Theo Tờ trình của UBND thành phố Hà Nội, từ ngày 1.7.2021, thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29.3.2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27.11.2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố sẽ áp dụng thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường trên địa bàn các quận, thị xã Sơn Tây. Trong khi hiện nay, UBND phường là đơn vị dự toán trực thuộc UBND các quận, thị xã.
Các đại biểu kỳ họp thứ nhất HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI ấn nút biểu quyết.
Như vậy, các phường khi không còn là cấp ngân sách sẽ không còn nguồn thu, nhiệm vụ chi theo phân cấp tại Nghị quyết của HĐND thành phố. Do đó, cần thiết phải điều chỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu của ngân sách phường về ngân sách quận, thị xã để phù hợp khi triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn các phường.
Vì thế, thành phố đề nghị điều chỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu của ngân sách các quận và thị xã để cụ thể hóa việc các địa phương không còn là cấp ngân sách độc lập. UBND phường là đơn vị dự toán trực thuộc UBND các quận, thị xã; nguồn thu, nhiệm vụ chi của các phường theo phân cấp trước đây chuyển thành nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách các quận, thị xã; tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu của ngân sách cấp phường trước đây được gộp vào tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu của ngân sách quận, thị xã.
Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố nêu rõ, các nội dung trình của UBND thành phố bảo đảm tuân thủ quy định của Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29.3.2021 của Chính phủ, các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và không làm ảnh hưởng đến việc cân đối ngân sách của các quận, thị xã Sơn Tây và thành phố.
Trên cơ sở đó, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố thống nhất với nội dung trình của UBND thành phố. Đồng thời, các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị UBND thành phố quan tâm việc kịp thời hướng dẫn chính quyền các quận và thị xã Sơn Tây các nội dung xử lý chuyển tiếp về tài chính, ngân sách của các phường để đảm bảo tài chính cho hoạt động của UBND các phường và các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức tại các phường ngay từ ngày 1.7.2021.
* Trước đó, vào buổi sáng, HĐND thành phố Hà Nội đã bầu ông Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố khóa XV, giữ chức Chủ tịch UBND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 với 92/94 đại biểu có mặt tán thành bằng phiếu kín (chiếm 97,87%).
Tiếp đó, các đại biểu HĐND thành phố đã bầu các chức danh Phó Chủ tịch UBND thành phố, nhiệm kỳ 2021-2026, gồm các ông: Lê Hồng Sơn, Nguyễn Trọng Đông, Dương Đức Tuấn, Chử Xuân Dũng, Hà Minh Hải, Nguyễn Mạnh Quyền, đồng thời giao Thường trực HĐND thành phố hoàn tất các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.
Tại kỳ họp, HĐND thành phố cũng đã bầu 21 thành viên UBND thành phố Hà Nội là lãnh đạo các sở, ngành và đã biểu quyết xác nhận kết quả bầu cử đối với 21 thành viên UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại kỳ họp.
Phát biểu sau khi bầu các chức danh UBND thành phố, ông Chu Ngọc Anh cho biết mục tiêu quan trọng nhất là: “Bảo đảm người dân, doanh nghiệp cảm nhận được, thẩm thấu được những lợi ích từ hoạt động điều hành, từ các chính sách của chính quyền thành phố”. Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu 3 lĩnh vực mà UBND thành phố sẽ tập trung để tạo đột phá thời gian tới: Thứ nhất, ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, mang đặc trưng của Thủ đô. Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, trọng tâm là đường Vành đai 4. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu; kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành Văn hóa, Du lịch. Xây dựng, phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo và khởi nghiệp; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn Thủ đô.
Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống. Đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.
21 thành viên UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026
Tuấn Việt