mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Hẻm đô thị và mảng trắng quy hoạch

 11:01 | Thứ năm, 04/08/2016  0
Đô thị hóa nhanh đã mang lại một bộ mặt mới cho các thành phố. Đó là những đô thị cũ được chỉnh trang tái thiết, nhiều khu đô thị mới được xây dựng hiện đại… nhưng đằng sau sự khang trang đẹp mắt này là bức tranh xấu xí, nhếch nhác của những con hẻm sâu hun hút, lắt léo chằng chịt. Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, người bao năm qua sống ngay cạnh những khu dân cư “xấu xí” ấy đã có những chia sẻ cùng Người Đô Thị.

Ông đánh giá thế nào về tình trạng hạ tầng của các hẻm, ngõ ở hai thành phố Hà Nội, TP.HCM và ảnh hưởng của nó đến chất lượng sống của cư dân? 

Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Có một điều hết sức nghiêm trọng là hàng triệu người dân sống trong các làng, ngõ xóm bị “đô thị” hóa một cách ồ ạt. Các phường làng này được xây dựng hết sức tự phát, dẫn đến tình trạng các phường làng ngõ ngách biến thành các khu ổ chuột kiểu mới, nhiều nơi không có ánh sáng mặt trời, có chỗ chỉ một xe máy đi lọt.

Rồi nhu cầu nhà ở do tăng dân số tự nhiên, tăng dân số cơ học trong điều kiện kinh tế eo hẹp khiến hầu hết các gia đình chia nhỏ mảnh đất cha ông để lại cho con cháu tự xây dựng, họ lại chia tiếp để bán cho dân ngoại tỉnh về tự làm nhà ở trong khi quy hoạch chi tiết chưa có, thiếu cơ sở quản lý, khi xây dựng lại không xin phép, hoặc xin một đằng làm một nẻo, quản lý lại lỏng lẻo...

Cứ thế xây dựng lộn xộn đủ kiểu trong khi hạ tầng kỹ thuật yếu kém dẫn đến ngập lụt, dây điện chằng chịt, ban công giáp nhau, tối tăm, ẩm thấp. Công trình hạ tầng xã hội không được đầu tư, không có khu sinh hoạt cộng đồng, trường học cũ bị bao vây tứ phía, chợ cóc mọc khắp nơi, điều kiện sinh sống ngày càng tồi tệ. Đặc biệt là vệ sinh môi trường của các khu này: rác thải, nước thải không biết đi đâu, thậm chí thải ngay ra ngõ cạnh nhà.

Với hiện trạng một vùng ổ chuột kiểu mới, xảy ra bất cứ sự cố nào cũng sẽ rất lớn.

Tầm quan trọng của hẻm ngõ rất lớn, nhưng tại sao công tác quy hoạch chính quyền thường không đụng đến hẻm, ngõ?

Các nhà quy hoạch, các nhà cấp phép, các nhà quản lý phát triển đô thị còn mải mê vào các khu vực điều kiện thuận lợi. Đó là những cánh đồng, kể cả vườn đào nổi tiếng của Hà Nội cũng bị xóa sổ. Làm quy hoạch ở những nơi như thế dễ hơn nhiều bởi đó là đồng không mông quạnh, đền bù lúa, đền bù cây rất rẻ cho nên họ làm rất nhanh và kết quả là khu đô thị mới khang trang bên cạnh khu cũ tồi tàn, nhếch nhác. Quy hoạch thì như thế mà quản lý cũng hết sức yếu kém, để xảy ra tình trạng lấn chiếm diện tích, nhà ngày càng méo, diện tích ngày càng nhỏ lại. Đó là trách nhiệm của nhà quản lý, trước một bức tranh xã hội với chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn.

“Một lực lượng nhân dân sống trong điều kiện tồi tàn không theo kịp sự phát triển xã hội”. Ảnh TL

Ngược lịch sử, có thế thấy cả Hà Nội và TP.HCM đều hình thành từ các làng mạc. Vậy các chính quyền đô thị xưa (chủ yếu thời Pháp) đã có những chính sách gì để biến các làng thành ra phố theo quy hoạch của họ?

Pháp làm quy hoạch và quản lý quy hoạch thuận lợi vì khi ấy dân cư thưa thớt. Và đặc biệt là người Pháp quy hoạch ngõ nhưng diện tích đi lại rất lớn, như ngõ Huế, Thịnh Hào 1, Khâm Thiên, Thổ Quan hai ô tô đều đi được...

Ngay từ thời thành phố chỉ 2 vạn dân mà họ đã làm những con đường rộng mênh mông. Và điều đặc biệt là Pháp ngày xưa lập quy hoạch khoảng cách từ ngã tư này tới ngã tư kia không quá 100m, nhưng ta xây khu đô thị mới Mỹ Đình to như thế với dân số tỉ lệ thuận như vậy nhưng lại chỉ có ba tuyến vào là Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh, Tôn Đức Thắng. Và khoảng cách các đường xuyên tâm phía Tây này (như Nguyễn Chí Thanh - Láng Hạ) cách nhau hàng cây số. Quy hoạch như thế thì dù có làm 8 làn đường vẫn tắc!

Hiện chúng ta đang sử dụng những chính sách gì để cải thiện hạ tầng hẻm, ngõ? Nhận xét của ông về các chính sách này?

Thực tế mà nói, cơ quan quản lý nhà nước thiếu quan tâm, thiếu trách nhiệm trong việc cải tạo chỉnh trang đô thị đối với những ngõ ngách phường làng này. Cách người ta làm hiện nay là khoanh cái làng xóm lại không quy hoạch và chỉ xây dựng khu đô thị mới và phát triển ngoài phạm vi đó mà thôi. Cho nên dẫn tới tình trạng nan giải và tồn tại lớn hiện nay là ta có các phường làng - vừa là phường lại vừa là làng, vừa là tổ dân phố vừa là ngõ xóm.

Cách đây mười năm, tôi đã từng gọi đó là mảng trắng trong quy hoạch. Không chỉ quy hoạch mà quản lý quy hoạch cũng như cải tạo chỉnh trang cũng không được quan tâm đúng mức. Chúng ta chưa có một kế hoạch quy hoạch, chỉnh trang khu đô thị cũ mà chỉ chạy theo các khu đô thị mới có vẻ khang trang, đẹp đẽ, có vẻ hiện đại nhưng nếu nhìn sau lưng các khu đô thị này thì thấy một hình ảnh nhếch nhác. Phố Tôn Đức Thắng nhìn bên ngoài thế nhưng đằng sau ra sao? Toàn bộ khu Hào Nam, khu Quan Thổ, Văn Chương... đều là những phường làng ngõ ngách cực kỳ xấu xí.

Vì đô thị chúng ta là đô thị “phường làng”, cho nên phải gắn quy hoạch đô thị với quy hoạch nông thôn.

Chúng ta cũng phải tuyên dương một số thành phố làm rất tốt. Đó là thành phố Cần Thơ, đến hôm nay hàng trăm con hẻm đã được cải tạo. Người ta đã mở rộng từng cái hẻm chỉ rộng 1m, những nhà siêu méo mó, những ngõ siêu nhỏ mà xe cứu thương không vào được. Chúng tôi ước tính Hà Nội không dưới 30% dân số đang sống trong những điều kiện như vậy, nhưng Hà Nội gần như chưa chỉnh trang được khu phố nào kiểu như Cần Thơ. TP.HCM còn làm được vài hẻm, chứ Hà Nội gần như không có dự án nào liên quan đến công tác chỉnh trang ngõ ngách phường làng.

Cả hai thành phố tiếp tục mở rộng, tiếp tục ôm các làng mạc vào trong, một mặt tiếp tục sinh thêm các hẻm, ngõ mới, mặt khác tạo ra những xung đột xã hội thường xuyên hơn giữa dân và chính quyền. Vậy tại sao không nghiên cứu các chính sách phát triển đô thị thời Pháp để chuyển hóa làng thành đô thị một cách ôn hòa?

Thực ra thì người ta biết hết, không ai là không học: học của Pháp, của Nga... nhưng có làm được không? Trình độ của các kiến trúc sư, của những nhà quy hoạch, quản lý... hoàn toàn có thể thực hiện được. Vấn đề là cơ quan quản lý nhà nước dành kinh phí như thế nào cho quy hoạch, quản lý quy hoạch và công tác chỉnh trang cải tạo... Cần một khoản kinh phí lớn với sự hỗ trợ của doanh nghiệp và nhân dân cùng làm.

Nhưng Nhà nước không lo nên để xảy ra tình trạng hết sức nhếch nhác. Như một cơ thể với hình thức bên ngoài có vẻ đẹp đẽ nhưng bên trong lại hỏng hóc. Và hậu quả lớn nhất là chúng ta có một lực lượng nhân dân sống trong điều kiện tồi tàn không theo kịp sự phát triển xã hội. Cuộc sống như vậy chỉ tạo ra bất bình đẳng xã hội. Bỏ tiền làm hạ tầng, cầu đường... hàng tỉ nhưng chưa lo cho những người dân khu vực này. Mất cân đối việc này liên quan đến quyền rất quan trọng là quyền có nhà ở và quyền sống của người dân.

Một khu ổ chuột kiểu mới giữa lòng thủ đô. Ảnh TL

Vì đô thị chúng ta là đô thị “phường làng”, cho nên phải gắn quy hoạch đô thị với quy hoạch nông thôn. Những khu mới thì tôi không lo lắm vì ta đã bắt đầu làm quy hoạch nông thôn mới. Ví dụ ở Nam Định, Thái Bình... đã bắt đầu làm nhà quay ra mặt đường, dù nhỏ thôi nhưng xe cứu hỏa vào được. Cái mới thì làm ngay được, nhưng cái tôi quan tâm là cái cũ. Cuối cùng nói gọn lại thì vẫn là quy hoạch trắng và quản lý quy hoạch kém. Cho nên một phần hiện nay nằm trong quy hoạch cũ từ thời Pháp để lại, nhưng do ta không quản lý được, trước kia ngõ lớn nhưng cứ lấn dần lấn dần để thành ngõ hẻm hẹp như ngày nay.

Lệ Quyên thực hiện

 

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.