Ảnh minh họa.
“Nóng” vấn đề hành lang pháp lý cho ngân hàng số
Với việc xác thực người dùng, luật pháp Việt Nam vẫn yêu cầu các ngân hàng phải gặp mặt lần đầu khách hàng nếu khách hàng muốn mở tài khoản. Bởi, nếu không đến ngân hàng, không xuất trình chứng minh thư và có chữ ký tươi, thì khách hàng sẽ không thể mở tài khoản tại ngân hàng đó.
Trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo “Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam” mới đây, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Phó Tổng giám đốc, Dịch vụ Tài chính Ngân hàng Ernst & Young Việt Nam cho rằng, đây là một trong những hạn chế lớn liên quan đến hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam.
“Hiện nay 70% dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng. Nếu chúng ta có thể cải thiện được hành lang pháp lý, khiến cho việc mở tài khoản ngân hàng có thể dễ dàng hơn để khách hàng có thể tiếp cận được các dịch vụ của ngân hàng như thanh toán, tiết kiệm, vay vốn,... thì sẽ giảm thiểu rủi ro cho khách hàng, tránh việc khách hàng phải tiếp cận với những nguồn vốn khác không chính thức và có thể gây ra những đổ vỡ không cần thiết”, bà Dương nói.
Bên cạnh đó, Phó tổng giám đốc EY cũng cho rằng, bản thân việc mở ra hành lang pháp lý để cho các ngân hàng phát triển nhiều hơn về dịch vụ ngân hàng số cũng sẽ tiết kiệm được chi phí cho các ngân hàng bởi họ sẽ không phải tốn nhiều tiền bạc để thuê địa điểm, thuê nhân viên để vận hành các chi nhánh. Thay vào đó, khách hàng có thể giao dịch qua ngân hàng phi vật lý. Đây là một sự tiết kiệm lớn cho không chỉ các nhà băng, mà còn cho cả quốc gia.
Cũng theo đại diện EY, trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đã phải trải qua cả một quá trình thay đổi để có thể đạt được những bước tiến trong hành lang pháp lý xác thực người dùng.
“Trước đây nhiều nước cũng giống chúng ta, tức là yêu cầu người dùng phải đến ngân hàng và có chữ ký tươi. Tuy nhiên sau đó, nhờ sự phát triển công nghệ, họ đã cho phép ngân hàng ứng dụng công nghệ như nhận diện khuôn mặt, nhận diện vân tay”, bà Dương cho biết.
Tuy vậy, điều này không có nghĩa chỉ các nước đã phát triển mới tiến hành phương pháp này. Ngay cả những quốc gia đang phát triển như Ấn Độ hiện nay cũng đã có trung tâm quốc gia lưu trữ sinh trắc học.
Hiện nay, quốc gia này đã thu thập được tổng cộng 500 mã liên kết trực tiếp đến người dùng và liên kết thẳng đến 700 triệu khách hàng.
Theo bà Dương, ở một số nước, họ sẽ bắt đầu quá trình chuyển đổi bằng cách tiến hành thử nghiệm ban đầu, chỉ cho phép một số ngân hàng nhất định, thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định với một nhóm khách hàng nhất định, khoảng 200 đến 1000 khách hàng. Nếu sau đó nhận thấy mọi việc ổn thì có thể tiến hành nhân rộng.
Trong khi đó, một số quốc gia lại cho phép thành lập một ngân hàng số, hoàn toàn tách khỏi ngân hàng thông thường và không hiện diện về mặt vật lý. Ngân hàng này vẫn tiếp cận khách hàng, huy động, cho vay vốn và cung cấp các dịch vụ bình thường. Theo đại diện của EY, đây cũng là xu hướng của tương lai.
“Theo kinh nghiệm của tôi, ngân hàng trung ương và các bộ ngành liên quan trước tiên có thể đưa ra những bước thử nghiệm ban đầu. Một khi đã có những bước tiến chắc chắn, chúng ta có thể cân nhắc đưa ra các hành lang pháp lý phù hợp. Việt Nam đi sau nên có nhiều cơ hội học tập từ các nước khác. Do vậy, chúng ta nên lấy những gì tốt nhất mà các nước khác đang làm, đồng thời, có được tư duy thay đổi để bắt kịp thời đại, mà không bị thay đổi quá nhanh dẫn đến những rủi ro, đổ vỡ không đáng phải xảy ra”, đại diện EY nói.
Đã "bàn" nhiều mà chưa... “làm”!
Trong khi đó, theo ông Phạm Anh Tuấn, Uỷ viện HĐQT Vietcombank, hiện rất nhiều ngân hàng muốn phát triển các sản phẩm dịch vụ như internet banking, mobile banking và sau đó là ngân hàng số nhưng khi xảy ra rủi ro, ngân hàng hầu như phải tự xử lý bằng nguồn lực của chính mình mà không có một cơ sở pháp lý đầy đủ từ Ngân hàng Nhà nước, từ cơ quan Thuế và cao hơn là từ Chính phủ để cho phép ngân hàng mạnh dạn xử lý.
“Khi có sự cố, tranh chấp xảy ra, chưa xác định trách nhiệm thuộc về ai, nhưng với một hệ thống truyền thông quá mạnh như hiện nay, đặc biệt là mạng xã hội, hầu hết khách hàng đều nhìn nhận bên sai là ngân hàng nên ngân hàng đành phải tạm hoàn tiền cho khách hàng trong khi chờ kết luận của cơ quan điều tra. Nguyên nhân là do vẫn chưa có một hành lang pháp lý đầu đủ. Điều này làm cho các ngân hàng không được mạnh dạn trong việc đưa ra các sản phẩm dịch vụ số mới, ngoại trừ thanh toán”, đại diện Vietcombank cho hay.
Về mặt pháp lý, hiện nay Việt Nam mới chỉ có một số văn bản luật như năm 2005 có luật về giao dịch điện tử, 2006 có luật về công nghệ thông tin, 2007 có luật về an toàn thông tin, sau đó có một loạt các văn bản dưới luật là Nghị định hướng dẫn chi tiết ra đời. Tuy nhiên, theo đại diện Vietcombank, những luật này vẫn chủ yếu vẫn tập chung hỗ trợ cho việc giao dịch trực tuyến, tức là giao dịch trên nền tảng mobile banking và internet banking chứ chưa hẳn là ngân hàng số.
Nhìn nhận một cách khách quan, ông Tuấn cho rằng, do các luật có sự liên quan chặt chẽ với nhau, nên không thể chỉ sử một luật, một nghị định là có thể đưa ra một hành lang pháp lý phù hợp.
“Tất nhiên là chúng ta sẽ cần một lộ trình nhất định nhưng đến thời điểm này tôi cho có lẽ đã quá muộn khi mà chúng ta vẫn cứ tiếp tục nói nhiều về hành lang pháp lý ngân hàng số. Chúng ta bắt đầu nói về điều này cách đây vài năm nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều thay đổi về luật cũng như văn bản dưới luật hỗ trợ các định chế tài chính triển khai các dịch vụ ngân hàng số”, đại diện Vietcombank nói.
Trần Thuý