Giá nước tăng có thể gây bức xúc dư luận
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng mới đây đã có văn bản giao Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch. Đề xuất này được nêu ra gần như cùng thời điểm diễn ra sự cố nước sạch Sông Đà.
Lĩnh vực cung cấp nước nguồn đã bắt đầu được tư nhân hoá, nhà máy nước Sông Đuống và nhà máy nước Sông Đà cung cấp nước sạch cho các công ty phân phối nước vốn đang giao cho doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp phân phối này trực tiếp bán nước cho dân.
Vừa xảy ra sự cố ô nhiễm nước mà giá nước tăng có thể gây sự bức xúc trong dư luận. Ảnh minh hoạ
Chất lượng cả hai nguồn nước đều theo quy chuẩn của Bộ Y tế nhưng nước Sông Đà có giá bán 5.069 đồng/m3, nước Sông Đuống đã là 10.246 đồng/m3 theo văn bản chấp thuận của Hà Nội vào tháng 7.2019, thời điểm việc đầu tư của nhà máy thực tế triển khai ra sao chưa có kiểm toán.
Cụ thể, văn bản của UBND TP Hà Nội đã chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án nhà máy nước sạch Sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này. Giá nước sạch tối đa của nhà máy nước sạch Sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.
Với mức giá vừa nêu, CTCP Nước sạch sông Đà cũng đang tiến hành cung cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3. Đơn vị mua nước của Sông Đà để bán lại vẫn có lãi và ngân sách nhà nước không phải thực hiện bù giá cho các đơn vị này. Đồng thời, kết quả kinh doanh của Công ty Sông Đà cũng ghi nhận những khoản lãi lớn từ hoạt động sản xuất nước sạch.
Do đó, giới chuyên gia nhận định, việc tăng giá nước có thể đến từ áp lực bù lỗ khi giá mua buôn có sự chênh lệch không hề nhỏ. Người dân có thể phải chịu mức giá nước sinh hoạt cao hơn hoặc nhà nước phải đứng ra bù lỗ.
Trao đổi với BizLIVE, ông Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), cho biết nước là mặt hàng độc quyền do nhà nước quyết định giá và giao cho UBND các tỉnh, thành tự quyết định sau đó, UBND giao cơ quan chức năng là Sở Tài chính làm phương án, thẩm định và đưa ra Hội đồng Nhân dân và Hội đồng Nhân dân là cấp cuối cùng.
“Nhiều người lo ngại bối cảnh hiện nay Sông Đuống chưa đưa vào vận hành mà 2 năm trước đã có giá. Vấn đề cơ quan chức năng có khách quan hay không, đề xuất này cần được thẩm định chặt chẽ”, ông Long nhấn mạnh.
Đồng thời ông Long đặt vấn đề, xét mặt bằng chung tại sao giá nước của Sông Đuống lại cao hơn, có phải do công nghệ hiện đại hơn, chất lượng nước tốt hơn đòi hỏi cơ quan chức năng và cơ quan tư vấn độc lập cũng cần tham chiến để đưa ra lý giải thoả đáng nhất cho người tiêu dùng. “Vừa xảy ra sự cố ô nhiễm nước mà giá nước tăng có thể gây sự bức xúc trong dư luận”, ông Long nói.
Bên cạnh đó, ông Long cũng cho biết, kinh nghiệm các nước đối với lĩnh vực độc quyền có chế tài xử phạt nghiêm nếu có quan hệ móc nối gây thiệt hại cho người dân.
Trong trả lời trước đó từ đại diện nhà máy nước Sông Đuống, nhà máy nước mặt sông Đuống đã làm được hơn 81km đường ống dẫn nước với đầy đủ các loại công nghệ như đánh chìm ống qua sông Đuống và sông Hồng, sử dụng ống dẫn nước của rất nhiều nước để dẫn nước từ sông Đuống xuống Thường Tín, Hà Đông... “Do đó, giá nước buộc phải cao, không thể làm được nếu như giá nước thấp hơn giá tạm tính”, vị này cho hay.
Cần cơ chế minh bạch
Nước là mặt hàng thiết yếu của người dân, việc tăng giá nước ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của các hộ gia đình, đặc biệt trong bối cảnh người dân Hà Nội vừa trải qua một cuộc khủng hoảng về nước mà nguyên nhân xuất phát từ một nhóm người đổ toàn bộ 10.000 lít dầu thải vào nguồn nước Sông Đà và xử lý lúng túng của Nhà máy nước Sông Đà khi chưa đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng ngay và thực hiện hành động cắt nước khẩn cấp.
“Chúng tôi mua nước hàng tháng trả tiền hoá đơn nước và gần như không để ý rằng công ty cung cấp nước cho chúng tôi đang làm ăn lãi, lỗ ra sao cho đến khi có sự cố ô nhiễm nước vừa qua Nhà máy nước Sông Đà vẫn có lãi, vậy lý do gì tăng giá nước?”, bà Hoàng Minh, Hà Đông, Hà Nội đặt câu hỏi và cho biết, nếu tăng cần có lý do chính đáng, công khai minh bạch.
Trao đổi về việc tăng giá nước, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cũng cho biết, việc tăng giá nước sinh hoạt được Hà Nội lý giải nằm trong lộ trình - từng bước tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu thì đó là bình thường nhưng cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có cơ chế minh bạch.
Bảo Vy