mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Hàng trăm cây cổ thụ ở đường Tôn Đức Thắng có bị 'chết oan'?

 10:02 | Thứ ba, 01/08/2017  0
Bài toán cầu Thủ Thiêm 2 không chỉ cần được nhìn ở góc độ kết nối giao thông, mà còn cần nhìn ở góc độ quy hoạch đô thị, bảo tồn cảnh quan, di sản, hiệu quả kinh tế,... nhất là trong thực tế hiện nay, vấn đề quản lý đô thị, quy hoạch đô thị vẫn có độ trễ, và yếu.

Việc buộc phải chặt 258 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng để làm cầu Thủ Thiêm 2 đã được UBND TP.HCM đưa ra bàn tại cuộc họp HĐND TP.HCM để có phương án tối ưu nhất. Theo đề xuất của một số chuyên gia thuộc các Sở, HĐND thành phố đã thông qua phương án này, và đề nghị người dân thành phố đồng thuận việc đốn, di dời cây xanh này.

Tuy nhiên, việc chặt, di dời hàng trăm cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng có thật sự cần thiết không? Đến nay nó vẫn còn là băn khoăn của dư luận.

Trao đổi với Người Đô Thị mới đây, TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia kiến trúc và quy hoạch đã cho rằng thiết kế cầu Thủ Thiêm 2 chưa dựa trên một định hướng chiến lược tốt. Cầu Thủ Thiêm 2 không cần phải làm cao và rộng như hiện nay, với tĩnh không thông thuyền hiện là 9m x 80m, cùng 6 làn xe. Và nếu không làm cầu cao và rộng như hiện nay, thành phố có thể giảm được ít nhất ½ số lượng cây phải chặt, di dời; thậm chí có thể tránh được việc chặt cây.

Ông Sơn lý giải, hiện nay thành phố đã dời Tân Cảng và xưởng Ba Son, vì vậy độ thông thủy dưới cầu Thủ Thiêm 2 không cần nhiều lắm, nên không cần thiết làm cầu rất cao như cầu Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Sài Gòn hiện nay, hay cầu Thủ Thiêm hiện hữu.

Cũng vậy, theo quy hoạch Thủ Thiêm năm 1972 của Mỹ, Thủ Thiêm được nối với quận 1 thông qua kéo dài đại lộ Hàm Nghi và đường Nguyễn Bỉnh Khiêm; với thiết kế cầu không cần quá rộng, chỉ cần kết nối với Thủ Thiêm, mà không làm một trục lộ giao thông lớn có thể gây tắc nghẽn ngay chân cầu. Trong khi đó, cầu Thủ Thiêm 2 hiện nay được thiết kế vượt qua đường Nguyễn Hữu Cảnh, vượt qua Lê Thánh Tôn để đáp xuống trước đường Lê Duẩn.

Ông Sơn phân tích, nếu thành phố giữ tinh thần quy hoạch giao thông trước đây của Mỹ cho Thủ Thiêm, thì có thể chọn xây cầu qua trục Tôn Đức Thắng 4 làn xe, nhỏ hơn hiện nay, và tĩnh không không quá cao để ít phải chặt cây.

Đồng thời xây thêm cầu tại trục Hàm Nghi, cũng là đi trực tiếp từ lõi trung tâm Thủ Thiêm sang trung tâm hiện hữu, chiều dài tương tự cầu qua trục Tôn Đức Thắng, để thay thế cho cầu đi bộ, tốn kém tương đương nhưng chỉ mang tính chất giải trí thư giãn, không có hiệu quả cao về kết nối giao thông đô thị.

Như vậy sẽ vẫn có 2 cây cầu nối Thủ Thiêm với trung tâm hiện hữu, nhưng hiệu quả kết nối tốt hơn nhiều.

Theo ông Sơn, nếu cầu Tôn Đức Thắng chỉ cần 4 làn xe, cộng thêm cầu Hàm Nghi 4 làn xe nữa thì vẫn thừa sức nối kết tốt với khu đô thị mới Thủ Thiêm, thậm chí với lưu lượng nhiều hơn, cảnh quan đẹp hơn, và kết nối đô thị tốt hơn, mà không phải hy sinh hàng trăm cây cổ thụ.

Đưa ra phương án cho bài toán quy hoạch đô thị - giao thông liên quan tới cầu Thủ Thiêm 2, Ông Sơn cho rằng, bên cạnh việc cần nghiên cứu lại quy mô cầu phù hợp hơn, thì đồng thời có thể làm tuyến xe bus: đi từ bến xe Bến Thành qua các trạm tại Thủ Thiêm, đánh vòng về cầu Tôn Đức Thắng và quay lại về bến Bến Thành. Với tuyến xe bus vòng trung tâm này, người dân trong khu lỏi trung tâm hiện hữu và trung tâm mới Thủ Thiêm sẽ không cần đi xe cá nhân nữa, mà từ mỗi trạm dừng xe bus có thể đi bộ tới bất kì công trình nào trong khu trung tâm chỉ mất khoảng dưới 10-15 phút. Như vậy, bài toán ách tắc giao thông cá nhân sẽ được giải quyết tốt hơn. Còn nếu làm cầu cao và rộng như Thủ Thiêm 2 và cầu đi bộ như hiện nay, sẽ không làm được tuyến xe bus vòng trung tâm này.

tổng thể khu trung tâm TPHCM

Giải pháp kết nối đô thị giữa Khu lỏi trung tâm hiện hữu và trung tâm mới Thủ Thiêm ở hai bờ Đông Tây sông Sài Gòn - Nguồn: TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn

Ròng rã hơn một năm qua, đã có rất nhiều tiếng nói phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực từ kiến trúc, quy hoạch đến bảo tồn,… về vấn đề chặt cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng khi làm Thủ Thiêm 2. Thành phố không dễ gì có được mảng xanh đẹp và lâu năm như vậy. Nó còn là một không gian lịch sử cần được bảo vệ và hài hòa với nhiều công trình kiến trúc tôn giáo lâu đời tại đây. Tuy nhiên, những góp ý này cho đến nay dường như vẫn chưa “chạm” được vào việc cần xem xét, nghiên cứu thấu đáo hơn của các cơ quan chức năng.

Trả lời của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM mới đây với Người Đô Thị cho thấy: cách đặt vấn đề cho việc “giải bài toán” cầu Thủ Thiêm 2 hiện nay của Sở mới chỉ đứng từ quan điểm kết nối giao thông, chứ chưa phải là kết nối đô thị.

Theo TSKH-KTS. Ngô Viết Nam Sơn và nhiều chuyên gia khác, vị trí làm cầu Thủ Thiêm 2 hiện đã là nội thành; nó đang là đường trong đô thị, với cầu Thủ Thiêm 2 là điểm nối hai trung tâm, chứ không phải là điểm nối đi qua đường xuyên đô thị (như vị trí và quy mô cầu Sài Gòn của xa lộ Hà Nội hoặc hầm Thủ Thiêm của xa lộ Đông Tây hiện nay).

Đứng ở góc nhìn quy hoạch đô thị, vùng trung tâm cần theo quan điểm kết nối đô thị. Vì vậy không cần làm cầu quá cao và rộng như thiết kế hiện nay.

Quan điểm kết nối giao thông như Sở GTVT đang áp dụng hiện nay với Thủ Thiêm 2 chỉ phù hợp với khu vực ngoại vi, vành đai, hướng tâm, nơi cần mở những cây cầu, trục đường cao, rộng cho kết nối vùng. Nó không phải là quan điểm quy hoạch giao thông cho nội thành.

Việc mở rộng cầu Thủ Thiêm 2 đi vào khu đô thị Thủ Thiêm đã khiến giới quy hoạch lo lắng sẽ biến Thủ Thiêm và khu Trung tâm hiện hữu trở thành nơi đón mọi loại xe, trong đó có xe tải, và lượng xe khổng lồ đi qua, đi từ Bắc xuống Nam để qua quận 7 , chưa kể đại lộ Đông Tây hiện hữu.

GS-KTS. Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, hiện nay thành phố vì nỗi ám ảnh kẹt xe nên càng muốn mở rộng đường/cầu càng lớn càng tốt. Ông Hòa phân tích thêm, Thủ Thiêm được định hướng là một khu đô thị phát triển về tài chính, các con đường trong nó chỉ nên ít xe chạy qua (như Nguyễn Huệ, Lê Lợi). Để xe tải chạy qua sẽ làm mất giá trị của một khu đô thị tài chính. Trong khi đó, bản thân khu đô thị mới Thủ Thiêm đã quy hoạch sẽ có nhiều cầu nối vào.

Theo ông Hòa, đồ án thiết kế đô thị cho bán đảo Thủ Thiêm đoạt giải cao nhất do công ty Sasaki Associates của Hoa Kỳ thực hiện năm 2003 cũng cho thấy quan điểm của Sasaki lúc đó là cần dùng lộ giới điều tiết giao thông. Không mở cầu rộng đi vào, vì nó sẽ trở thành nút giao thông lớn.

Giới chuyên gia cũng phân tích, việc xây cầu Thủ Thiêm 2 thật rộng, khi đáp xuống các đường nội thành nhỏ như Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai sẽ càng gây nguy cơ tắc đường, kẹt xe. Tương tự, việc mở đường Phạm Văn Đồng thật rộng vào Tân Sơn Nhất, gặp nút thắt cổ chai là các đường nhỏ, đã gây kẹt xe khủng khiếp, là một bài học về quy hoạch đô thị hiện nay.

Dự kiến từ tháng 8.2017, thành phố bắt đầu tiến hành chặt cây xanh. Phương án cho cầu Thủ Thiêm 2 đã được HĐND thành phố thông qua. Nhưng cho đến nay, vẫn còn nhiều tiếng nói chuyên môn góp ý nhằm tìm ra phương án khả thi hơn. Trong đó, bài toán cầu Thủ Thiêm 2 không chỉ cần được nhìn ở góc độ kết nối giao thông, mà còn cần nhìn ở góc độ quy hoạch đô thị, bảo tồn, hiệu quả kinh tế,... nhất là trong thực tế hiện nay, vấn đề quản lý đô thị, quy hoạch đô thị vẫn có độ trễ, và yếu.

Vậy thành phố có lắng nghe những góp ý tâm huyết này, mạnh dạn dừng lại một nhịp để xem xét, nghiên cứu lại dự án xây cầu Thủ Thiêm 2? Rất mong. Tất nhiên, khi được lắng nghe, ắt những tiếng nói tri thức sẽ không ngại cùng bàn. Để ra một giải pháp khả thi nhất cho sự phát triển của thành phố.

Hàng cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng sẽ khó có lại được nếu TP.HCM quyết định chặt để làm câu Thủ Thiêm 2 theo thiết kế hiện nay - Ảnh: Võ Lâm


Thủ Thiêm 2 có thể tránh được bài học hầm Thủ Thiêm?

Trao đổi với Người Đô Thị, một chuyên gia kể lại, vào thời gian đang quyết định lựa chọn làm cầu hay làm hầm đi qua Thủ Thiêm, trong buổi họp tại UBND TP.HCM, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng có nói về phương án làm cầu quay Thủ Thiêm để tàu bè tạm qua lại, khi dời cảng đi thì không quay nữa. Tuy nhiên, phương án này đã bị bỏ qua.

Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã từng nhìn nhận rằng: nếu mạnh dạn dừng lại và nghiên cứu lại dự án cầu Thủ Thiêm 2 hiện nay, thành phố đã có thể tránh được bài học hầm Thủ Thiêm cách đây hơn chục năm.

Lật lại lịch sử, hầm Thủ Thiêm 2 được lựa chọn do hoạt động của cảng Ba Son, Tân Cảng và yếu tố an ninh quốc phòng lúc bấy giờ. Tuy nhiên, tính theo thời điểm khởi công hầm (năm 2004) và Quyết định phê duyệt cảng biển số 5 (trong đó có quyết định di dời Tân Cảng và Ba Son) do Thủ tướng Chính phủ ký năm 2005, nếu thật sự muốn, thành phố vẫn có thể lựa chọn làm hầm hay làm cầu.

Theo các chuyên gia, nếu thời gian đó không làm hầm Thủ Thiêm, thành phố có thể tránh được chi phí quá lớn để vận hành hầm mỗi năm như hiện nay (khoảng 30 tỉ đồng/năm). Làm cầu cũng có lợi hơn hầm vì không phải cấm xe máy đi vào ban đêm; hầm không thể mở rộng nếu muốn; chi phí làm hầm cao hơn gấp 2-3 lần làm cầu.

Thực tế cho thấy, thời gian làm cầu chỉ khoảng dưới 2 năm. Tân Cảng dời năm 2007, Ba Son dời năm 2010, nên cho dù đợi đến 2010 làm cầu thì vẫn kịp cùng thời gian khánh thành hầm Thủ Thiêm (năm 2011). Như vậy thành phố vẫn có thể cùng lúc xây dựng xong 3-4 cây cầu vào năm 2011, so với hầm Thủ Thiêm, để giải quyết bài toán giao thông.


Lê Quỳnh

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.