Hoạt động khai thác chế biến titan đã khiến cho người dân ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận gần chục năm nay phải chấp nhận sống chung với nguồn nước đã bị nhiễm mặn và phèn, đặc biệt là nguy cơ ô nhiễm phóng xạ. Ảnh: Lê Quỳnh
Vừa qua, Người Đô Thị đã thông tin những nguy cơ, cảnh báo, sai phạm và tiêu cực trong hoạt động khai thác, chế biến titan tại Bình Thuận. Địa phương này được quy hoạch là một “thủ phủ” khai thác chế biến titan của cả nước, bên cạnh dự kiến sẽ là một trung tâm nhiệt điện than lớn nhất nước khi 5 nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân đi vào hoạt động.
Từ thực tế trên, và đứng từ góc nhìn từ phía các doanh nghiệp, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xoay quanh những bất cập trong chính sách đối với hoạt động khai thác chế biến titan nói riêng và công nghiệp khoáng sản nói chung hiện nay ở Việt Nam.
Qua thực trạng khai thác titan Bình Thuận hiện nay: gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội, kém hiệu quả về kinh tế, thất thu thuế, hàng loạt vi phạm về cấp phép, đất đai,... Đây có phải là tình trạng chung trong lĩnh vực khoáng sản trên cả nước?
![]() |
Ông Đậu Anh Tuấn. Ảnh: TL |
Tôi cũng nhận được một số thông tin phản ánh về tình trạng khai thác titan tại Bình Thuận. Chúng tôi chưa có dịp kiểm chứng các thông tin này, tuy nhiên vấn đề khai thác khoáng sản titan ven biển cách đây vài năm cũng được phản ánh gây ra nhiều hệ luỵ xã hội.
Đặc điểm của titan là thường nằm ở ven biển, việc khai thác ảnh hưởng rất lớn đến địa mạo và nguồn nước. Do đó, nhiều trường hợp khai thác titan làm mất diện tích rừng phòng hộ chắn gió, ảnh hưởng đến du lịch, hoặc nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Thời điểm giá titan cao, hiện tượng khai thác trái phép còn làm nảy sinh những vấn đề tranh giành nhau, gây mất an ninh trật tự và nhiều vấn đề xã hội khác.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng biết một số doanh nghiệp khai thác titan bài bản, có thăm dò, nghiên cứu đánh giá trước khi khai thác. Hoạt động khai thác của họ được tính toán kỹ về việc sử dụng nhân lực, nguồn nước, đất đai, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Sau khi khai thác cũng thực hiện trồng cây, hoàn thổ.
Không chỉ trong ngành titan, theo chúng tôi được biết, ở nhiều lĩnh vực khai thác khoáng sản khác cũng có những hệ luỵ xấu, nhưng cũng không ít doanh nghiệp làm nghiêm túc.
Qua đó có thể thấy, ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng cộng đồng người dân dịa phương của các doanh nghiệp là một yếu tố rất quan trọng.
Nhưng nhìn rộng hơn, việc Nhà nước thiếu vắng các cơ chế, thiết chế giám sát hiệu quả để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp mới là điều đáng bàn. Thậm chí ở nhiều nơi như báo chí phản ánh có tình trạng chính quyền cố tình làm ngơ cho sai phạm.
Để hạn chế điều này, đòi hỏi sự minh bạch trong việc ban hành và sự công bằng trong việc thực thi các chính sách khoáng sản từ phía các cơ quan Nhà nước.
Bên cạnh đó thì tính ổn định và dự báo của chính sách trong phát triển công nghiệp khoảng sản/titan rất kém, trong khi đầu tư phát triển trong lĩnh vực này thường đòi hỏi dài hơi, thưa ông?
Đây có lẽ là một trong những điểm nghẽn lớn nhất đối với nền công nghiệp của Việt Nam nói chung, và đặc biệt là lĩnh vực khoáng sản nói riêng. Sự thay đổi quá nhanh của các chính sách, đặc biệt là chính sách thuế, các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp.
Suối Tiên, một điểm du lịch độc đáo và là nguồn nước quan trọng ở Bình Thuận. Suối Tiên được hình thành do nước ngầm từ các thành tạo cát đỏ, cát trắng chảy ra. Hoạt động khai thác titan tại khu vực này sẽ có nguy cơ khiến các tầng cát xung quanh bị phá mất, làm mất nơi hình thành và lưu giữ nước, dẫn đến mất nước trong các dòng suối, mất cảnh quan thiên nhiên kỹ vĩ này. Ảnh: Lê Quỳnh
Có doanh nghiệp phản ánh với chúng tôi, tổng các khoản nộp ngân sách của họ tăng liên tục, gấp nhiều lần chỉ trong một thời gian ngắn. Ví dụ như việc áp dụng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thay đổi thuế suất thuế tài nguyên, hoặc thay đổi cách xác định giá tính thuế, tăng phí bảo vệ môi trường đối với khai khoáng, rồi cả tiền thuê đất.
Khi bắt đầu xin cấp phép, mở mỏ, doanh nghiệp đã phải tính toán về tài chính, nhưng việc thay đổi chính sách thuế nhanh như vậy khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, sự thiếu ổn định của chính sách đôi khi còn gây ra sự lãng phí tài nguyên và hạn chế việc đầu tư chế biến khoáng sản.
Ví dụ, nếu doanh nghiệp đã đi vào khai thác mà bỗng dưng thuế tăng thì có thể dẫn đến việc doanh nghiệp chỉ chọn những chỗ quặng giàu để khai thác và bỏ lại những đoạn quặng nghèo hơn, sau đó đóng cửa mỏ. Lượng quặng bị bỏ lại này sẽ mãi mãi không bao giờ được khai thác.
Hoặc như việc đầu tư một nhà máy chế biến khoáng sản đòi hỏi phải có nguồn nguyên liệu ổn định. Nếu chính sách thay đổi khiến nguồn cung khoáng sản thay đổi liên tục. Điều này sẽ cản trở các nhà đầu tư bỏ tiền vào chế biến khoáng sản.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bóp méo chính sách để có lợi cho doanh nghiệp? Tình trạng này là có thật?
Rất khó để trả lời câu hỏi này. Qua doanh nghiệp phản ánh, có thể thấy một số dấu hiệu của việc thay đổi chính sách nhằm có lợi cho một vài doanh nghiệp cụ thể thay vì cả cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Tuy nhiên, chúng tôi không đủ thông tin để kết luận lý do của việc thay đổi chính sách đó là vì doanh nghiệp hay vì lý do nào khác.
Ví dụ, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy các quy hoạch khoáng sản thường xuyên được điều chỉnh bổ sung thêm một vài mỏ mới vào quy hoạch. Đương nhiên, khi đơn vị điều tra địa chất phát hiện mỏ khoáng sản, họ sẽ gửi hồ sơ đưa vào quy hoạch để các doanh nghiệp có thể nộp đơn xin phép. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ, các mỏ được bổ sung vào quy hoạch sau đó được cấp phép rất nhanh và không qua đấu giá.
Hoặc như vấn đề thuế phí. Theo quy định hiện nay, các cơ quan trung ương ban hành thuế suất thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, và phí bảo vệ môi trường cho từng loại khoáng sản. Đối với loại khoáng sản nào có nhiều doanh nghiệp khai thác thì không rõ, nhưng một số loại khoáng sản mà ở Việt Nam chỉ có một vài doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đó rõ ràng có động lực để vận động hạ mức thuế đối với loại khoáng sản của mình.
Còn giá tính thuế hiện nay lại do từng UBND các tỉnh ban hành. Do đó, chuyện điều chỉnh giá tính thuế sao cho có lợi cho một số doanh nghiệp là hoàn toàn có thể xảy ra.
Khu khai thác của công ty Đức Cảnh tại Bình Thuận. Ảnh: Lê Quỳnh
Vậy vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp khai khoáng hiện nay là gì?
Thị trường đang trong giai đoạn phục hồi, mặc dù vẫn còn chậm, nhưng đang có xu hướng tốt lên, do đó, nhu cầu khai thác khoáng sản có lẽ sẽ tăng trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, năm 2016 là năm suy giảm của lĩnh vực khoáng sản tại Việt Nam. Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất vẫn là sự ổn định của chính sách. Đương nhiên, việc có phát triển công nghiệp khai khoáng không, có cấp phép các mỏ khoáng sản không là quyền của Nhà nước.
Tuy nhiên, theo tôi cần thống nhất nguyên tắc hạn chế sự thay đổi chính sách áp dụng cho các mỏ khoáng sản đã cấp phép. Các chính sách mới có thể được áp dụng cho các mỏ chưa cấp phép, lúc đó doanh nghiệp có thể tính toán kỹ hơn trước khi quyết định xin phép, đầu tư.
Còn đối với những mỏ chưa cấp phép, có thể cho phép thay đổi chính sách liên quan đến an toàn, hay môi trường. Còn các chính sách về tài chính thì rất cần sự ổn định.
Tuy nhiên với tình trạng đa số các dự án trong khai khoáng hiện nay gây thất thoát tài nguyên, kém hiệu quả về kinh tế, công nghệ lạc hậu,... liệu việc đóng mỏ có cần thiết, hay cần một hoạch định lại cho toàn ngành? Cần bắt đầu từ đâu và như thế nào? Còn về lâu dài?
Như trên đã nói, tôi không cho rằng việc đóng cửa hoặc đưa ra những chính sách khiến doanh nghiệp phải đóng cửa những mỏ khoáng sản đang khai thác là điều nên làm. Đóng cửa mỏ có thể không khó, nhưng đến lúc cần mở lại mỏ đó thì đòi hỏi chi phí rất lớn. Việc đó không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn làm lãng phí tài nguyên của quốc gia.
Cách tốt hơn là Nhà nước nên kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp phép mới những mỏ khoáng sản, đặc biệt là nhiều mỏ ở cấp địa phương.
Việc rà soát và cân nhắc lại các chính sách trong ngành này là cần thiết, đặc biệt là các chính sách về tài chính.
Cám ơn ông!
Lê Quỳnh thực hiện