mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Hồi sinh di sản văn minh Đông Sơn: tạo động lực phát triển

 15:23 | Thứ bảy, 11/08/2018  0
"Bảo tồn, hồi sinh di sản văn minh Đông Sơn" là chủ đề của hai cuộc tọa đàm: “Xác định các giá trị nổi bật toàn cầu của nền văn minh Đông Sơn” và “Di chỉ khảo cổ học và hệ thống công viên khảo cổ học, công viên văn hóa di sản tại khu vực Hàm Rồng – Núi Đọ” diễn ra tại Hà Nội ngày 10.8.

Tọa đàm do Viện nghiên cứu Định cư và Viện Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia các ngành khoa học, như: PGS-TS. Bùi Văn Liêm (Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học), PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử (Hội Khảo cổ học Việt Nam), GS-TS.  Lâm Thị Mỹ Dung (Trưởng môn Khảo cổ học đại học Quốc gia Hà Nội), PGS-TS. Đỗ Lai Thúy (chuyên gia văn hóa học), PGS-TS. Nguyễn Hồng Thục (Viện nghiên cứu Định cư)....

Toàn cảnh tọa đàm.

Thanh Hóa không chỉ là tỉnh chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Trung của Việt Nam về mặt địa giới hành chính, mà Thanh Hóa còn là miền đất tối cổ, một trong những cái nôi của các nền văn hóa Đông Nam Á, nơi có mật độ và giá trị dày đặc các trầm tích lịch sử với nền văn minh Đông Sơn cách đây hơn 3000 năm.

Theo PGS- TS. Bùi Văn Liêm: “Bảo tồn tính nguyên vẹn của khu di sản là bảo vệ chính cuộc sống của thế hệ hôm nay và mai sau”. Từ hướng nhìn này  ông cho rằng  những giá trị di sản mang lại không chỉ là yếu tố lịch sử, văn hóa… mà cả kinh tế.

TS. Nguyễn Việt nhận định: “Đông Sơn là đỉnh cao của Đông Nam Á và đồ đồng Đông Sơn là đồ đồng đỉnh cao”. Cũng theo ông Việt, nên lấy núi Đọ là gốc của Đong Sơn.

Các di sản thuộc Hàm Rồng – núi Đọ là nội dung được nhấn mạnh trong tổng thể nội dung nền văn minh Đông Sơn được đưa ra bàn thảo tại tọa đàm. Trình bày tại tọa đàm, ThS- KTS. Nguyễn Xuân Anh khẳng định: “Khu vực Hàm Rồng – Núi Đọ là điểm chuyển khúc quan trọng trong chuỗi thắng cảnh sông Chu – Mã và là điểm tựa tâm linh của thành phố Thanh Hóa…. Những di sản ở Thanh Hóa cho thấy tính liên tục, tính đại diện và tính duy nhất”. 

Cũng theo ông Xuân Anh: “Hồi sinh di sản là con đường duy nhất khiến tiềm năng phát triển một cách bền vững cho địa bàn và cho Thanh Hóa nói chung”.

Núi Đọ nhìn từ xa. Ảnh: TL

Ý kiến của PGS-TS. Nguyễn Khắc Sử, thì xây dựng một hệ thống công viên khảo cổ hoàn toàn là khái niệm mới. Trong UNESCO chưa có một khái niệm nào về công viên khảo cổ cũng như khái niệm công viên văn hóa…, tuy nhiên ông Sử đồng tình với  quan điểm “Phải đánh thức các giá trị của di sản văn hóa thì mới bảo tồn được”.  

GS-TS. Lâm Thị Mỹ Dung đặc biệt chú ý đến các giải pháp hồi sinh di sản thông qua những hoạt động dịch vụ kinh tế…

Một trong những ý kiến kết luận tại chương trình tọa đàm của PGS-TS. Nguyễn Hồng Thục, đã khẳng định: “Việc hồi sinh giá trị các di sản trong nền kinh tế là một động lực phát triển cho tỉnhThanh Hóa.”

Các ý kiến trao đổi xung quanh nội dung trên sẽ được tiếp tục trong ba chương trình tọa đàm tiếp theo, dự kiến diễn ra vào ngày 12 và 13.8 tại Hà Nội. Nội dung quan trọng từ các phiên tọa đàm này, sẽ được Người Đô Thị online lược thuật.

Một số hình ảnh khảo cổ nền văn minh Đông Sơn

Tin, ảnh: Lệ Quyên 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.