị về người bạn vong niên của mình, trong đó có những chi tiết trở thành giai thoại và nhà thơ Nguyễn Duy thì tiết lộ về chính ông.  

Nhà thơ Hoàng Hưng – một người bạn vong niên có nhiều kỷ niệm với Hoàng Cầm – hóm hỉnh, nói: “Hoàng Cầm là một thi sĩ si tình từ bé cho đến già. Ông bị tiếng sét ái tình liên tục”. Nhân tiện, ông kể về một giai thoại ít người biết về  mối tình kỳ lạ và bi thảm nhất của ông Hoàng Cầm với một cô gái Sài Gòn. Khoảng năm 1993 hay 1994, trong  một hôm ông đến quán hát của một cô đầu, có một cô gái ở Sài Gòn – bạn của bà chủ quán - ra xin ở với Hoàng Cầm vài đêm. Ông đồng ý. Ít hôm sau, cô nói với nhà thơ rằng mình cần một số tiền khá lớn, Hoàng Cầm đã ứng 6 tháng lương ở nhà xuất bản mà ông đang công tác đưa cho cô, từ đó không thấy trở về. Vài ngày sau đó, báo chí loan tin có một cô gái không tung tích uống thuốc độc tử tự ở phòng trọ của mình. Cô gái của Hoàng Cầm cũng mất tích hoàn toàn từ đó.

Nhà thơ Nguyễn Duy ký tặng bạn đọc. Ảnh: NXB Phụ Nữ Việt Nam.


Nhà thơ Nguyễn Duy kể tiếp một giai thoại khác rất cảm động liên quan đến thi sĩ si tình bậc nhất này. Khoảng năm 1988, Nguyễn Duy nằm trong ban tổ chức một đêm thơ của Hoàng Cầm tại số 6 Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM). Giữa chừng cuộc thơ, có một người phụ nữ đứng tuổi mặc áo dài đến tìm ban tổ chức, nói rằng mình tên Nghĩa – là người được nhắc đến trong bài thơ Lá diêu bông. Bà đi cùng con cháu đến tặng hoa cho thi sĩ Hoàng Cầm, điều ấy làm cho một người vốn hoạt ngôn như tác giả bài Lá diêu bông xúc động chỉ nói được hai từ: “Chào chị”. Tặng hoa xong, bà chào mọi người và đi ra khỏi hội trường. Tình huống ấy cũng đầy mờ ảo và hư vô như những người con gái khác đã đi qua đời Hoàng Cầm.

Ở một tâm sự khác, Nguyễn Duy kể rằng mẹ ông mất sớm nên ông lớn lên cùng bà ngoại, những sáng tác về mẹ, chẳng hạn như Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, ông đã mang hình ảnh người bà lấp vào khoảng trống của mẹ. Bà ông tuy là một người không biết chữ nhưng chính là “bộ bách khoa toàn thư” về văn học dân gian như ca dao, tục ngữ và truyện cổ tích…”, và ông được “ngâm tẩm” trong dòng chảy văn hóa ấy từ bé.

Ba tác phẩm: Hoàng Cầm Về Kinh Bắc (gồm tập thơ Về Kinh Bắc và các thủ bút của tác giả Hoàng Cầm, các bài nghiên cứu, hình ảnh tư liệu của gia đình và các nhà nghiên cứu), Vợ Ơi Kính thưa liền thị của Nguyễn Duy được giới thiệu trong buổi nói chuyện. Ảnh: NXB Phụ Nữ Việt Nam.


Giải thích vì sao mình viết về vợ một cách thủy chung, bền bỉ và sâu sắc như thế, Nguyễn Duy nói rằng ông mang hai cái ơn từ người bạn đời của mình, đó là ơn về vật chất và ơn về tinh thần. Vợ ông là người đã gánh vác mọi chuyện trong gia đình để ông tự do sáng tác. Bà cũng là người “ban cho tôi một đặc ân mà ít người vợ nào làm được” – theo lời Nguyễn Duy – “Vợ tôi nói ông muốn yêu ai thì yêu với các điều kiện không được bỏ vợ con, không được giao du với người xấu và phải đưa về nhà giới thiệu”.

Từ những giai thoại này, độc giả có thể dùng chúng để làm những “chìa khóa” khi tiếp cận thơ Hoàng Cầm và Nguyễn Duy vì chúng có ảnh thưởng đến tư tưởng và phong cách sáng tác của hai nhà thơ quan trọng trong thi ca Việt Nam.

Lâm Hạnh (ghi)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.