Như Người Đô Thị đã thông tin, mặc dù chính quyền Hà Nội khẳng định thành phố chưa có kế hoạch cụ thể đối với Cung Thiếu nhi cũ sau khi đã động thổ dự án xây dựng Cung Thiếu nhi mới, thì dư luận vẫn bất an cho số phận khu đất ở vị trí đắc địa hơn 8.100m2 của Cung Thiếu nhi Hà Nội hiện hữu. Nhất là, khi mới đây một nguồn tin từ chuyên gia phản ánh đến Người Đô Thị cho biết có một tập đoàn đang muốn đầu tư vào khu đất hơn 8.100m2 đó.
Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội có giá trị văn hóa phi vật thể, là dấu ấn của một giai đoạn lịch sử phát triển thủ đô. Ảnh: Kiến Thức
Trong văn bản kiến nghị số 38/HKTSVN mới đây do TS-KTS. Phan Đăng Sơn (Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam) ký gửi đồng thời Thành ủy, HĐND và UBND Hà Nội, Hội kiến trúc sư Việt Nam cho biết:
Vừa qua, thành phố Hà Nội đã khởi công xây dựng công trình Cung Thiếu nhi mới tại Khu công viên hồ điều hòa CV1 (khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm), trên khu đất gần 40.000 m2, diện tích xây dựng hơn 10.000 m2, mật độ gần 26%. Thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2024, với tổng mức đầu tư 1.376 tỷ đồng.
Đây là công trình văn hóa hiện đại, đáp ứng nhu cầu hoạt động của thiếu nhi thủ đô hiện nay và những năm tới, thể hiện sự quan tâm của Thành ủy, chính quyền và nhân dân thành phố đối với thế hệ tương lai của thủ đô, trong khi Hà Nội đang rất thiếu các thiết chế văn hóa công cộng phục vụ thiếu nhi, mà lâu nay vì nhiều nguyên nhân khách quan chưa thực hiện được.
“Tuy nhiên, bên cạnh đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và dư luận xã hội cũng rất lo lắng, băn khoăn bởi sau khi Cung Thiếu nhi mới đi vào hoạt động thì Cung Thiếu nhi Hà Nội hiện giờ sẽ được thành phố sử dụng như thế nào?”, văn bản kiến nghị bày tỏ.
Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Cung Thiếu nhi Hà Nội nằm trong khuôn viên rộng hơn 8.100 m2, có số nhà 36-38 phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Trong khuôn viên này có tòa nhà kiến trúc Pháp, trước giải phóng gọi là “Ấu Trĩ Viên” (Vườn Trẻ) dành cho con em các gia đình giàu có, quý tộc. Đây cũng là nơi Hồ Chủ tịch cùng Đại diện chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6.3.1946.
Sau khi thủ đô giải phóng, ngày 1.6.1955 Ấu Trĩ Viên đổi tên thành Câu lạc bộ thiếu nhi Hà Nội, thu hút hàng vạn lượt con em nhân dân thủ đô đến tham gia vui chơi, sinh hoạt.
Năm 1974, được sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền thành phố, sự giúp đỡ của chính phủ Tiệp Khắc, công trình Cung văn hóa thiếu nhi 6 tầng với diện tích sàn hơn 10.000m2, gồm 100 phòng học do KTS. Lê Văn Lân - một kiến trúc sư nổi tiếng của Hà Nội thiết kế, được xây dựng trong khuôn viên Câu lạc bộ thiếu nhi Hà Nội. Năm 1976 công trình hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Cung Thiếu nhi Hà Nội cùng với tòa nhà kiến trúc Pháp tạo nên một quần thể kiến trúc mới và cũ rất hài hòa với sân vườn, cảnh quan và kiến trúc xung quanh.
Bia kỷ niệm được đặt tại khu nhà cổ của Cung Thiếu nhi Hà Nội. Ảnh: Kiến Thức
Trong Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cổ (do UBND thành phố Hà Nội ban hành năm 2015), thì quần thể xung quanh tòa nhà Ấu Trĩ Viên được yêu cầu bảo vệ nguyên trạng. Nhưng hiện nay, do thời gian và quá trình sử dụng, nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất của Cung Thiếu nhi Hà Nội đã xuống cấp, cần cải tạo, nâng cấp.
“Trải qua hơn nửa thế kỷ, Cung Thiếu nhi Hà Nội đã trở thành địa chỉ quen thuộc, thân thương của biết bao thế hệ thiếu nhi thủ đô, là di sản kiến trúc đương đại có giá trị đặc biệt cùng với các di sản văn hóa kiến trúc khu vực hồ Gươm.
Dù hiện chưa có thông tin chính thức Hà Nội sẽ sử dụng Cung Thiếu nhi Hà Nội ra sao, vào mục đích gì, phá đi hay giữ nguyên trạng để sử dụng… Nhưng, với khuôn viên Cung Thiếu nhi Hà Nội rộng hơn 8.100m2, nằm ở vị trí rất đắc địa của quận Hoàn Kiếm, được ví như khu đất kim cương, là đích ngắm (bởi siêu lợi nhuận) của các nhà đầu tư bất động sản… thì dư luận xã hội không thể không lo ngại”, văn bản kiến nghị bày tỏ.
Theo Hội kiến trúc sư Việt Nam, Cung Thiếu nhi Hà Nội là công trình kiến trúc văn hóa công cộng có giá trị; ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, độc đáo, hài hòa với cảnh quan và kiến trúc xung quanh, góp phần quan trọng vào tổ chức không gian khu vực Hồ Gươm. Là công trình tiêu biểu, có tính đại diện cho kiến trúc Việt Nam đương đại trước đổi mới ở thể loại văn hóa công cộng.
Năm 2015, Cung Thiếu nhi Hà Nội đã từng được Tổ chức Kiến trúc quốc tế đề nghị lập hồ sơ để xếp hạng "Công trình di sản Kiến trúc hiện đại thế giới”. “Hơn nữa, căn cứ vào Luật Thủ đô và Nghị quyết của HĐND thành phố, thì Cung Thiếu nhi Hà Nội là di sản kiến trúc đô thị trước đổi mới, nên bắt buộc phải giữ nguyên, toàn bộ công trình kiến trúc này không được phá hủy”, văn bản kiến nghị bày tỏ.
Công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội do KTS. Lê Văn Lân thiết kế. Năm 2015, Tổ chức Kiến trúc quốc tế từng có đề nghị lập hồ sơ để xếp hạng Cung thiếu nhi Hà Nội là "Công trình di sản Kiến trúc hiện đại thế giới”. Ảnh: KTS. Trương Ngọc Lân
Hội kiến trúc sư Việt Nam nhận định Cung Thiếu nhi Hà Nội có giá trị văn hóa phi vật thể, là dấu ấn của một giai đoạn lịch sử phát triển thủ đô trong những năm kháng chiến chống Mỹ và phát triển sau này. Công trình thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, tình yêu thương của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô dành cho thiếu nhi dù trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước. Cung Thiếu nhi Hà Nội đã trở thành biểu tượng, là niềm tự hào của nhiều thế hệ thiếu nhi và người dân Hà Nội.
“Cung Thiếu nhi Hà Nội là tài sản của nhà nước nên quỹ đất này chỉ có thể làm công trình phúc lợi xã hội, không xây dựng chung cư, nhà cao tầng, công trình thương mại dịch vụ. Cung Thiếu nhi Hà Nội rất cần được chăm sóc, tu bổ và nâng cấp trang thiết bị để tiếp tục phát huy giá trị, sử dụng làm Nhà văn hóa thiếu nhi của quận Hoàn Kiếm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và vui chơi của trẻ em trong quận và khu vực lân cận.
Hà Nội vừa phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử của 4 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Đống Đa. Vì thế, Hà Nội cần kiên quyết không xây dựng các chung cư cao tầng, kiên quyết giảm dân số, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản kiến trúc – văn hóa lịch sử, các công trình kiến trúc đương đại tiêu biểu và có giá trị; tăng cường không gian công cộng, không gian xanh… để cải thiện và nâng cao chất lượng sống của nhân dân”, văn bản kiến nghị bày tỏ.
Cung Thiếu nhi Hà Nội là tài sản của nhà nước nên quỹ đất này chỉ có thể làm công trình phúc lợi xã hội. Ảnh: CTV
Trước đó, trao đổi với Người Đô Thị, PGS-TS-KTS. Khuất Tân Hưng (Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận bảo tồn, Khoa Kiến trúc, Đại học Kiến Trúc Hà Nội) cho rằng, Cung Thiếu nhi Hà Nội có câu chuyện riêng và đặc biệt thiết chế văn hóa vẫn đang tồn tại, vẫn có chỗ đứng và vẫn khẳng định ưu thế, được mọi người tiếp nhận. Vì vậy, không nên có suy nghĩ xóa bỏ hay thay thế chức năng cho nó.
“Cung Thiếu nhi không chỉ là điển hình mẫu mực cho một giai đoạn phát triển về kiến trúc mà còn là thành quả đại diện cho một giai đoạn phát triển của xã hội. Trong một thời kỳ như thế nhưng chúng ta vẫn chăm lo cho thiếu nhi – thế hệ tương lai.
UNESCO có định nghĩa về bền vững mà dưới góc độ di sản đô thị, di sản kiến trúc tôi cho rằng, nếu chúng ta ngắt bỏ đi những công trình như Cung Thiếu nhi tức là chúng ta đang tước đi quyền của thế hệ mai sau, là được cảm nhận, được trải nghiệm, được hiểu về một giai đoạn lịch sử nói chung và về một giai đoạn phát triển của lịch sử kiến trúc nói riêng.
Bản thân tôi rất tiếc nuối khi không được biết các thế hệ trước đây như thế nào, nên tôi cũng không muốn thế hệ tương lai lại rơi vào trường hợp như thế. Cung thiếu nhi hay những công trình tương tự mà chúng ta không gìn giữ, chẳng phải chúng ta đang phá đi thành quả của chính chúng ta, của chính thời kỳ này? Chẳng phải là chúng ta phủ nhận chính mình sao?”, ông Hưng nói.
Hoàng Khải