Ảnh minh họa
1. Một điều đặc biệt là năm 1983, năm tôi mới 17 tuổi, lại là năm của nhiều cái đầu tiên nhất. Đó là năm lần đầu tiên tôi phải sống xa nhà trong một thời gian dài. Hồi nhỏ, mẹ đi học tôi cũng phải xa mẹ. Ba đi làm ở Hà Nội tôi phải xa ba, nhưng xa cả nhà như thế thì chưa bao giờ. Năm đó tôi được triệu tập ra Hà Nội thi chọn đội tuyển toán quốc tế. Tôi theo bác Hảo, PGĐ sở Giáo dục tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và hai anh Lý Xuân Hải, Trần Hữu Huấn ra Hà Nội thi. Các thầy bảo “Đi thi cho có kinh nghiệm. Có tài liệu thì xin về học”.
Thích nhất là lần đầu tiên được đi máy bay. Ngày đó đi tàu Đà Nẵng - Hà Nội cực lắm, có khi mất cả hai ngày. Các bác trên sở nói: “Đi máy bay để giữ sức khỏe cho tụi nhỏ”. Thế là chúng tôi được đi máy bay. Chiếc AN-24 của Liên Xô chỉ to như cái xe buýt, chứa được 50 chỗ. Tôi không còn nhớ nhiều, chỉ nhớ máy bay bay dọc bờ biển, sau đi bay dọc sông Hồng về đến sân bay Gia Lâm.
Bác Hảo đem chúng tôi ra, sắp đặt đâu đó, còn mua sẵn vé khứ hồi cho ba anh em, dặn đến ngày đó ra chỗ phòng vé Hàng không Việt Nam (ở gần Nhà hàng Phú Gia) sẽ có xe đưa ra sân bay.
Không ngờ ba anh em thì có hai người chưa dùng đến vé, phải ở lại học và đi thi tổng cộng thêm 3 tháng nữa.
Và tôi lại tiếp tục có những chuyến bay đầu tiên. Như trong chuyện cổ tích. Chuyến bay đầu tiên đến Matxcơva (Moskva), đến Liên Xô vĩ đại. Chuyến bay đầu tiên đến Paris, thủ đô nước Pháp. Ngày đó chưa có nhiều hãng máy bay như bây giờ và đi đâu cũng thường phải qua Matxcơva và bay bằng máy bay của Aeroflot. Hai loại máy bay nổi tiếng thời bấy giờ là IL-62 và IL-86. Thời đó cũng chẳng có gì để so sánh và với tôi thế là nhất quả đất rồi. Chỉ có một điều là máy bay hạ, cất cánh hơi nhiều. Tôi nhớ là có đến ba lần hạ, cất cánh trung gian: Bombay hoặc Calcuta của Ấn Độ, Carachi của Pakistan và Taskent thuộc Uzbekistan của Liên Xô. Mà mỗi lần lên xuống thì rất mệt. Sân bay cũng không hoành tráng như bây giờ để mà thăm quan...
Lần đi thi toán quốc tế đó có rất nhiều những điều đầu tiên khác: lần đầu biết metro ở Liên Xô và Pháp (Liên Xô lúc đấy vẫn dùng tiền xu, còn Pháp đã dùng thẻ từ). Lần đầu tiên biết siêu thị (trời ơi, hàng hóa gì mà quá trời, chẳng xếp hàng, chẳng tem phiếu gì hết). Lần đầu tiên thấy tòa nhà 56 tầng (ngước cổ xem rơi cả mũ), biết Louvre, Pantheon, Sorbonne, Versaille, Centre de Pompidou, sân bay Charles De Gaule, quảng trường Đỏ, Cremlin, trường MGU... Rồi biết ở Ký túc xá Louis Lagrange thế nào, biết ăn tập thể ở tây ra sao.
2. Rồi năm 1984 tôi lại được chúng bạn bay trên chiếc IL-86 sang Matxcơva. Lần này là cho chuyến đi học dài đến năm năm. Năm năm đó lại tiếp tục có những điều đầu tiên: bữa ăn tự nấu đầu tiên, bông tuyết đầu tiên, lần đầu tiên ra sân băng, vở balet đầu tiên...
Chuyến bay đầu tiên trên chiếc AN 24 năm đó, thành ra, lại kéo theo một dãy các hệ quả tuyệt vời. Thành ra, ngày nay được bay trên những chiếc máy bay hiện đại, đến những sân bay hoàng tráng (thậm chí có lần được ngồi hạng thương gia), tôi vẫn nhớ về chuyến bay trên “chiếc xe buýt” năm xưa. Và nhớ về những người liên quan đến chuyến bay đó: Ba mẹ tôi, bác Hảo, bác Cước, thầy Phò, thầy Xuyên, anh Tiến, anh Hải và anh Huấn.
Câu chuyện bắt đầu bằng một chuyến bay. Có thể là một chuyến bay may mắn. Hệt như câu chuyện cổ tích. Lần này là về một... chàng lọ lem.
Trần Nam Dũng
* Tác giả bài viết là Tiến sĩ toán học. Xuất thân là học sinh chuyên toán, trường Trung học Phan Châu Trinh (Quảng Nam - Đà Nẵng). Hiện công tác tại đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM (Đại học Quốc gia TP.HCM).