Một sáng cuối tháng tư vừa qua, sau khi gặp sự cố thang máy “rơi tự do” qua mấy tầng lầu mới dừng lại được, một cư dân ở chung cư 584 Phú Thọ Hoà (quận Tân Phú, TP.HCM) đã nổi nóng lao vào văn phòng chủ đầu tư (tại tầng trệt chung cư) đá bàn, giật cửa phản ứng. Theo cư dân này, toàn bộ thang máy ở chung cư đang có vấn đề, gây mất an toàn cho người dân nhưng chủ đầu tư không sửa chữa.
Liên tục hỏng
Theo bà Võ Hồng Nga, phó ban quản trị, đại diện kỹ thuật của hãng sản xuất thang máy đã kiểm tra, kết luận thang máy không đủ an toàn, dễ tuột vì các hệ thống cứu hộ tự động nhiều nơi bị liệt. Hãng khuyến cáo tạm ngưng hoạt động của thang máy để sửa chữa. Tuy nhiên, lời khuyến cáo ấy không được chủ đầu tư quan tâm.
Theo nhận xét của cư dân trong chung cư, thang máy ở đây xuống cấp nghiêm trọng do lâu nay công ty 584 không hề bảo trì. Chi phí sửa chữa thang máy, theo báo giá của hãng sản xuất, là 600 triệu đồng nhưng phía chủ đầu tư cho biết chỉ hùn 100 triệu đồng, mà cũng chỉ mới nói vậy chứ chưa thấy tiền đâu.
Liên quan đến tranh chấp nêu trên, UBND phường và quận Tân Phú đã nhiều lần hoà giải nhưng không thành.
Từ lâu, vì ngán sợ thang máy, nhiều cư dân ở chung cư - trong đó có nhiều người dẫn cả con nhỏ - ráng leo thang bộ đến hơn 10 tầng cho an toàn. “Thang máy đung đưa, giật cục và thường hay bị tuột, tui không đủ can đảm giao phó tính mạng của mình vào đó!”, một cư dân ở tầng 14 lô D chung cư bực bội nói.
Những tai nạn thương tâm liên quan đến thang máy - Vụ gần đây nhất xảy ra ngày 30.6 tại toà nhà N5A đường Hoàng Đạo Thuý (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Nạn nhân là ông Trần Huy Tuấn. Buổi sáng, ông Tuấn mở cửa thang máy để thợ sửa chữa thì bất ngờ rơi từ tầng bảy xuống đất. Được biết, thang máy chung cư này đã hỏng từ nhiều tháng nhưng không được ban quản trị toà nhà cho người sửa chữa. - Sáng ngày 2.5, anh Hà Quốc Oai (17 tuổi) vận chuyển hàng hoá lên lầu năm của toà nhà ở hẻm 138 Ngô Quyền phường 5, quận 10 (TP.HCM). Khi thang máy tới tầng bốn thì đột ngột dừng lại. Thấy vậy, anh Oai đứng trong thang máy thò đầu ra ngoài định bấm nút để thang vận hành tiếp thì cửa thang máy đột ngột đóng lại, kẹp chặt vào đầu làm anh Oai tử vong tại chỗ. - Sáng 20.5, gia đình bà Phương, ở căn hộ 14.06 toà nhà Hạ Long DC (phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cùng hai người khác đang xuống tầng trệt bằng thang máy thì thang bất ngờ đứng khựng rồi rơi tự do. Mọi người trong thang máy hoảng loạn, la hét và bám chặt vào nhau. Rất may là sau vài phút rơi, thang máy đã dừng lại khi đến tầng hai của toà nhà. - Một thang máy ở cao ốc An Lạc (đường Bùi Tư Toàn, quận Bình Tân, TP.HCM) cũng từng gặp sự cố rơi tự do khiến 13 người đang đi dự đám hỏi bị thương nặng phải cấp cứu. |
Tại chung cư 234 Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) hệ thống thang máy cũng tệ hại không kém. Ba trong bốn thang máy đã hỏng hóc từ lâu, chiếc còn lại thường xuyên giật cục và thỉnh thoảng rơi tự do hoặc “nhốt” người. Buồng chứa thang nơi có thang máy bị hỏng, do lâu ngày để không vận hành, nhiều chủ nhà có nhà ở tầng trệt đã tranh thủ tận dụng làm kho chứa đồ!
Bà Lê Trúc Uyên, một cư dân ở lầu ba của chung cư 234 Phan Văn Trị, từng bị nhốt một lần gần 20 phút trong thang máy tối om, ngột ngạt. Sau lần đó, gia đình bà chọn cách leo thang bộ! Sinh sống tại chung cư hơn mười năm, bà Uyên gần như chưa thấy có ai sửa chữa, bảo trì thang máy.
Tương tự, chung cư Gia Phú (phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân) có bảy thang máy nhưng hai cái hầu như tê liệt, một số thang khác hoạt động chập chờn. Nhân viên bảo vệ chung cư Gia Phú nhiều lần phải đi cạy cửa giải cứu người bị kẹt trong thang máy. Chất lượng báo động như thế nhưng chủ đầu tư thì cho rằng mình không còn trách nhiệm gì, còn ban quản trị chung cư thì không biết ai mới là người chịu trách nhiệm!
Ai quản lý chất lượng thang máy?
Từ đầu năm 2013 đến nay, cơ quan chức năng tại TP.HCM đã ghi nhận sáu vụ tai nạn do thang máy gây ra. Một trong những nguyên nhân khiến tai nạn thang máy liên tục xảy ra là do công tác kiểm định, thẩm định an toàn của thang máy chưa chặt chẽ. Hàng nghìn thang máy sử dụng trong chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại trong nhiều năm qua vẫn chưa được cơ quan nào đến kiểm định.
Tại TP.HCM, trước đây việc kiểm định chất lượng thang máy thuộc thẩm quyền của một đơn vị trực thuộc bộ Lao động thương binh và xã hội. Mới đây nhà nước đã cấp phép cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp tư nhân hoạt động kiểm định. Tuy nhiên công tác kiểm định thang máy tại các công trình vẫn bị bỏ ngỏ.
Trả lời báo chí, TS. Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhận xét: thang máy là thiết bị rất quan trọng vì nó được sử dụng để chịu lực với số lượng người lớn và tần suất cao. “Tuy nhiên, ở Việt Nam, theo như tôi thấy, chưa có cơ quan nào kiểm tra chất lượng của thang máy. Có những thang đã lắp đặt gần chục năm nhưng chưa chắc đã có kiểm tra”, ông Liêm nhấn mạnh. Nếu như công tác phòng cháy chữa cháy có lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy nghiệm thu xem thiết bị có đủ không, định kỳ sẽ kiểm tra lại xem các bình này còn hoạt động không, thì thang máy lại chưa rõ cơ quan nào kiểm tra.
Theo ông Liêm, bộ Xây dựng phải nhanh chóng đưa ra các quy định liên quan đến hoạt động này vì hiện đây là vấn đề lớn ở các đô thị. Thời gian qua, tuy bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật của thang máy, song các quy định liên quan như ai sẽ là người kiểm tra việc đảm bảo các tiêu chuẩn ấy, kiểm tra như thế nào, xử lý ra sao... lại chưa cụ thể. “Việc kiểm tra hiện chưa thực sự sát sao. Bộ Xây dựng phải rõ ràng, không được quy định trách nhiệm chung chung. Những sự cố thang máy xảy ra trong thời gian qua là hồi chuông cảnh báo chúng ta phải quan tâm hơn đến vấn đề hoàn thiện chất lượng của các công trình chung cư”, ông Liêm nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Hà Thanh