mới nhất Dân sinh Đô thị Di sản Thị dân Văn hóa Khoa học Lối sống Diễn đàn multimedia đô thị đặc thù người đô thị trò chuyện đời phố đời người

Hàn gắn và hàn gắn

 16:24 | Thứ năm, 30/04/2020  0
Nhiều bạn bè Âu Mỹ hỏi sao tôi thành…họ ngại dùng từ Việt cộng. Tôi vui vẻ xưng mình là Việt cộng và trầm ngâm: “Ba tôi là Việt Minh, năm 1956 ba tôi thành tù nhân Côn Đảo thời ông Diệm và chết trong xà lim, vậy tôi phải theo ai?”

Tờ lịch ngày 30.4.1975 trưng bày tại Bảo tàng TPHCM. Ảnh: TL


Một vùng có tới mấy xã Vĩnh Viễn – Xà Phiên – Lương Tâm nằm giữa hai nhánh Nước Đục và Nước Trong trước khi chúng đổ ra cửa biển ở Rạch Giá, phải, cả một vùng rộng lớn tiếp nối Gò Quau, U Minh thuộc kiểm soát của phe kháng chiến. Nơi ấy, 9 năm kháng chiến với Pháp, người dân trộn cuộc sống hàng ngày của mình với Vệ quốc đoàn, với Việt Minh. Và sau đó, họ tiếp tục với những người từng là Việt Minh như ba tôi. Vậy thôi.

Ba tôi thành liệt sĩ Côn Đảo 1962, thế là từ đó, anh chị em chúng tôi chỉ có một con đường. Nhưng tâm trạng của thế hệ chúng tôi đã phức tạp lên. Nhiều sĩ quan Vệ quốc đoàn mà tôi còn mang máng nhớ dáng người, tiếng Việt pha tiếng Pháp và mùi nước hoa khi họ xuất hiện ở nhà tôi ở xã tôi sau 1954, phải, những người ấy thưa dần rồi vắng bặt, để lại trong những phụ nữ nhà tôi cái tặc lưỡi “Thằng đó chạy về thành rồi!”. Có lẽ họ có học, gia tộc của họ khá giả ở thành nên họ thấy tính chất và sự khốc liệt của cuộc chiến lần 2 này rất khác. Và họ đã chọn lựa.

Nam thanh nữ tú chúng tôi hăm hở ra đi. Kẻ xuống U Minh, người lên Phụng Hiệp, căn cứ của tỉnh Cần Thơ. Học hành kiểu thiếu sinh quân, thầy cô giáo cũng toàn người có học ở Cần Thơ đi vào tham gia kháng chiến. Bạn bè Âu Mỹ lại hỏi vui không, vui được không? Vui, hào sảng, hào khí, bởi thú thật, không đi phe trong thì cũng phải chạy ra phe ngoài mà phe ngoài thì trai đăng lính, gái sẽ yêu người liên quan đến Việt Nam Cộng Hòa, không ai ở giữa được. Vùng ba xã của tôi luôn luôn thuộc về vùng kháng chiến, đường hành lang Quân khu U Minh lên các tỉnh trên. Vì vậy nó mang số phận bình địa, đạn bom, chà xát và quân đội của hai phía vật nhau như cơm bữa.

Mười bốn tuổi tôi đã phải đi. Ở nhà bom đạn và hầm trú ẩn hoặc sáng sớm xuống ghe máy tản cư ra ven thị trấn thị xã, xế chiều ngày hôm đó mới mò về, đêm hôm lên đồng cày cuốc gieo cấy và thu hoạch số lúa chỉ đủ cầm cự. Đi thôi. Nam thanh nữ tú. Khi ấy tôi chưa là nữ tú, một cô bé còi cọc như con nhái. Các chú cơ quan Báo chí tỉnh chỉ biết thở dài. Lần đầu tôi biết thế nào sức mạnh vũ khí Mỹ ở đồng trũng Phụng Hiệp, nơi có hẳn một vạt đồng cực lớn toàn cây đưng cây sậy để máy bay trực thăng dùng làm bãi bắn tập.

Ngày nào cũng như ngày nào, tiếng trực thăng, cánh quạt và những tràng đại liên, những tiếng nổ của rocket. Trong khi các chú ngồi ăn uống tỉnh bơ thì tôi phát khóc vì sợ hãi, chỉ thèm cánh đồng dù sao cũng bình yên của Long Mỹ, nơi không có bãi tập rung trời chuyển đất này. Tôi nhỏ quá, tôi bị trả về, đến năm mười sáu tuổi tôi mới được cơ quan cho người đón lên. Sau Mậu thân tôi được cử đi học viết báo ở U Minh, đi bộ, qua rất nhiều trạm đường dây, một trải nghiệm cực kỳ gian nan nhưng cũng cực kỳ đáng nhớ.

Tôi về lại vùng Phụng Hiệp, khi ấy thế của phe trong được mô tả trong các cuộc họp là “ngàn cân treo sợi tóc”. Nếm mùi tọa độ của B.52 rải bom như chơi một trò chơi tàn sát; từng bị vây càn hàng tuần liền không nấu được cơm ăn; cơ quan lần lượt có những người đi không về; những gia đình nông dân trụ lại cuối cùng dưới bóng cây trâm bầu ở những ngọn rạch cạn nhách bị máy bay trực trăng moi ra hầm trú ẩn và thả bộc phá xuống. Mùi tang tóc vây bũa mỗi ngày, hàng trăm ngày như thế.

Cán bộ nữ ra thành, làm giấy căn cước, người bỏ về, người trà trộn cầm cự, nếu gặp người quen trên xe đò hay trong chợ, phải tảng lờ nhau. Rồi Hiệp định Paris 1973, vô số người ra đi mãi mãi và cũng không ít người bỏ ngũ. Anh chị em chúng tôi không ai chết và cũng không ai từ bỏ. Chọn lựa và kiên gan. Tôi không dễ dàng dùng từ kiên trung. Nhưng kiên gan với lựa chọn cũng là một phẩm cách, dưới cái bóng của cha chúng tôi, đơn giản như vậy. Hậu chiến không như tôi hình dung, hậu chiến được thực hành một cách thiếu thuyết phục.

Địa chính trị ngặt nghèo thì số phận của quốc gia sẽ nhiều thăng trầm. Lịch sử luôn bị đặt lên cân, đánh giá và truy xét, đó là nhu cầu nhân văn của hậu thế. Phải chịu phán xét là đương nhiên. Điều người Việt cần là thống nhất và hãy thống nhất trong hoan ca để thực sự có tập hợp lòng người, nội lực và hải ngoại.

Tôi yêu ca khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn và sớm thích những ca từ của một nhạc sĩ khác “Tình người sau cơn mê vẫn xanh. Dù bao tháng năm đau thương dập vùi”. Phải, “Ta sẽ thăm từng người. Sẽ đi thăm từng đường. Sẽ vô thăm từng nhà”.

Chúng ta đã làm được điều đó, hay chưa?

Dạ Ngân

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.