Huế nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa
Đây là danh hiệu dành cho những chính sách và sáng kiến mà thành phố và người dân Huế đang thực hiện để trở thành thành phố đi đầu của cả nước trong phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Chương trình Thành phố Xanh Quốc tế (EHCC) là một sáng kiến của WWF nhằm kêu gọi các thành phố trên khắp thế giới hãy hành động và hướng tới một hành tinh tương lai thân thiện với môi trường đồng thời xây dựng và thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hình ảnh đẹp của chùa Thiên Mụ nhìn từ sông Hương. Ảnh: Designs
Các thành phố dự thi phải có Báo cáo phát thải carbon, kèm theo ít nhất một cam kết và một kế hoạch hành động phát triển bền vững về các lĩnh vực môi trường, xây dựng, giao thông, năng lượng, lương thực và nguồn nước. Căn cứ vào đó, ban giáo khảo sẽ chọn ra các “Thành phố Xanh Quốc gia” đại diện cho nước mình (mỗi nước một thành phố) để vào vòng chung kết. Quán quân cuộc thi sẽ được tôn vinh là “Thành phố Xanh Toàn cầu”.
Ngay trong lần tham gia đầu tiên, thành phố Huế của VN đã vượt qua các tiêu chí khắt khe của chương trình để lọt vào danh sách các thành phố Xanh trên thế giới với cam kết đến năm 2020, thành phố sẽ giảm 20% mức phát thải khí nhà kính so với mức phát thải của năm 2011.
Lăng vua Tự Đức nhìn từ trên cao. Ảnh: Zing
Kèm với cam kết này là 7 kế hoạch hành động cụ thể, trong đó chú trọng vào xanh hoá đô thị, phát triển du lịch xanh, xử lý nước và rác thải hiệu quả, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo và nguyên liệu xây dựng thân thiện môi trường.
Năm nay có 125 thành phố từ 21 quốc gia trên thế giới dự thi Thành phố Xanh Quốc tế, trong đó Việt Nam lần đầu tiên tham gia với đại diện là thành phố Huế.
Huế là 1 trong 18 thành phố đạt danh hiệu Thành phố xanh.
Paris, kinh đô Ánh sáng, đã trở thành Quán quân của cuộc thi với một tầm nhìn đầy tham vọng và những thành công trong việc thu hút mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự và các thành phố khác trong hành trình tiến tới phát triển bền vững của mình.
Ban đánh giá gồm 17 chuyên gia độc lập trên thế giới thực hiện.
Các thành phố Xanh Quốc gia 2016 khác bao gồm: Belo Horizonte (Brazil); Boulder (Mỹ); Chiangrai (Thái Lan); Edmonton (Canada); Jakarta(Indonesia); Lappeenranta (Phần Lan) Montería (Colombia); Murcia (Tây Ban Nha); Petaling Jaya (Malaysia); Quito (Ecuador); Rajkot (Ấn Độ); Santa Rosa (Philippines); Thâm Quyến (Trung Quốc); Thành phố Singapore (Singapore); Tshwane (Nam Phi) và Umeå (Thuỵ Điển).
L.Quỳnh